Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Không thu viện phí các khoản không được bảo hiểm thanh toán với nạn nhân bị bão lụt
D.Ngân - 16/09/2024 21:11
 
Bộ Y tế vừa có công văn số 5481/BYT-KCB về việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt.

Cơn bão số 3 với cường độ rất mạnh và mưa lụt, sạt lở sau bão đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản, công trình công cộng và dân sinh.

Các bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang thăm khám cho bệnh nhân bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị ảnh hưởng và hư hại, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hoà Bình và nhiều tỉnh khác.

Trong bối cảnh đó, các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế… vẫn kiên cường đứng vững, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và văn bản phòng chống bão, lụt của Bộ Y tế. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, cho đến nay không có trường hợp nào không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Các bệnh viện đã chuẩn bị đối phó với siêu bão, di chuyển người bệnh, thiết bị lên tầng cao hơn, sẵn sàng nhân lực, chuẩn bị thuốc men, máy phát điện… cứu chữa người bệnh.

Tại một số bệnh viện ở TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, do mất điện lưới kéo dài, nhiên liệu chạy máy phát điện hết nên đã huy động nhân viên bóp bóng bằng tay, tận tâm, hết lòng cứu sống người bệnh;

Các cơ sở y tế tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã tích cực cứu chữa nạn nhân bị vùi lấp, chấn thương… do ảnh hưởng của cơn bão và mưa gió, sạt lở sau bão; nhiều nhân viên y tế đã dầm mình trong bùn, lũ cùng người dân đối phó và khắc phục hậu quả…

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khắc phục nhanh chóng hậu quả của bão, lụt, duy trì và đảm bảo các điều kiện nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề nghị, đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc các Trường Đại học Y, dược và bệnh viện tại các tỉnh, thành phố khác có điều kiện về chuyên môn, không bị ảnh hưởng bão, lụt:

Sẵn sàng chi viện, thành lập đoàn công tác để tăng cường nhân lực điều trị và phòng chống dịch bệnh cho các bệnh viện tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ, kết nối hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa, tiếp nhận người bệnh...

Khuyến khích việc quyên góp ủng hộ cho đồng bào vùng bão, lụt với tinh thần tương thân tương ái tuỳ theo khả năng đóng góp của từng đơn vị, cá nhân.

Đối với các bệnh viện, cơ sở y tế tại các vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 cần tiếp tục phát huy tinh thần “Lương y phải như từ mẫu” của người thầy thuốc, sẵn sàng, hết lòng phục vụ người bệnh; trường hợp vượt quá khả năng chuyển cơ sở khác hoặc đề nghị hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa.

Lưu ý không thu viện phí các khoản không được bảo hiểm y tế thanh toán đối với các nạn nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp chi phí điều trị và báo cáo Sở Y tế. Phối hợp tiếp nhận, phân phối, sử dụng các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, theo đúng quy định của pháp luật.

Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc, vật tư… và chủ động đề xuất khắc phục, bổ sung kịp thời để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh thường quy.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3: Tăng cường giám sát thực tế, chỉ đạo sát sao, nắm chắc tình hình của các cơ sở y tế tại địa phương và hỗ trợ ngay nếu cần thiết để khắc phục nhanh nhất các thiệt hại, đưa hoạt động khám, chữa bệnh trở lại bình thường.

Chỉ đạo CDC phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với kịch bản dịch bệnh gia tăng sau bão lụt và các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc, viêm da…

Tổng hợp chi phí điều trị của các nạn nhân trên địa bàn và các thiệt hại do bão lụt, báo cáo UBND tỉnh để có phương án giải quyết kịp thời.

Về hành động cụ thể hỗ trợ cho đồng bào mưa lũ, ngày 15/9, ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn công tác đã đến xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trao quà cho người dân nơi đây.

Phát biểu tại buổi lễ trao quà, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau lũ trách nhiệm của ngành y tế rất cao, phải hướng dẫn bà con làm tốt công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn nước sạch và phòng chống dịch bệnh sau lũ như các bệnh về da, nấm, rối loạn tiêu hóa, đau mắt hoặc bệnh gan… Trong những túi quà trao tặng hôm nay có các loại thuốc, thực phẩm giúp người dân có thể tăng cường sức khỏe sau lũ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định Bộ Y tế đã, đang và sẽ đồng hành với các tỉnh thành phố để luôn đảm bảo tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là với Yên Bái – nơi chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Chương trình Chung tay ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của Bộ Y tế do Báo Sức khỏe và Đời sống đầu mối, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm cùng góp sức.

Chương trình đã trao tặng đến 156 hộ dân với mong muốn hỗ trợ nhân dân phần nào khắc phục hậu quả, tái thiết cuộc sống và đảm bảo được sức khỏe sau bão lũ. Tổng số tiền mặt và hàng hoá trao ngày 15/9 là hơn 1,8 tỷ đồng.

Mỗi hộ dân được trao tặng 3.000.000 đồng tiền mặt. Đồng thời, hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên 30.000.000 đồng; hỗ trợ 11 trạm y tế thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua gồm các trạm y tế Nga Quán, Cường Thịnh, Minh Quân, Bảo Hưng, Cổ Phúc, Việt Thành, Báo Đáp, Đào Thịnh, Y Can, Quy Mông, Hòa Cuông với mức hỗ trợ 20.000.000 đồng/trạm y tế để tu sửa cơ sở vật chất sau lũ.

Chương trình cũng đã trao tặng 20.000.000 đồng đến Trường Mầm non xã Việt Thành bị thiệt hại sau mưa lũ để tu sửa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị.

Ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, chương trình đã trao những phần quà gồm thuốc và nhu yếu phẩm thiết yếu cho các đơn vị và bà con nhân dân.

Được biết, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có 21 xã và thị trấn với hơn 24.000 hộ dân. Ngay sau khi nhận được thông tin về bão số 3, địa phương đã vào cuộc rà soát hết các hộ nằm ở ven sông Hồng, khu vực nguy hiểm như sườn đồi, núi dốc… và lên phương án đưa đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, đây là cơn lũ lịch sử, nước lên rất nhanh dọc sông Hồng có nhiều diện tích lúa, ngô, dâu tằm của người dân đều bị vùi lấp, mất trắng hoàn toàn. Thiệt hại của địa phương rất lớn, tính sơ bộ ban đầu vào khoảng 600 tỷ đồng và 4 người tử vong.

Chia sẻ với người dân và cán bộ y tế của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên gửi lời thăm hỏi sâu sắc đến các gia đình có người thân bị tử nạn, mong muốn nhân dân Yên Bái nói chung, nhân dân huyện Trấn Yên nói riêng, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống

Lưu ý khi xử lý, sơ cứu vết thương do mưa lũ
Trong mưa lũ, khi bị thương, người dân sơ cứu đúng cách, đầy đủ theo các bước, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn uốn ván.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư