Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hoàng Tuấn Anh, tác giả mô hình ATM oxy: Chung tay thì mới có cơ hội thắng dịch
Trọng Tín - 02/09/2021 09:35
 
Từng lan tỏa yêu thương từ ATM gạo, Hoàng Tuấn Anh, CEO Công ty Vũ Trụ Xanh (PHGLock) tiếp tục với ATM oxy, giúp những bệnh nhân Covid-19 giành lại sự sống và chung tay để chiến thắng đại dịch.
Ảnh minh họa.
Hoàng Tuấn Anh, tác giả mô hình ATM oxy, CEO Công ty Vũ Trụ Xanh.

Không ngại nguy hiểm, khó khăn

22 giờ 30 phút ngày 28/8, trên đường Võ Văn Ngân (phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP.HCM), chỉ có trụ sở Quận Đoàn TP. Thủ Đức - một trong 24 trạm ATM oxy còn sáng đèn. Chỉ chưa đầy 5 phút khi chúng tôi đặt chân đến, đường dây nóng của đơn vị này liên tục nhận hàng chục cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ bình oxy.

“Dù nắng hay mưa, sớm hay muộn, chỉ cần nhận cuộc gọi là các tình nguyện viên tức tốc lên đường mang bình oxy đến bệnh viện hay nhà dân ở khắp TP.HCM để hỗ trợ người mắc Covid-19”, Hoàng Tuấn Anh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi sau cuộc gọi hướng dẫn người bệnh trong lúc chờ bình oxy được chuyển đến.

“Tôi phải hành động”

Tôi thấy cách làm thiện nguyện của anh rất khác biệt, luôn sáng tạo và đổi mới…

Muốn có sự đột phá mạnh mẽ, thì phải sáng tạo. Sắp tới, tôi sẽ triển khai ATM oxy ở Bình Dương, tiếp đến là Long An, Đồng Nai. Trong quá trình Thành phố triển khai tiêm vắc-xin, tôi cũng cố gắng xây dựng mạng lưới ATM mạnh hơn để cứu sống được thật nhiều người.

Nhưng, sau ATM oxy, thật sự tôi không muốn phải làm thêm một “cây ATM” nào nữa, vì khi một ATM mới ra đời, là khi dân tộc mình đang rất khó khăn. Tôi không muốn điều đó xảy ra.

Dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện, anh chăm sóc gia đình như thế nào?

Đây cũng là khó khăn với tôi, vì phải tiếp xúc với F0 rất nhiều, trong khi nhà có người cha hơn 80 tuổi và 2 con nhỏ. Biết vậy, nhưng khi chứng kiến người quen, bạn bè ra đi đột ngột, tôi rất đau lòng, tôi nghĩ mình phải hành động. May mắn, tôi luôn được vợ ủng hộ.

ATM oxy bắt đầu hoạt động từ ngày 2/8, thu nạp và cho những bệnh nhân F0 điều trị tại nhà mượn trong trường hợp cấp thiết. Người dân cần được cung cấp oxy có thể liên hệ hotline 0796.555.564 hoặc tổng đài 1022, nhánh số 4, sẽ được đội ngũ tình nguyện viên mang bình oxy mới đến tận nơi.

Cùng với đó, ATM oxy hỗ trợ các bệnh viện đẩy nhanh tốc độ thu nạp oxy cho những bình trống nằm kho, tăng năng suất sử dụng lên 4 - 5 lần qua việc tối ưu vận chuyển, thu nạp.

Tuấn Anh chia sẻ, khi thực hiện ý tưởng ATM oxy, anh nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Thành Đoàn TP.HCM. Chỉ trong thời gian ngắn đi vào hoạt động, chương trình ATM Oxy đã nhận được số tiền lên tới 14 tỷ đồng từ các hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và khoảng 4 tỷ đồng từ các cá nhân khác.

Nhờ sự giúp sức của Thành Đoàn TP.HCM, từ 90 bình oxy loại 8 lít ban đầu, ATM oxy đã mở rộng tới 12 quận, huyện và các bệnh viện với 300 bình và chuẩn bị đạt tối thiểu 900 bình đặt tại 24 trạm ATM oxy trên địa bàn TP.HCM.

So với mô hình ATM gạo đã rất thành công trước đó, thì sự khác biệt của ATM oxy là tính cấp bách và chỉ có đơn vị đặc biệt mới có thể sang chiết, nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn hơn. Đó là chưa kể, đợt dịch lần này khủng khiếp hơn những đợt trước rất nhiều, các bạn tình nguyện viên tham gia phải chịu rủi ro rất lớn.

“Dù biết nguy hiểm, nhưng nếu không có đội ngũ hỗ trợ, thì sẽ có rất nhiều ca tử vong. Ít nhất, khi ATM oxy hoạt động, có thể giải quyết được những trường hợp thập tử nhất sinh, biết đâu nhờ đó mà họ vượt cửa tử trở về”, Tuấn Anh nói.

Còn người là còn tất cả

Tuấn Anh tâm sự, những ngày tháng qua ghi dấu mốc “trưởng thành” đặc biệt của anh. Ngoài nỗ lực phát triển kinh doanh, anh dành nhiều tâm sức cho những dự án hỗ trợ cộng đồng, hoạt động từ thiện. Với anh, trưởng thành thực sự là khi biết yêu thương con người, có trách nhiệm với cộng đồng.

Nhưng, Tuấn Anh tự thừa nhận, những gì anh làm được bây giờ và cả sau này cũng không thể sánh được với những gì mẹ đã dành cho anh. “Không có mẹ, thì không có Hoàng Tuấn Anh của ngày hôm nay”.

Tuấn Anh nhớ lại, khi học đại học ở Australia, anh mê kinh doanh và bắt đầu thử sức trong lĩnh vực này. Chỉ trong 6 tháng, anh đã kiếm được gần 1 triệu đô la Australia. Nhưng, khi anh dồn hết vốn liếng, thì đối tác đột ngột dừng chương trình, anh gần như mất trắng.

Ở tuổi dưới 30, phá sản chỉ sau vài tiếng đồng hồ là một cú sốc rất lớn đối với Tuấn Anh. Anh rơi vào khủng hoảng, thậm chí có lúc đã nghĩ đến việc từ bỏ cuộc đời. Chính lúc ấy, mẹ anh đã gọi điện động viên, vực anh dậy để làm lại từ đầu.

“Những lời nói của mẹ khiến tôi ấm lòng, cảm giác không bị bỏ lại, không bị xem là kẻ thất bại. Mẹ đã truyền cảm hứng cho tôi trong suốt cuộc đời lập nghiệp. Lúc này, khi phát gạo cho bà con nghèo, tôi cũng muốn lan tỏa việc làm này đến nhiều người. Tôi đã làm được ATM gạo, ATM khẩu trang và giờ đây là ATM oxy, được nhiều doanh nhân, cộng đồng chung tay góp sức”, Tuấn Anh mỉm cười.

Dù đợt dịch nọ nối tiếp đợt dịch kia khiến công ty của Tuấn Anh cạn kiệt dòng tiền, anh đã phải bán nhà, cầm cố tài sản để trả lương nhân viên. Nhưng, anh vẫn tâm niệm rằng, mình còn may mắn hơn nhiều người.

“Vậy tại sao lại không chia sẻ với những người khó khăn hơn? Nếu tất cả mọi người cùng cố gắng, cùng chung tay chống dịch, thì mới có cơ hội thắng dịch, từ đó có cơ hội phát triển Công ty. Công ty còn sống, mọi người vẫn có việc để làm, rồi doanh nghiệp sẽ có thể phục hồi. Tiền thì lúc nào kiếm cũng được. Tôi chỉ mong đủ sức để tiếp tục cùng mọi người vượt qua đại dịch. Còn người là còn tất cả”, Tuấn Anh nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư