Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Học phí, viện phí quá cao: Đại biểu đề nghị tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế
T.L - 05/11/2024 12:37
 
Chi phí đầu tư lớn khiến các bệnh viện, trường học phải tăng học phí, viện phí lên cao. Các đại biểu kiến nghị ngân sách cần tăng đầu tư cho hai lĩnh vực này để giảm gánh nặng phí cho người dân.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 diễn ra sáng nay (5/11), đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, hiện ngân sách đầu tư về cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Theo đại biểu, nếu thực hiện tự chủ, khi vay ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, các bệnh viện và trường đại học phải tăng viện phí hoặc học phí cao lên. Do đó, người bệnh, người học phải chi trả phí dịch vụ cao.

Do đó, đại biểu đề nghị cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao...  

Về vấn đề tự chủ tài chính, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ.

Liên quan tới vấn đến tiết kiệm chi thường xuyên và đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) cho biết, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện được điều này, đại biểu đề xuất thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lập kế hoạch, bố trí nguồn vốn đầu tư công.

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) cho biết, theo tờ trình, Chính phủ có đề xuất cho phép dành 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là chủ trương tốt song cần cân nhắc kỹ trong quá trình triển khai.

“Chúng ta đề xuất giảm 5% chi thường xuyên năm 2024 nhưng bây giờ là tháng 10 rồi. Và theo dự kiến ngày 13/11 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết này. Địa phương đã xây dựng dự toán từ đầu năm, nhiều địa phương cơ bản đã giải ngân hết. Nếu cắt giảm 5% thì địa phương sẽ lấy nguồn ở đâu?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Do đó, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị Chính phủ cân nhắc vấn đề này, đồng thời, cần có cơ chế mở hơn theo hướng: Nếu địa phương nào có khả năng tiết kiệm được thì thực hiện, không thể yêu cầu đồng loạt các địa phương đều như nhau. Nếu địa phương nào đã sử dụng hết và bắt buộc tiết kiệm thì đề nghị cần xem xét.

Cũng liên quan tới chi thường xuyên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, theo báo cáo kiểm toán, hiện nay, bố trí chi thường xuyên còn thấp, còn 2/3 chi thường xuyên chưa được phân bổ, làm kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề nêu trên, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong chi thường xuyên phải tuân thủ nguyên tắc có dự toán và đơn giá định mức được duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó, các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định; sau đó Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại.

Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chủ yếu là tiết kiệm ở hoạt động mua sắm, công tác phí, hội nghị, nâng cấp sửa chữa, mua sắm nhỏ…; còn chi trả lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác. Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo... Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội việc cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên.

Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009-2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển... Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.  

Về dự toán tăng thu ngân sách năm 2025 thêm 5% (dựa trên nền đã tăng 10% năm 2024), có đại biểu lo lắng khó thực hiện vì hiện nguồn thu của nhiều địa phương phụ thuộc lớn vào nguồn thu tiền sử dụng đất trong khi việc công bố bảng giá đất mới của các địa phương chậm, điều này sẽ khiến thu ngân sách bị ảnh hưởng.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ cho biết, thủ tục thu tiền sử dụng đất không phức tạp mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ.

Làm rõ trách nhiệm chậm phân bổ kinh phí chi thường xuyên
Đến nay số tiền các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ là 3.000 tỷ đồng; đồng thời hiện còn 12.040 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên của các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư