Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Chứng khoán giữa bão thuế quan và hy vọng "tái ông thất mã"
Thủy Triều - 08/04/2025 16:23
 
Việc quản trị danh mục là ưu tiên của nhà đầu tư lúc này khi sự điều chỉnh của thị trường có thể là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu các doanh nghiệp đầu ngành có hoạt động kinh doanh không phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu.

Cú sốc về thuế quan đang là tâm điểm của thị trường. Trong bối cảnh còn nhiều biến động và toàn bộ giới đầu tư đều đang trông ngóng những động thái mới của chính quyền Trump, các công ty chứng khoán đều đưa ra những khuyến nghị đáng lưu ý đối với nhà đầu tư trong tháng 4 này. 

Tái ông thất mã?

Công ty chứng khoán SSI đánh giá, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn qua các quỹ ETF và qua các quỹ chủ động đồng loạt đẩy mạnh rút ròng trong tháng trước rủi ro thuế quan. Chỉ số VN-Index đi ngang trong tháng 3 nhưng đã biến động giảm mạnh trong các phiên đầu tháng 4. Sau khi Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch thuế quan, Việt Nam cũng đã có những phản ứng trong việc khởi động đàm phán về thuế quan với Hoa Kỳ.

Trong các doanh nghiệp niêm yết, ngành dệt may, thủy sản và gỗ là các ngành xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều nhất. Ngược lại, các sản phẩm như thép và nhôm không bị áp thuế đối ứng. Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ tác động gián tiếp đến các ngành khác bao gồm ngành Khu công nghiệp, Logistics, Hàng tiêu dùng và các nhóm ngành khác. 

SSI cho rằng, thị trường tháng 4 có thể là câu chuyện “tái ông thất mã”, tin xấu thực tế có thể trở thành cơ hội tốt. Dù không thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng những lợi ích dài hạn cho Việt Nam sẽ đến từ mô hình tăng trưởng kinh tế cân bằng do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại và đây vẫn là kịch bản cơ sở.

Về ngắn hạn, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025 và hai con số cho các năm tiếp theo. Chính sách tài khóa (kích cầu, đầu tư công) vẫn là điểm nhấn của năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp so với thế giới và thu ngân sách tăng cao. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được nới lỏng thêm do áp lực lên tỷ giá khó kéo dài lâu khi “chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” đang dần bị thay thế bởi rủi ro suy thoái. Tuy nhiên trong ngắn hạn việc tỷ giá chịu áp lực cũng có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt của chính sách tiền tệ. 

Nhìn về dài hạn, việc có cơ hội nhanh chóng tiến tới có một hiệp định Thương mại tự do để làm cơ sở cân bằng hơn cán cân Thương mại giữa hai nước, cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, sẽ là một bước tiến lớn của Việt Nam trong câu chuyện trở thành quốc gia kết nối. Đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, cũng như tập trung hơn vào thị trường nội địa với các động lực tăng trưởng từ bên trong để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

SSI đánh giá, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay thấp hơn so với giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2018-2019, cũng như ở các lần biến động khác trong 10 năm gần đây. Trong 10 năm qua, VN-Index đã điều chỉnh hơn 4% trong 24 lần. Mặc dù thị trường có thể còn động lực điều chỉnh trong ngắn hạn, tỷ lệ thị trường hồi phục sau giai đoạn 1-3 tháng và 12 tháng tương đối cao ở mức 70% và 75%, với tỷ suất sinh lời trung bình sau 12 tháng là 16%. 

Bên cạnh đó, câu chuyện tăng trưởng nội địa của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các yếu tố cụ thể, bao gồm nâng hạng thị trường và kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chinh trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và phát triển kinh tế tư nhân 

Do đó, SSI tin rằng, tin xấu có thể lại là cơ hội tốt đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là cơ hội ở các ngành phòng thủ như Hàng tiêu dùng thiết yếu, Năng lượng/Điện, công nghệ thông tin và các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng trong nước như Vật liệu xây dựng.

Chờ thêm thông tin về quá trình đàm phán

Thị trường có thể gặp rủi ro trong ngắn hạn nhưng vẫn được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực trung và dài hạn cũng là nhận định chung của bộ phận phân tích từ các công ty chứng khoán khác. 

Chứng khoán Việt Nam đã có 3 phiên giảm sốc liên tiếp

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phân tích, việc Mỹ đánh thuế cao hơn kỳ vọng là một thông tin bất ngờ. Thị trường có thể tiếp tục chiết khấu thông tin như những gì diễn ra trong giai đoạn 2018-2019 để phản ánh kỳ vọng tác động tiêu cực của chính sách thuế quan lên triển vọng tăng trưởng kinh tế. 

VDSC giữ quan điểm thuế quan vẫn sẽ là công cụ đàm phán của chính quyền Mỹ với các đối tác giúp giảm thâm hụt thương mại. Sự kiện thuế quan lần này sẽ có khả năng kích hoạt căng thẳng thương mại leo thang hoặc ngồi vào bàn đám phán để tìm tiếng nói chung. Do đó, thị trường sẽ tiếp tục biến động ít nhất cho đến khi dấu hiệu về tiếng nói chung được tìm thấy. 

Về mặt thông tin, VDSC cho rằng “đáy của sự tiêu cực” từ chính sách đã hiện hữu, những tín hiệu tốt từ các vòng đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là chất xúc tác cho thị trường phục hồi khi mà Việt Nam không có tham vọng leo thang căng thẳng thương mại so với Trung Quốc, EU, Nhật Bản, và Canada. 

Trong thời gian tới, kết quả kinh doanh quý I/2025 cũng dần được công bố với kỳ vọng duy trì được mức tăng trưởng. Trong đó các nhóm ngành lớn như Ngân hàngBất động sản sẽ là nhân tố dẫn dắt mức tăng trưởng lợi nhuận của thị trường. 

Với mức độ phản ứng nhanh và mạnh của thị trường ngay sau khi có thông tin về thuế quan của Chính quyền Trump, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ sớm tìm được điểm cân bằng sau khi rớt về vùng 1.140 – 1.165 điểm, và phục hồi về ngưỡng 1.285 điểm sau đó. Cơ sở cho kỳ vọng này đến từ việc Định giá thấp so với giai đoạn 2018-2019 và Phản ứng của thị trường tài sản trú ẩn (vàng, DXY) không tăng mạnh sau sự kiện rủi ro trên. Trong khi đó, nhóm phân tích cũng không loại trừ kịch bản một thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được trước ngày 9/4, qua đó kỳ vọng tích cực sẽ quay trở lại giúp chỉ số phục hồi. 

VDSC khuyến nghị, cho đến khi có các thông tin mới về kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, việc ưu tiên quản trị danh mục nên được đặt lên hàng đầu. Nhà đầu tư có thể tận dụng các đợt phục hồi của thị trường để giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy và cơ cấu danh mục đầu tư. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt cao, nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường là cơ hội để tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành mà hoạt động kinh doanh không phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu. 

Với đánh giá từ phía Công ty chứng khoán Mirae Asset, mặc dù rủi ro chiến tranh thương mại vẫn còn là mối lo ngại, các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam dự kiến sẽ là nền tảng vững chắc cho triển vọng trung và dài hạn. 

Những yếu tố hỗ trợ bao gồm trọng tâm của chính phủ vào tăng trưởng GDP được củng cố thông qua giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng tốc đầu tư khu vực tư nhân, cải thiện xu hướng tiêu dùng nội địa, cùng với kỳ vọng mới về khả năng nâng hạng thị trường trong bối cảnh VN-Index hiện đang giao dịch ở vùng dưới một lần độ lệch chuẩn so với mức P/E bình quân 10 năm. 

Dù vậy, trong ngắn hạn, các yếu tố bất lợi có thể kích hoạt các đợt giảm mạnh, chủ yếu do tâm lý bi quan và áp lực bán giải chấp. Vì thế, Mirae Asset khuyến nghị nhà đầu tư duy trì thái độ thận trọng trong các phiên sắp tới, chờ thêm thông tin về quá trình đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ. 

Theo kịch bản thận trọng nhất, nếu Việt Nam không thể thương thảo để hạ mức thuế đối ứng xuống 10% hoặc không thể bảo đảm các miễn trừ cho những mặt hàng thiết yếu, tâm lý bi quan kéo dài và áp lực bán ra thì nhiều khả năng sẽ đẩy các ngưỡng hỗ trợ về vùng 1.125–1.150 điểm. Còn nếu Việt Nam thành công trong đàm phán, thị trường kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi về mặt tâm lý lẫn thanh khoản.

Loạt ngành hàng tỷ USD sốt ruột với thuế quan Mỹ
Chính sách thuế quan của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhóm ngành chính đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư