Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Vẫn băn khoăn quy định Tổng Liên đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội
Nguyễn Lê - 25/08/2023 14:23
 
Nhiều ý kiến tại Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Một số ý kiến tại thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (Dự thảo).

Chiều nay (25/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo.

Báo cáo nội dung này của Thường trực Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho thấy nhiều nội dung vẫn còn hai loại ý kiến, trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ năm, bên cạnh một số vị tán thành, một số ý kiến đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân mà trách nhiệm này thuộc về UBND cấp tỉnh.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hình thức sở hữu nhà ở hình thành sau dự án.

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật nêu, tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA ngày 3/8/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tham gia thực hiện dự án nhà ở với tư cách là cơ quan chủ quản, mà không phải trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án; đồng thời chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Các dự án này sử dụng nguồn vốn là tài chính công đoàn. Nhà ở cho thuê được quản lý vận hành như đối với nhà ở do Nhà nước đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tại Thường trực Uỷ ban này tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê theo đề xuất nói trên.

Lý do tán thành là để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người có thu nhập thấp, vừa giới hạn phạm vi thực hiện dự án nhà ở xã hội của chủ thể này để tăng tính khả thi.

Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài, nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp.

Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, cho thuê nhà ở xã hội...

Một số ý kiến cho rằng, không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Tùng báo cáo.

Vì, vấn đề này chưa được đánh giá tác động kỹ về nguồn lực, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả thực hiện dự án, khả năng bảo toàn vốn.

Với cơ chế như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất (nguồn vốn là tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm), thì sẽ không có đủ nguồn lực để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế công đoàn.

Các ý kiến này cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Liên quan tới trách nhiệm của chủ đầu tư dự án thương mại trong phát triển nhà ở xã hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất hai phương án.

Phương án 1, giữ quy định như hiện hành và cũng được đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra chọn. Tức chủ đầu tư làm dự án thương mại tại đô thị đặc biệt, loại I, II và III sẽ phải dành quỹ đất trong dự án làm nhà ở xã hội, hoặc dùng quỹ đất ở vị trí khác, hay góp bằng tiền. Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng giai đoạn. Với đô thị bình thường, UBND cấp tỉnh đưa ra tiêu chí với chủ đầu tư.

Phương án 2, giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, là chủ đầu tư không phải có trách nhiệm làm nhà ở xã hội, mà do UBND tỉnh đảm trách. Đây là phương án Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ.

Theo nghị trình, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới. 

Đề xuất thí điểm cho Tổng Liên đoàn lao động được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư