Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 11 năm 2024,
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết do Việt Nam đề xuất và soạn thảo
T.T - 04/04/2023 08:56
 
Nghị quyết được thông qua là một dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: TTXVN
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 03/4 tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc) đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo. Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong Khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Tại phiên họp cấp cao mở đầu Khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva ngày 27/2 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn và 30 năm Tuyên bố nêu trên bằng một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhằm khẳng định lại và tăng cường các nỗ lực cũng như hành động hướng tới đạt được những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của hai văn kiện quan trọng nêu trên, cũng như các cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người.

Nội dung Nghị quyết tập trung vào tầm quan trọng và nhiều nội dung tích cực của Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên như nhắc lại các nguyên tắc chính về quyền con người của hai văn kiện; phản ánh quan tâm rộng rãi của các nước trong việc kỷ niệm hai văn kiện; nâng cao vị thế, vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc; nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các quốc gia trong bảo đảm quyền con người; ghi nhận sự tham gia của phụ nữ, vai trò của hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng sự đa dạng, bao trùm... trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung và trong tham gia công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nói riêng.

Nghị quyết cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc triển khai chương trình hoạt động kỷ niệm Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên, trong đó có Sự kiện cấp cao của Liên hợp quốc về quyền con người vào tháng 12/2023 và có Báo cáo về các hoạt động kỷ niệm lên Khóa họp 56 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào đầu năm tới.

Nghị quyết này là một dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva đã trực tiếp triển khai soạn thảo, tham vấn, thương lượng dự thảo Nghị quyết, sau khi Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu sáng kiến tại Khóa họp.

Ngày 03/4/2023, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết bằng đồng thuận, với sự tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết của 98 nước (tính đến cuối giờ chiều ngày 03/4/2023 giờ Geneva), bao gồm 14 nước đồng tác giả (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha), đồng thời có 34 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cả các nước phương Tây và nhiều nước đang phát triển từ cả 5 nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN.

Với nội dung như nêu trên, việc Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, có sự đồng bảo trợ của 98 nước cho thấy Nghị quyết thể hiện sự quan tâm và ưu tiên chung của các nước và cộng đồng quốc tế, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia ủng hộ của đông đảo các nước, được sự đánh giá cao của các bên. Việc Việt Nam đề xuất Nghị quyết này tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc rất kịp thời, đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về kỷ niệm và đề cao UDHR và VDPA, hai văn kiện quan trọng về quyền con người là nền tảng của khung khổ các công ước quốc tế, các cơ chế, đối thoại và hợp tác ở các cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia về quyền con người. Nghị quyết này sẽ giúp tăng cường hơn nữa nỗ lực và hành động của các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong hiện thực hóa các mục tiêu, tôn chỉ, cam kết hành động đề ra tại hai văn kiện trên, góp phần nâng cao vai trò của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho mọi người, thông qua đối thoại và hợp tác, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Đây cũng là kết quả của những nỗ lực chủ động, sáng tạo và triển khai bài bản của Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva trong việc đưa ra sáng kiến Nghị quyết, soạn thảo nội dung, cũng như nỗ lực của Đoàn Việt Nam trực tiếp tham vấn, vận động, thương lượng với các Đoàn của các nước tại Geneva để đi đến nhất trí về nội dung dự thảo Nghị quyết bao gồm những nội dung tích cực, cân bằng sự quan tâm của các nước, trong bối cảnh các nước và các nhóm nước còn có quan điểm khác nhau trên các vấn đề cụ thể về quyền con người. Bên cạnh đó, sự phối hợp tích cực của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần tích cực trong việc vận động các nước ủng hộ Nghị quyết.

Việc Việt Nam đề xuất, soạn thảo và thương lượng Nghị quyết này vừa là cụ thể hóa trách nhiệm, nỗ lực và ưu tiên của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đồng thời cũng là hiện thực hóa chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 với nội dung chính gồm: khẳng định mọi người sinh ra tự do, bình đẳng, không phân biệt, khẳng định các quyền của con người như quyền sống, quyền được xét xử công bằng, không bị tra tấn, không phải làm nô lệ và các quyền khác trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy không phải là văn kiện pháp lý quốc tế nhưng UDHR là nền tảng để xây dựng luật quốc tế về nhân quyền, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; cũng như được đưa vào các văn kiện về quyền con người của các cơ chế khu vực và vào pháp luật của các quốc gia. Ngày 10/12 sau này trở thành Ngày Nhân quyền quốc tế. Đây là một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20, được tất cả các nước thông qua và đã trở thành nền tảng để các quốc gia, trong đó có Việt Nam sử dụng trong quá trình xây dựng các văn kiện liên quan đến việc bảo vệ quyền con người.

Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua năm 1993, tại hội nghị quốc tế về Nhân quyền được tổ chức tại Viên. VDPA khẳng định lại các giá trị của UDHR, đồng thời làm rõ việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người phải là ưu tiên cao nhất của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế; nhấn mạnh trong khi cần tính tới các đặc thù của mỗi quốc gia, xã hội, các quyền con người cần được nhìn nhận là giá trị phổ quát, cần được đánh giá trong mỗi quan hệ cân bằng, phụ thuộc lẫn nhau. VDPA cũng khẳng định vai trò của Liên hợp quốc trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới và khởi động cho việc thành lập Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc.

Liên hợp quốc thông qua văn bản hiệp ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ biển cả
Sau nhiều năm đàm phán, các nước thành viên Liên hợp quốc cuối cùng cũng đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư