Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Hoàn thiện thêm quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội
Nguyễn Lê - 29/08/2023 18:37
 
Có nên để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân hay không là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi sửa Luật Nhà ở.
.
Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu tại phiên thảo luận.

Nếu Quốc hội không đưa ra quyết định cuối cùng để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thì công nhân lao động vẫn chờ và vẫn có thể phải chờ mãi.

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đã nói như trên khi tham gia thảo luận Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (Dự thảo) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 29/8.

Gỡ vướng cho nhà ở xã hội nói chung, có nên để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân hay không là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập và ông Khải dành toàn bộ thời gian phát biểu cho vấn đề này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, bên cạnh loại ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê, loại ý kiến khác đề nghị không luật hóa quy định này.

Bởi đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật.

Tại phiên thảo luận chiều 29/8, các ý kiến vẫn trái chiều.

Không nên giao cho Tổng liên đoàn xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, vì Tổng liên đoàn là một tổ chức chính trị mà tổ chức chính trị thì không có chức năng tổ chức kinh doanh, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, nguồn đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu là tài chính công đoàn và tài chính công đoàn thì được đóng góp phần lớn từ kinh phí công đoàn của tất cả người lao động, không riêng gì công nhân trong khu công nghiệp.

“Việc đầu tư nhà lưu trú công nhân cho công nhân thuê sẽ rất rủi ro, chậm thu hồi vốn, phải tiếp tục đầu tư bảo trì trong suốt thời gian cho thuê. Nếu quản lý không tốt thì có thể gây ra các hệ lụy khó lường, có thể dẫn đến cơ hội cho các đối tượng xuyên tạc, gây rối, bất ổn về chính trị”, bà Thủy nói.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) thì trong giai đoạn trước mắt, Tổng Liên đoàn nên ưu tiên nguồn lực để xây dựng nhà lưu trú. Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán thì đề nghị tiếp tục lấy ý kiến và đánh giá tác động kỹ hơn để có thể thực hiện trong tương lai.

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nhấn mạnh, bức xúc lớn nhất của công nhân lao động chính là nhà ở. “Hiện nay ở các khu công nghiệp, khu chế xuất thì công nhân đều chịu hoàn cảnh 5 không: Không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, y tế, không có những điều kiện tối thiểu để sinh hoạt mà chúng ta thì cứ ngồi bàn, còn công nhân thì bao nhiêu năm nay vẫn thế”, ông Khải phát biểu.

Từ thực trạng trên, ông Khải cho rằng việc quan trọng là cân nhắc hành động như thế nào khi sửa Luật Nhà ở lần này.

Ông Khải phân tích, để triển khai được dự án thành công thì phụ thuộc vào ít nhất 4 yếu tố, gồm nguồn lực, bộ máy để triển khai tổ chức thực hiện, đất để triển khai xây dựng và cơ chế, chính sách phù hợp.

Về nguồn lực, Tổng Liên đoàn cũng đã thành lập quỹ đầu tư, hiện nay đã tiết kiệm được khoảng 5.800 tỷ để dành cho quỹ đầu tư này.

Về năng lực triển khai thì Tổng Liên đoàn có Ban quản lý chuyên ngành để quản lý đầu tư, hoàn toàn có thể triển khai được các dự án nhóm A trở lên.

Đối với quỹ đất thì đến nay đã có 36 địa phương có chủ trương giao, bố trí quỹ đất từ 3 đến 5 ha, phù hợp để cho Tổng Liên đoàn đầu tư.

Tổng Liên đoàn cũng đã rất thận trọng triển khai thí điểm 1 dự án ở Hà Nam và chỉ trong 18 tháng, kể cả khâu chuẩn bị đầu tư lẫn khâu đầu tư thì đã xây dựng xong 1 dự án với đầy đủ nhà ở, công trình thể thao, công trình văn hóa và đưa vào khai thác, sử dụng, đến nay đã lấp đầy. Công nhân lao động được thuê căn nhà ở trong thiết chế này với giá rất hợp lý (do vốn không phải tính lãi, không cần thu hồi vốn nhanh, được địa phương hỗ trợ…), ông Khải thông tin.

Tóm lại, ông Khải nhận định, các doanh nghiệp có thể đầu tư nhưng rất nhiều dự án nhà ở công nhân đến nay đầu tư xong không bán được, lý do một phần là do giá thành rất cao so với thu nhập của người công nhân.

“Tôi đề nghị luật này giao cho Tổng Liên đoàn với vai trò như Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng nhà ở công nhân để giúp cho công nhân lao động, những người hiện rất khó khăn", ông Khải nêu quan điểm.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đã thống kê rất cụ thể. Có 13 ý kiến phát biểu liên quan đến quy định Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư nhà ở xã hội thì có 9 ý kiến đồng ý, có 3 ý kiến không đồng ý và một đại biểu có ý kiến khác.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm vấn đề này. Tinh thần là cơ bản các vị đại biểu Quốc hội nhất trí loại ý kiến thứ nhất, tức là có quy định Tổng Liên đoàn là cơ quan chủ quản để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân”, ông Tùng hồi âm đại biểu.

Phó chủ tịch Quốc hội: Tổng Liên đoàn Lao động không nên “ôm” nhà ở xã hội
Lời khuyên được Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đưa ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở sửa đổi,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư