Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hội nghị 30 năm thu hút FDI: Hà Nội định hướng trở thành nơi đầu tư kinh doanh thành công
Thanh Nga - 05/10/2018 19:24
 
Với vị thế của Thủ đô trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và là nhóm 3 địa phương được doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn. Theo đó, Hà Nội tiếp tục định hướng trở thành địa điểm đầu tư kinh doanh thành công của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thu hút 4.372 dự án với tổng vốn trên 33 tỷ USD

Tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới” vừa diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết,  Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị, phát triển nhanh chóng.  Với vị thế của Thủ đô trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và là nhóm 3 địa phương được doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn.

Kể từ năm 1989, khi những dự án FDI đầu tiên được cấp phép (với 4 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 48 triệu USD), thu hút FDI liên tục tăng trưởng cả về số lượng dự án và vốn đăng ký, đến tháng 9/2018, trên địa bàn Thành phố có 4.372 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt trên 33 tỷ USD. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, với trên 6,2 tỷ USD vốn đầu tư, Hà Nội tạm đứng thứ nhất cả nước về thu hút FDI.

Gian trưng bày thành tựu thu hút FDI của TP. Hà Nội tại Hội nghị (Ảnh: Đức Thanh)
Gian trưng bày thành tựu thu hút FDI của TP. Hà Nội tại Hội nghị (Ảnh: Đức Thanh)

Khu vực FDI với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Nguồn vốn FDI chiếm khoảng 10-15% trong tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của Thành phố trong những năm qua (trung bình đạt 7,11%), giúp Thành phố hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu. Đồng thời, tạo thêm việc làm cho hơn 270.000 lao động trẻ, tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô.

Khu vực FDI cũng đã góp phần xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại, với các công trình thương mại, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu biểu như: Tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Keangnam cao 72 tầng, Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng Lotte cao 65 tầng, các Trung tâm thương mại Aeon MALL, các khách sạn 5 sao quốc tế như Metropole, Hilton, Sheraton… đã góp phần đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố được xếp hạng có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng mở rộng hợp tác

Theo Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung, để phát huy vai trò dẫn dắt và điều phối phát triển của Thủ đô đối với các vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu, lan tỏa về công nghệ và tạo động lực cho phát triển liên kết vùng theo chỉ đạo và định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội tiếp tục thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo hướng mở rộng hợp tác liên kết mạnh với các tỉnh, thành phố, xóa bỏ sự manh mún, dàn trải và tập trung để dần hình thành một hệ sinh thái, một cộng đồng khoa học công nghệ có thể tương tác, chia sẻ, dùng chung các tiện ích hạ tầng.

Cụ thể, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng.

Đó là đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: Giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường. Thứ hai là sản xuất, gia công, trong đó, ưu tiên các ngành, lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm. Lĩnh vực ưu tiên thứ ba là dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao như: Dịch vụ công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Du lịch, Thương mại, Giáo dục đào tạo, Y tế-Chăm sóc sức khỏe, Logistic.

Một số giải pháp Hà Nội đặt ra để liên kết mạnh mẽ với các tỉnh, thành phố là cùng phối hợp chặt chẽ để xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển địa phương, phối hợp với các bộ, ban, ngành thực hiện quy hoạch phát triển vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, thành phố, tránh sự trùng lặp, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có tính cạnh tranh cao, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; qua đó, thúc đẩy phát triển vùng và phát triển kinh tế của cả nước.

Hà Nội cũng cùng các tỉnh tiếp tục “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, từ đó, cùng xây dựng các giải pháp, chương trình, kế hoạch và nỗ lực thực hiện. Bên cạnh đó tăng cường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại.

Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội sẽ quyết tâm đưa các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành hiện thực nhằm xây dựng Hà Nội thành một động lực cho liên kết phát triển vùng, một địa điểm đầu tư kinh doanh du lịch hấp dẫn-nơi thành công của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. 

Từ năm 1989 đến tháng 9/2018, trên địa bàn Thành phố có 4.372 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt trên 33 tỷ USD. Chỉ tính trong 2 năm (2016-2017) và 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội thu hút được 12,4 tỷ USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút trong giai đoạn từ 1986-2015.
Trng 9 tháng đầu năm 2018, với trên 6,2 tỷ USD vốn đầu tư, Hà Nội tạm đứng thứ nhất cả nước về thu hút FDI.
Hà Nội ưu tiên thu hút FDI thế hệ mới
Trong tháng 8/2018, TP. Hà Nội tiếp tục vượt qua nhiều địa phương có thế mạnh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vươn lên đẫn đầu, chiếm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư