Chính sách thuế quan của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhóm ngành chính đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2024, gồm: Đồ điện tử, máy móc-thiết bị, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản.
 |
Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ”, sáng 8/4. |
Chính sách thuế của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhóm ngành xuất khẩu lớn, đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2024, bao gồm: Đồ điện tử, máy móc-thiết bị, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản". Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ”, sáng 8/4 do Báo Tiền Phong tổ chức.
Hôm 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách mới về thuế quan. Theo đó, Mỹ áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu của tất cả các nước từ ngày 5/4 và áp thuế đối ứng với 60 nước kể từ ngày 9/4.
Với Việt Nam, mức thuế đối ứng Mỹ công bố là 46%, thuộc nhóm các nước chịu mức thuế cao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan...
Việc Việt Nam là nước chịu mức thuế đối ứng cao đang gây áp lực lớn và lo lắng cho cộng đồng doanh nghiệp về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bị tăng tồn kho, khi các đối tác Mỹ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao.
Cầu dệt may tại Mỹ sẽ giảm vì thuế cao
Nói về ảnh hưởng của ngành xuất khẩu hơn 16 tỷ USD/năm sang Mỹ, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất sang Mỹ hơn 16 tỷ USD/năm 2024. Chính sách thuế đối ứng của ông Trump bất ngờ và vượt xa dự báo.
Trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may đi Mỹ sẽ giảm bởi giá cả đắt đỏ hơn, trong khi đó, kỳ vọng đàm phán của Chính phủ và những xoay chuyển của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giảm thiểu rủi ro.
Từ quý II/2025, dự báo đơn hàng đi Mỹ sẽ giảm. Tuy nhiên, không quá bi quan khi trong lần này Mỹ đánh thuế với tất cả các nước, nên theo nghiên cứu của Vinatex, lần này, ít có sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng như lần đầu, bởi các nước khác cũng chịu mức thuế cao.
Ngoài khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ La Tinh, có những rào cản thấp hơn. Các khu vực này năng lực sản xuất thấp hơn, quy mô sản xuất, tay nghề nhà sản xuất, đặc biệt, mức độ ổn định về mặt xã hội, chính trị không cao. Đầu tư lượng mua hàng mất 1-2 năm mới ổn định, nếu dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia, sẽ không nhiều. Trong ngắn hạn có thể giảm giá, giảm cầu tại Mỹ.
Ví dụ quần áo, mức giá tăng 1%, nhu cầu giảm 1-2%. Trong trường hợp 1 cái quần bán giá 50 USD tại Mỹ, giá sản xuất tại Việt Nam khoảng 10 USD. Nếu tăng 5% thuế, giá tăng thêm 5 USD, và giá bán cuối cùng 55 USD. Nhu cầu có thể biến động 10-20%, mà dệt may tương đối nhạy cảm về giá.
Đồ gỗ "sốc" nặng
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam (Viforest), 5 ngày qua, doanh nghiệp gỗ sống trong những thời điểm rất “sốc”. Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ.
Việt Nam trong những năm gần đây là quốc gia hàng đầu chế biến, xuất khẩu gỗ chỉ sau trung Quốc. Tại Mỹ, xuất khẩu 38-40% tổng kim ngạch gỗ lên tới 9,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao.
Nếu như từ ngày 9/4, rất nhiều sản phẩm gỗ sang Mỹ chịu mức thuế 46%, doanh nghiệp không còn biên độ lợi nhuận.
"Sở dĩ chúng ta xuất vào Mỹ lớn vì cần nhau, chúng tôi tính khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ có chế biến sản phẩm xuất, 1 triệu hộ nông dân , toàn bộ chuỗi cung ứng này chắc chắn bị tác động bởi thuế quan này", ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Viforest nói.
Thừa nhận, trong kinh doanh mà "bỏ trứng vào một giỏ" là vô cùng nguy hiểm, nhưng các doanh nghiệp cho rằng, việc tìm kiếm thị trường thay thế cũng không dễ. Dù vậy, trong thời sắc khó khăn này, đây là lúc nhìn lại chặng đường tìm lối đi mới cho ngành gỗ.
Doanh nghiệp thủy sản dừng ký hợp đồng, tạm dừng xuất khẩu
 |
Bà Lê Hằng, Phó tổng Thư ký Vasep. |
Cùng chung nhóm hàng thuộc rổ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ chịu tác động mạnh bởi thuế quan, ngành thủy sản cũng đứng ngồi không yên.
Bà Lê Hằng, Phó tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nói: "Ngay sau khi nhận thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản như "ngồi trên đống lửa" với tâm trạng hoang mang và lo lắng".
Tại thời điểm ông Trump công bố áp thuế (2/4), nước ta đang có gần 40.000 tấn thủy hải sản đang trên đường đến Mỹ và các doanh nghiệp lo ngại rằng không biết số hàng hóa này có bị áp thuế 46% ngay hay không.
Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46%, mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá..., nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%, theo Vasep.
Mặt khác, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF - chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác, do đó, mức thuế mới của Mỹ tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng.
Chưa hết, doanh nghiệp thủy sản còn đang e ngại việc sẽ mất thị trường Mỹ trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra..., vì thị trường này chiếm tới 1,8 - 2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông - ngư dân và doanh nghiệp trong ngành.
 |
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc. |
Đầu tiên là mức thuế suất rất cao, đây là mức thuế không tưởng trong bất kỳ kịch bản ứng phó nào với mức thuế quan của Mỹ kể từ khi ông Trump đắc cử.
Thứ hai là thời gian gấp, chúng ta không có thời gian để chuẩn bị. Ông Trump thường nói gì sẽ làm cái đấy, chiến thuật của ông Trump thường làm rất nhanh, thường chỉ trong khoảng 6 tháng.
Thứ ba, Mỹ là một thị trường tiêu thụ chủ chốt các hàng hoá của nước ta, chủ yếu là các mặt hàng chủ chốt, đặc biệt những mặt hàng có giá trị gia tăng cao nhất. Điều đấy không chỉ ảnh hưởng đến các ngành hàng mà nhìn chung còn ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.Thứ tư, chúng tôi nhận thấy mức độ quan trọng của thị trường Mỹ và phần nghiêm trọng của sự thay đổi thuế suất. Trong những nhóm hàng chủ lực mà chúng ta đã tính đến việc xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng nặng nhất thì độ biến động về cung cầu đều rất lớn. Tức là, chỉ một thay đổi nhỏ về giá cũng có thể dẫn tới những thay đổi lớn về cầu, giá tăng thì cầu sẽ giảm vì bản chất đó là những nhóm hàng có độ co kéo chặt chẽ để giảm lợi nhuận biên cho doanh nghiệp. Cho nên không tính đến việc thay đổi thuế suất đến 46% mà chỉ cần một thay đổi nhỏ đã có thể dẫn đến thay đổi về cầu.Thứ năm, khi lùi xa để nhìn tác động của thương chiến Mỹ - Trung cả ngắn hạn và trung hạn, cái lo ngại nhất của thuế quan là không chỉ là suy giảm về GDP, tăng trưởng việc làm hay thu nhập. Mỹ là đầu tàu của chuỗi giá trị, của toàn bộ chuỗi cung ứng nên tác động đáng lo ngại nhất không nằm ở thương mại mà nằm ở sự thay đổi toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế đó ở đằng sau.Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc