Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 06 tháng 08 năm 2024,
Học phí tại các trường đại học tăng, giảm ra sao trong năm học 2024-2025
Hưng Anh - 06/08/2024 07:13
 
Với nhiều thí sinh và các bậc phụ huynh, lựa chọn vào các ngành học và trường học không chỉ theo nguyện vọng, sở thích mà còn phụ thuộc vào mức học phí có vừa sức hay không.

So với mặt bằng chung năm học 2023-2024, thì năm học này, ở nhiều trường đại học mức học phí có tăng. Ví dụ:

Học viện Ngân hàng:

Mức học phí Học viện Ngân hàng áp dụng với sinh viên khoá mới ở chương trình đào tạo chuẩn từ 25 đến 26,5 triệu đồng/năm, tăng hơn 10 triệu so với năm ngoái.  

Theo công bố của Học viện Ngân hàng mức học phí khối ngành III (Kinh doanh quản lý và pháp luật) là 25 triệu đồng/năm học (năm ngoái 14,1 triệu đồng/năm học). Khối ngành V (Công nghệ thông tin) trường đưa ra mức học phí 26,5 triệu đồng (năm ngoái 16,4 triệu đồng). Còn khối ngành VII (Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi) học phí 26 triệu đồng (năm ngoái 15 triệu đồng).

Mức 37 triệu đồng áp dụng với các chương trình chất lượng cao. Với chương trình liên kết quốc tế, học phí dao động 340 - 380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm, có thể cao hơn nếu sinh viên chọn học năm cuối ở trường liên kết.

Năm nay, Học viên Ngân hàng tuyển sinh 3.514 chỉ tiêu và mở thêm 2 ngành và 5 chương trình đào tạo mới, trong đó 4 chương trình chất lượng cao.

Học viên sử dụng các phương thức tuyển sinh như sau: Xét tuyển thẳng, xét học bạ THPT, xét chứng chỉ quốc tế, xét kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, xét kết quả thi THPT năm 2024.

Với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024, Học viện Ngân hàng dành 50% chỉ tiêu cho phương thức này.

Học viện Ngân hàng tăng mức học phí trong năm học 2024-2025

Đại học Thương Mại:

Mức học phí của trường Đại học Thương mại 2024 nhỉnh hơn so với năm ngoái. Cụ thể, ở chương trình đào tạo tiêu chuẩn, học phí từ 24 - 26 triệu đồng/năm học (tăng trung bình 1 triệu đồng/năm). Ở chương trình định hướng nghề nghiệp, mức học phí 26 triệu đồng/năm học (năm ngoái 25 triệu đồng/năm).

Năm học 2024 - 2025, trường Đại học Thương mại dành 25 tỷ để cấp học bổng cho sinh viên theo quy định. Ngoài ra, sinh viên còn có nhiều cơ hội được xét, cấp học bổng tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp ngoài trường.

Năm nay, trường tuyển 4.950 sinh viên cho 38 chương trình đào tạo theo 5 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (301), xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (100), xét học bạ ba năm, chỉ áp dụng với học sinh trường chuyên (200), xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực (402a), tư duy (402b), xét tuyển kết hợp (409).

Đại học Ngoại thương Hà Nội

Học phí Trường ĐH Ngoại thương chia theo từng chương trình đào tạo. Với chương trình tiêu chuẩn năm học 2024 - 2025, dự kiến mức học phí từ 22 - 25 triệu đồng/năm. Với chương trình chất lượng cao, mức thu học phí dự kiến từ 45 đến 48 triệu đồng/năm; chương trình tiên tiến, học phí dự kiến từ 68 - 70 triệu đồng/năm; chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế, học phí từ 48 – 48 triệu đồng/năm (nhóm A) và từ 60 – 65 triệu đồng/năm (nhóm B).

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông

Áp dụng mức học phí sinh viên từ 27 - 55,5 triệu đồng/năm học. Với các chương trình đại trà có mức học phí từ 27 - 34 triệu đồng/năm học (tăng 2,5 - 6,2 triệu đồng/năm học so với năm 2023) tùy theo từng ngành học.

Với chương trình chất lượng cao, học phí từ 39 - 55 triệu đồng/năm học (năm 2023, ngành Công nghệ thông tin 42 triệu đồng/năm học) tùy theo từng ngành học.

Chương trình liên kết quốc tế từ 49 - 55,5 triệu đồng/năm học tùy theo từng chương trình.

Chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin định hướng ứng dụng trung bình từ 35 - 37 triệu đồng/năm học (tăng 4,5 - 6,5 triệu đồng/năm học so với năm 2023).

Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội

Năm học này, mức học phí của trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội là 15- 37 triệu đồng/năm.

Trong đó các ngành có học phí cao nhất tại trường gồm: Khoa học máy tính và thông tin, Hóa học, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Hóa dược, Sinh học, Công nghệ sinh học với 3,7 triệu đồng/tháng (37 triệu đồng/năm học), tăng 2 triệu đồng/ năm học so với năm ngoái.

Ngành có học phí thấp nhất gồm: Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, Môi trường, sức khỏe và an toàn 1,5 triệu đồng/tháng (15 triệu đồng/năm học).

Học viện Tài chính có mức học phí thấp nhất là 25 triệu đồng/năm học, cao nhất 700 triệu đồng/khóa học.

Năm nay, chương trình đào tạo chuẩn, Học viện Tài chính áp dụng mức học phí với sinh viên là 25 triệu đồng/năm học (tăng 1 - 2 triệu đồng so với năm ngoái). Với chương trình định hướng CCQT, học viện áp dụng mức 50 triệu đồng/năm học.

Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng giữa Học viện Tài chính với Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) nếu học 4 năm trong nước mức học phí là 70 triệu đồng/năm học. Nếu học 3 năm trong nước và 1 năm ở nước ngoài có tổng mức học phí 700 triệu đồng/khóa học.

Với chương trình liên kết đào tạo Đại học Toulon cấp bằng học trong 3 năm Học viện áp dụng mức học phí từ 171 - 180 triệu đồng/khóa học (tùy từng chuyên ngành đào tạo)…

Với các trường đại học thuộc khối y tế, sức khoẻ, từ năm học 2023 - 2024, các trường thực hiện thu học phí theo Nghị định 81 và Nghị định 97 của chính phủ nên học phí cao hơn so với thời điểm trước. Trong đó, nhóm ngành Sức khỏe có mức học phí cao nhất, cùng với việc các trường ĐH được tự chủ, ở các trường công lập, sinh viên học Y khoa có khi phải nộp học phí đến gần 10 triệu đồng/tháng.

Học phí các trường ĐH thuộc khối ngành sức khoẻ ở mức cao

Học phí Trường ĐH Y Hà Nội năm học 2024 - 2025 ngành Y học Cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Y khoa học phí cao nhất 55,2 triệu đồng/năm học/sinh viên; một số ngành khác có học phí là 41,8 triệu đồng/năm học/sinh viên.

hơn là ngành Y học dự phòng 27,6 triệu đồng/năm học/sinh viên, ngành Y tế Công cộng, Dinh dưỡng có học phí là 20,9 triệu đồng/năm học/sinh viên. Ngành Tâm lí học thu học phí thấp nhất, 15 triệu đồng/năm học/sinh viên.

Năm học tới, ngành Răng - Hàm - Mặt Trường ĐH Y Dược TPHCM có mức thu cao nhất lên đến 84,7 triệu đồng/năm học/sinh viên; ngành Y khoa là 82,2 triệu đồng/năm học/sinh viên…

Hiện nay, ngành y tế đang triển khai chương trình thí điểm đưa bác sĩ về thực hành tại các bệnh viện đa khoa gắn liền với trạm y tế. Ngoài việc được trải nghiệm thực tiễn, gắn liền với cộng đồng, các bác sĩ sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí trong quá trình thực hành. Giải pháp này không chỉ giảm bớt áp lực về tài chính cho các bác sĩ mới ra trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng nhân lực ngành y.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư