Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Mậu Tuất 2018 tỉnh Nghệ An: Thành tựu 10 năm trải thảm đỏ
Hoàng Hảo - 09/03/2018 10:21
 
Những nỗ lực trong đầu tư kết cấu hạ tầng và xây dựng những cơ chế cần thiết để thu hút các nguồn lực đã tạo nên những đột phá đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An

Trăn trở thoát nghèo

Nghệ An dù được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng với tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, nhưng vẫn thuộc nhóm những tỉnh nghèo của cả nước.

Không thể không nhắc tới nguyên nhân sâu xa là do xuất phát điểm kinh tế của Nghệ An thấp, nằm ở vị trí địa lý cách xa các trung tâm kinh tế - chính trị lớn của đất nước, trước đây điều kiện giao thông khó khăn nên hoạt động giao thương rất hạn chế, người dân địa phương chủ yếu tự cung tự cấp lo toan cuộc sống.

Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 176 Dự án với tổng vốn đăng ký 14.561 tỷ đồng. Trong ảnh: Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Hiếu II .
Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 176 dự án với tổng vốn đăng ký 14.561 tỷ đồng. Trong ảnh: Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Hiếu II .

Hơn thế, trong suốt hành trình lịch sử của dân tộc, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, vùng đất Nghệ An luôn là nơi chứng kiến những trận chiến ác liệt chống ngoại xâm nên bị tàn phá nghiêm trọng. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, không chỉ Vinh trở thành đống đổ nát mà cả địa bàn Nghệ An bị bom đạn cày xới.

Nội lực yếu, nguồn lực bên ngoài đổ vào hạn chế càng khiến kinh tế Nghệ An tụt hậu với so với nhiều địa phương trong một thời gian dài.

Đây là điều trăn trở của không chỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An mà còn khiến Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, tìm giải pháp đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước.

Ngoài các vấn đề về cơ chế, chính sách của Trung ương dành cho vùng khó khăn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, các dự án an sinh xã hội được thực hiện bằng ngân sách nhà nước, việc phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo và đặc biệt là tăng cường thu hút đầu tư để huy động mọi nguồn lực để tạo những cú huých, đòn bẩy về tài chính, nhằm đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Nghệ An.

Cú huých từ ngoại lực

Năm 2009, theo sáng kiến của Ngân hàng BIDV và được Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương và UBND tỉnh Nghệ An đồng thuận, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Nghệ An lần đầu tiên được tổ chức, nhằm tạo ra một diễn đàn đầu tư theo mô hình ba nhà (nhà quản lý, nhà đầu tư và nhà cung cấp tín dụng), để giải quyết nhanh chóng các vấn đề và tập trung thu hút sức mạnh tổng thể từ nhiều nguồn lực, đưa kinh tế - xã hội của Nghệ An phát triển.

Từ đó đến nay, cứ vào dịp đầu Xuân hàng năm, các hội nghị xúc tiến đầu tư liên tục diễn ra với tên gọi mới là Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư, với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp mạnh trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Các hội nghị  này đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp với tỉnh Nghệ An và trở thành ngày hội đầu tư truyền thống của tỉnh.

Song song với vấn đề thu hút đầu tư bằng những thảm đỏ, cơ chế, chính sách tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, được sự hỗ trợ của Trung ương, Nghệ An đẩy nhanh việc hoàn thành quy hoạch, tập trung các nguồn lực phát triển hạ tầng, nhất là giao thông để đảm bảo việc thông thương hàng hóa được thuận lợi.

Sau 9 lần tổ chức, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, nhiều thỏa thuận hợp tác được thực hiện trên các lĩnh vực đầu tư và hỗ trợ an sinh xã hội; cung cấp tín dụng thực hiện dự án giữa BIDV và các doanh nghiệp. Cũng thông qua các hội nghị này, số lượng các doanh nghiệp quan tâm khảo sát, đăng ký và thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng tăng cao, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ. Từ hội nghị quy mô cấp tỉnh với 200 nhà đầu tư tham dự của năm đầu tiên, hiện tại, Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư đã có quy mô khu vực và quốc tế với gần 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

Những dự án làm thay đổi bộ mặt kinh tế Nghệ An

Việc luôn coi thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Nghệ An liên tục hơn 10 năm qua đã thực sự tạo ra một làn sóng đầu tư mạnh mẽ tại Nghệ An, với nhiều dự án của các thương hiệu lớn.

Điển hình là chuỗi các dự án do Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ tín dụng và tư vấn đầu tư, tổng số vốn đăng ký 65.697 tỷ đồng. Tổng công ty Rượu, Bia và Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) có với 2 dự án, tổng vốn đầu tư 2.188 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên cũng đã có  4 dự án, tổng số vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng. Tổng công ty Xi măng Việt Nam có 4 dự án, tổng số vốn đầu tư 16.019 tỷ đồng.

Tính từ năm 2009 đến năm 2017, Nghệ An đã thu hút được 980 Dự án đầu tư với tổng vốn hơn 276.000 tỷ đồng, trong đó 927 Dự án đầu tư trong nước với hơn 112.000 tỷ đồng và 53 Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 163.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen đã thực hiện 2 dự án là Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An 1 (vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng) và Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An 2 (vốn đầu tưu 5.000 tỷ đồng). Tập đoàn Vingroup với Dự án Tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí và biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội (tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng). Tập đoàn Xi măng The Vissai với chuỗi dự án có tổng mức đầu tư 13.700 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư nước ngoài cũng đóng góp vào hoạt động kinh tế - xã hội của Nghệ An. Có thể kể tới Nhà máy Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, viễn thông Hitech BSE Việt Nam với số vốn 630 tỷ đồng của Tập đoàn BSE Hàn Quốc; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Mavin AustFeed Nghệ An (tổng mức đầu tư 325 tỷ đồng) và Trung tâm Giống heo hạt nhân công nghệ cao (vốn đầu tư 350 tỷ đồng) của Tập đoàn Mavin (Úc). Nhiều dự án sản xuất may mặc xuất khẩu của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, như Namsung Vina, Haivina, MLB Tenergy, Prex Vinh... đang tạo hàng ngàn việc làm cho người lao động…

Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt trên lĩnh vực công nghiệp, thời gian gần đây, hai “ông lớn” chuyên về hạ tầng khu công nghiệp châu Á cũng đã tìm đến Nghệ An đầu tư. Đó là Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An của Liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Công ty Becamex Bình Dương và Dự án Khu công nghiệp WHA Hemaraj (tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD trên diện tích 3.200 ha) của Tập đoàn Hemaraj Land and Development PLC (Thái Lan). Đây được đánh giá là hai dự án hạ tầng quan trọng sẽ mở ra nhiều cơ hội và tạo nên những bước đột phá để Nghệ An thu hút thêm nhiều thương hiệu quốc tế uy tín hơn nữa trong thời gian tới.

Rút ngắn khoảng cách, phát triển bền vững

Thành công từ các lần tổ chức Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào Nghệ An suốt 10 năm qua, điều này thể hiện ở số lượng và quy mô dự án tăng dần qua các năm. Nhiều dự án đi vào hoạt động hiệu quả đã góp phần hình thành nên một số vùng động lực kinh tế mới cho địa phương.

Tính từ năm 2009 đến năm 2017, Nghệ An đã thu hút được 980 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 276.000 tỷ đồng, trong đó 927 dự án đầu tư trong nước với hơn 112.000 tỷ đồng và 53 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 163.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, Nghệ An đã cấp mới cho 176 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 14.561 tỷ đồng.

Các dự án thu hút đầu tư đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần tăng thu ngân sách địa phương từ mức 3.436 tỷ đồng (năm 2009) lên 12.030 tỷ đồng (năm 2017), giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương mỗi năm. Đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên 29 triệu đồng/năm.

Những số liệu thống kê trên cho thấy, khoảng cách về kinh tế của Nghệ An đã được rút ngắn so với các địa phương khác trên cả nước. Phần lớn các dự án đầu tư vào Nghệ An đều mang tính bền vững, góp phần đưa GDP của Nghệ An tăng trưởng hàng năm cao hơn bình quân chung của cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An những năm qua liên tục được cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng.

Điều này phản ánh những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An trong thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị với mục tiêu đưa Nghệ An trở thành một tỉnh công nghiệp, là trung tâm kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ vào năm 2020.

Nghệ An hút nhiều dự án xi măng
Sở hữu nguồn đá vôi trữ lượng lớn, Nghệ An đã trở thành địa phương trọng điểm của cả nước về thu hút các nhà đầu tư đến bỏ tiền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư