Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 04 tháng 02 năm 2025,
Hơn 100 tỷ USD hàng xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi
Hải Yến - 04/02/2025 14:07
 
Kết quả tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA trong năm 2024 là tích cực, các cơ quan, tổ chức đã cấp khoảng 1,8 triệu bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi, trị giá hơn 100 tỷ USD cho hàng hóa xuất khẩu.
Các doanh nghiệp ngày càng tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA.
Với 17 FTA đã ký kết, doanh nghiệp Việt ngày càng tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2024, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 1,8 triệu bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi với trị giá hơn 100 tỷ USD cho hàng hóa xuất khẩu, tăng 18% về số lượng C/O, tăng 28% về trị giá so với năm 2023, chiếm 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA.

Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi trung bình 28% trong năm qua không có nghĩa là 72% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao, theo giải thích của Cục Xuất nhập khẩu.

Bởi thuế nhập khẩu tại một số thị trường như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) đã là 0%. Hơn nữa, con số 28% chỉ là tỷ lệ cấp trung bình của các mẫu C/O ưu đãi, tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O, từng thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

"Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi năm 2024 tăng 28% so với năm trước cho thấy đây là kết quả tích cực, thể hiện Việt Nam đang tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA", bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận xét.

Quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam thông qua hệ thống 17 FTA đã ký kết và 2 FTA đang đàm phán tiếp tục là đòn bẩy đáng kể cho thương mại hàng hóa với nhiều thị trường lớn.

Kết quả này có được là nhờ thực hiện loạt giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả các thị trường hiện có, khai thác các thị trường mới tiềm năng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.

 Theo đó, từ ngày 1/1/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp 13 mẫu C/O điện tử cho doanh nghiệp, gồm: các mẫu AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), chủ trì phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử.

Việc cấp C/O điện tử đã góp phần tích cực giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.

Đối với những nhóm hàng thuộc danh mục cảnh báo, có nguy cơ gian lận xuất xứ, các cơ quan, tổ chức cấp C/O tăng cường kiểm tra trước khi xem xét, cấp C/O ưu đãi hoặc hậu kiểm, xác minh xuất xứ hàng hóa.

Bà Hiền cho biết thêm, trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa hưởng lợi nhưng cũng có thể khiến vô hiệu hóa lợi ích thuế quan nếu hàng hóa không đáp ứng xuất xứ.

Trước yêu cầu này, Cục Xuất nhập khẩu hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định cam kết quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa. Cùng với đó, các doanh nghiệp được lưu ý về việc xây dựng hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.

Cục Xuất nhập khẩu cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp C/O triển khai tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, giải đáp tình huống thực tế;  kiểm tra, hướng dẫn kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tạo môi trường để các tổ chức cấp C/O cũng như doanh nghiệp có quy định cụ thể và minh bạch trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới với 17 FTA đã được ký kết và thực thi, 2 FTA đang đàm phán, gồm: FTA Việt Nam - EFTA (Thụy Sĩ, Na uy, Iceland, Liechtenstein) và FTA ASEAN - Canada. Như vậy, tổng số FTA của Việt Nam đã ký kết và đàm phán là 19 FTA.

Các FTA này được đánh giá đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, tạo cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Năm 2025, Bộ Công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024. Đây được đánh giá là mục tiêu rất thách thức. Song, với việc ký kết 17 FTA đã và đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư