Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Hôm nay, Quốc hội phê chuẩn xong nhân sự, bế mạc kỳ họp thứ nhất
Nguyễn Lê - 28/07/2021 06:53
 
Cuối giờ chiều nay, 28/7, Quốc hội họp phiên bế mạc, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đáng chú ý về phòng chống dịch Covid-19.
.
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Chiều nay, 28/7, kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV sẽ bế mạc, sau khi hoàn thành nhiều nội dung của ngày làm việc cuối cùng.

Buổi sáng, Quốc hội tiếp tục làm công tác nhân sự, thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ.

Theo dự thảo nghị quyết này, Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 27 thành viên, gồm: Thủ tướng Chính phủ; 4 Phó Thủ tướng Chính phủ; 18 Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế. 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Cuối giờ sáng, Thủ tướng Chính phủ trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Dự kiến, nhân sự trong danh sách này không có gì thay đổi so với danh sách thành viên Chính phủ hiện tại.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Một loạt các nội dung về kinh  tế, xã hội, ngân sách được biểu quyết  trong buổi sáng gồm: Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 (trong đó có kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025); Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín để phê chuẩn danh sách trên. Sau đó, Chủ tịch nước trình Quốc hội danh sách Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Quốc hội phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Nghị quyết về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua sau phần phê chuẩn này.

Đến đây, Quốc hội cũng hoàn thành toàn bộ việc phê chuẩn nhân sự của ngày làm việc cuối cùng. Trước đó, Quốc hội đã hoàn thành việc bầu và phê chuẩn nhiều chức danh quan trọng khác của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ mới.

Cuối giờ chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đáng chú ý  về phòng chống dịch Covid-19 được Ủy ban Thường vụ coi là sáng kiến lập pháp.

"Đây là sáng kiến lập pháp rất quan trọng, có ý nghĩa, kịp thời, thể hiện Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, cả hệ thống chính trị và Nhân dân quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh khi báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều 27/7.

Dự thảo nghị quyết kỳ họp gửi xin ý kiến đại biểu nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các biến chủng mới có khả năng sẽ xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng người mắc bệnh, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dẫn đến nhiều thách thức trong việc kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi phải có các giải pháp ứng phó kịp thời, đồng bộ, phù hợp.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kinh phí hoạt động ngoại giao của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội quyết định chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời quyết định các vấn đề phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm,

Nếu dự thảo nghị quyết được thông qua, Chính phủ được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, lãng phí trong hoạt động này. Chính phủ được  ban hành nghị quyết, chỉ thị, công điện và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối tháng 10/2021.

Cũng trong sáng 28/7, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Các ông bà được phê chuẩn gồm: ông Nguyễn Văn Dũng, ông Ngô Tiến Hùng, ông Nguyễn Biên Thuỳ và bà Đào Thị Minh Thuý. Nghị quyết nêu rõ, căn cứ nghị quyết này Chủ tịch nước bổ nhiệm các ông bà nói trên làm thẩm phán toà án nhân dân tối cao. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2021.
Quốc hội thành lập hai đoàn giám sát về công tác quy hoạch và chống lãng phí
Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát để giám sát tối cao hai chuyên đề trong năm 2022 về thực hành tiết kiêm, chống lãng phí và công tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư