Thứ Tư, Ngày 16 tháng 04 năm 2025,
Hơn 430 cổ phiếu giảm sàn, VN-Index mất hơn 15% từ đỉnh
Tùng Linh - 08/04/2025 17:09
 
Đà giảm tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Toàn bộ 30 cổ phiếu trong nhóm VN30 giảm giá, trong đó có đến 24 mã giảm sàn. VN-Index đã giảm 185 điểm sau 3 phiên và giảm 210 điểm từ mức đỉnh từng xác lập vào giữa tháng 3/2025.

Bình quân 4 cổ phiếu có 1 mã cổ phiếu giảm sàn

Khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4, VN-Index  giảm mạnh 8,10% cùng đột biến về khối lượng giao dịch với mức tăng mạnh 57,5% so với tuần trước. Không riêng tại Việt Nam, mức áp thuế vượt ngoài các dự đoán khiến giới đầu tư “hoảng loạn”. Mở cửa trở lại sau ngày nghỉ lễ, thị trường phiên 8/4 tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh ngay từ đầu. Lực bán khiến VN-Index lao dốc về khu vực 1.135 điểm, tương ứng mức giảm sâu hơn 70 điểm chỉ sau một giờ giao dịch, tình trạng giảm giá diễn ra trên diện rộng.

VN-Index đôi lúc có dấu hiệu chững lại nhờ một số cổ phiếu vốn hóa lớn thu hẹp đà giảm. Dù vậy, tâm lý chung vẫn rất bi quan khi bên bán tiếp tục mạnh tay “thoát hàng”,, đẩy chỉ số giảm sâu.

Diễn biến trong phiên chiều không có nhiều thay đổi, VN-Index vẫn ghi nhận mức giảm trong vùng 75 - 80 điểm. Hàng loạt cổ phiếu nằm trong trạng thái dư bán giá sàn. Thanh khoản thị trường không tăng lên do rất nhiều cổ phiếu không có lệnh mua đối ứng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 77,88 điểm (-6,43%) xuống còn 1.132,79 điểm. Như vậy, VN-Index đã mất hơn 185 điểm chỉ sau 3 phiên giao dịch kể từ khi có các thông tin liên quan đến chính sách thuế quan từ Mỹ. HNX-Index phiên hôm nay cũng giảm 15,93 điểm (-7,34%) xuống 201,04 điểm. UPCoM-Index giảm 6,63 điểm (-7,28%) xuống 84,5 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận chỉ 68 mã tăng trong khi có 428 mã giảm và 431 mã giảm sàn. Bình quân, cứ 4 mã chứng khoán lại có 1 cổ phiếu đóng cửa giảm kịch biên độ. Phiên hôm nay vẫn có 14 mã tăng trần nhưng đều là các mã ít thanh khoản. Điểm đáng chú ý là toàn bộ cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm sàn và không có lệnh vị thế mua “long” đối ứng.

8 cổ phiếu vốn hoá lớn góp tới 30 điểm giảm.

Tâm điểm phiên hôm nay vẫn là nhóm VN30. Giá trị giao dịch toàn sàn HoSE đạt hơn 25.300 tỷ đồng, nhưng nhóm VN30 đóng góp đến 17.322 tỷ đồng. Toàn bộ 30 cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm giá nhưng có đến 24 mã giảm sàn và đa phần rơi vào trạng thái “trắng bên mua”.

Cổ phiếu SeAbank (SSB) và Sabeco (SAB) là hai cổ phiếu có mức giảm nhẹ nhàng nhất nhóm này với lần lượt 1,04% và 1,7%. Có thời điểm trong phiên giao dịch cả SSB và SAB thậm chí được kéo lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, trước áp lực bán quá lớn nên hai mã này cũng không thể đi ngược xu thế chung. VCB, BID hay CTG là các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi lần lượt 8,35 điểm, 4,18 điểm và 3,45 điểm.

Xuất hiện lệnh giải chấp lớn, khối ngoại bán ròng 1.700 tỷ đồng

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, áp lực bán tháo diễn ra vẫn rất mạnh, nhiều cổ phiếu giảm sàn xuyên suốt từ đầu đến cuối phiên.  DIG có phiên giảm sàn thứ ba liên tiếp. Ngay trong ngày 8/4, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đã có thông báo về việc dự kiến bán giải chấp hơn 1,2 triệu cổ phiếu DIG của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường. Thời gian dự kiến thực hiện ngay trong 8/4 cho đến khi hoàn tất nghĩa vụ thanh toán hoặc đủ tỷ lệ ký quỹ đảm bảo theo quy định của MBS. Phiên hôm nay, DIG đóng cửa ở mức chỉ 16.050 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 4,08 triệu đơn vị trong khi còn dư bán giá sàn 14,3 triệu đơn vị.

Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với phiên trước do nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng “trắng bên mua”. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 1,16 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 25.303 tỷ đồng (giảm 40%), trong đó, giao dịch khớp lệnh là 22.841 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt đạt 1.285 tỷ đồng và 911 tỷ đồng.

Giá trị bán ròng của khối ngoại giảm dần sau 3 phiên.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.700 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã MBB với 411 tỷ đồng. VHM và FPT bị bán ròng lần lượt 369 tỷ đồng và 324 tỷ đồng. Trong khi đó, MWG đứng đầu danh sách mua ròng với 100 tỷ đồng. CTG cũng được khối ngoại giải ngân mua 86 tỷ đồng.

Chứng khoán giữa bão thuế quan và hy vọng "tái ông thất mã"
Việc quản trị danh mục là ưu tiên của nhà đầu tư lúc này khi sự điều chỉnh của thị trường có thể là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư