Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hoa Sen có thể tiếp tục lỗ 982 tỷ đồng trong quý I niên độ tài chính 2022-2023
Duy Bắc - 22/12/2022 08:32
 
Sau khi báo cáo lỗ 886,98 tỷ đồng trong quý IV niên độ tài chính 2021-2022, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) có thể tiếp tục lỗ thêm trong quý tiếp theo.

Cụ thể, Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố báo cáo phân tích cổ phiếu HSG. Trong đó, Chứng khoán Rồng Việt ước tính trong quý I niên độ 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/12/2022) ghi nhận doanh thu đạt 7.077 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 982 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 638 tỷ đồng, tức giảm 1.620 tỷ đồng.

Triển vọng năm tài chính 2022-2023 phụ thuộc thị trường nội địa

Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng xuất khẩu phục hồi nhẹ từ giữa năm 2023 nhờ Lạm phát dịu hơn từ giữa năm 2023 sẽ khuyến khích nhu cầu toàn cầu về thép mạ. Tuy nhiên, các chính sách thương mại tại các thị trường phương Tây và cạnh tranh từ các nước sản xuất thép lớn (Trung Quốc, Ấn Độ) đang trở nên thách thức hơn với các nhà sản xuất Việt Nam.

Do đó, sự dịch chuyển xuất khẩu sang thị trường châu Á có thể không đủ lớn để bù đắp cho thị trường EU và Bắc Mỹ.

Mặt khác, nhu cầu tại thị trường trong nước sẽ được hỗ trợ bởi giải ngân đầu tư công, mà Rồng Việt cho rằng sẽ mạnh mẽ hơn vào năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng GDP. Theo đó, sản lượng tôn mạ bán ra dự báo giảm 19%, trong đó xuất khẩu giảm 31% và trong nước giảm 3%. Ống thép có thể tăng 15%.

Tính đến thời điểm hiện tại, có vẻ như giá HRC đã chạm đáy do nhiều nhà sản xuất thép trên thế giới cắt giảm công suất. Giá HRC đã giảm liên tục từ tháng 8 đến giữa tháng 10 và bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2022. Tuy nhiên, xu hướng tăng có thể không duy trì lâu do nhu cầu vẫn ở mức thấp.

Thêm nữa, tín dụng ngân hàng thắt chặt và nhu cầu yếu đang buộc các nhà sản xuất phải bán bớt hàng tồn kho giá cao để giải phóng dòng tiền, với Hoa Sen có thể thêm một khoản lỗ lớn trong quý I năm tài chính 2022-2023.

Theo ước tính của chứng khoán Rồng Việt, hàng tồn kho giá cao vào cuối quý 4 có thể mất 4 tháng để tiêu thụ hết. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến sẽ trở lại mức dương từ quý 2 và phục hồi tốt hơn trong nửa sau của năm 2023 với sự hỗ trợ nhiều hơn từ nhu cầu quay trở lại ở các thị trường phương Tây trong khi cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ giảm bớt.

Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận gộp năm tài chính 2022-2023 của Hoa Sen có thể tăng lên 12,4% (năm tài chính 2021-2022 đạt 9,9%). Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 34.513 tỷ đồng (giảm 31% so với cùng kỳ) và 427 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ).

Kinh doanh dưới giá vốn, Hoa Sen báo lỗ 886,98 tỷ đồng trong quý IV niên độ 2021-2022

Cụ thể, Hoa Sen công bố Báo cáo quý IV niên độ 2021-2022 với doanh thu đạt 7.939,12 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng, tức giảm 1.827,35 tỷ đồng.

Trong kỳ, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 230,67 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 2.473,97 tỷ đồng, tức giảm 2.704,64 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 26,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 35,88 tỷ đồng về 97,4 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 30,9%, tương ứng giảm 49,86 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 44,8%, tương ứng giảm 621,02 tỷ đồng về 765,93 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, mặc dù đã cố gắng tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, Hoa Sen vẫn báo lỗ 886,98 tỷ đồng trong quý IV.

Được biết, quý lỗ gần nhất IV/2018 (từ 1/7 đến 30/9/2018) với giá trị lỗ 101,8 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, quy mô tài sản của Hoa Sen thời điểm 30/9/2018 là 21.205,6 tỷ đồng nhưng lỗ 101,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm 30/9/2022, quy mô tài sản là 17.023,9 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng.

Như vậy, thời điểm quý IV niên độ 2021-2022 có quy mô tài sản bằng 80,3% thời điểm quý IV niên độ 2017-2018 nhưng lỗ thì bằng 871%. Có thể thấy, thời điểm 30/9/2022 có quy mô tài sản nhỏ hơn nhưng lỗ thì lớn hơn rất nhiều thời điểm 30/9/2018.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 49.710,64 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 251,05 tỷ đồng, giảm 94,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong niên độ tài chính 2021-2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, Công ty mới hoàn thành được 10% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 2.500 tỷ đồng) và hoàn thành 16,7% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 1.500 tỷ đồng).

Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong quý IV, Công ty đã không thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận năm cho dù kịch bản lợi nhuận thấp nhất.

Lãnh đạo và cổ đông lớn đồng loạt bán ra

Từ 23/6 đến 24/6, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, tổ chức liên quan của ông Lê Phước Vũ vừa bán ra toàn bộ 17.749.301 cổ phiếu HSG để giảm sở hữu từ 3,6% về còn 0% vốn điều lệ. Như vậy, sau giao dịch, Công ty của ông Vũ không còn sở hữu cổ phiếu HSG.

Thêm nữa, ông Đinh Viết Duy, thành viên HĐQT vừa bán ra 50.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,02% về 0,01% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 9/11 đến 17/11.

Và ông Trần Quốc Phẩm, Phó tổng giám đốc vừa bán ra 200.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 347.043 cổ phiếu về còn 147.043 cổ phiếu, tương đương 0,02% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện trong ngày 9/12.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/12, cổ phiếu HSG giảm 550 đồng về 13.150 đồng/cổ phiếu.

Kinh doanh dưới giá vốn, Hoa Sen báo lỗ 886,98 tỷ đồng trong quý IV niên độ 2021-2022
Sau khi ghi nhận lỗ quý IV niên độ 2017-2018, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG – sàn HoSE) ghi nhận lỗ trở lại trong quý IV niên độ 2021-2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư