Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS chưa được cấp phép: Quyền lợi của người học được đảm bảo
Hưng Anh - 10/05/2024 18:01
 
Vụ việc IDP cấp 56.230 chứng chỉ IELTS khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép đang gây xôn xao dư luận.

Chiều 9/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát đi thông tin “không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ".

Lỗi về quản lý hành chính?

Trước thông tin Công ty IDP tổ chức thi và cấp 56.230 chứng chỉ trước thời điểm được Bộ  Giáo dục và Đào tạo đã gây hoang mang cho nhiều thí sinh. Các em không biết thông tin này có ảnh hưởng đến việc xét miễn thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học sắp tới hay không.

Sinh viên các trường đại học trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ IELTS cũng lo lắng sẽ rơi vào tình trạng không biết "đi đâu về đâu", nếu trường hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chứng chỉ không có giá trị và hủy kết quả trúng tuyển.

Theo kết luận của Thanh tra  Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 17/11/2022, Bộ  Giáo dục và Đào tạo mới phê duyệt quyết định cho phép Công ty IDP liên kết với IELTS Australia Pty Ltd tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 16/11/2022, IDP đã liên kết tổ chức thi và cấp tổng cộng 56.230 chứng chỉ IELTS.

Công ty IDP tổ chức thi và cấp 56.230 chứng chỉ trước thời điểm được Bộ  Giáo dục và Đào tạo đã gây hoang mang cho nhiều thí sinh.

Việc Công ty IDP tổ chức thi và cấp 56.230 chứng chỉ trước thời điểm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết đã vi phạm Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, do thời điểm thanh tra đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thanh tra Bộ  Giáo dục và Đào tạo đề nghị Công ty IDP rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam của công ty, thực hiện đúng quyết định cho phép của Bộ.

Thanh tra Bộ  Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Bộ giao Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn công ty thực hiện xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty đã liên kết tổ chức thi và cấp khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Chia sẻ góc nhìn về vụ việc trên, chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức cho rằng, vấn đề này chỉ nên nhìn nhận ở góc độ lỗi về quản lý hành chính, thay vì không công nhận kết quả thi IELTS của thí sinh.

Theo chuyên gia Hoàng Anh Đức, hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có hai đơn vị  được phép triển khai tổ chức kỳ thi IELTS bao gồm Hội đồng Anh và IDP. Khi tổ chức, các đơn vị phải tuân thủ theo quy định của tổ chức IELTS quốc tế, đảm bảo trong quá trình thi mọi thứ đều được lưu trữ lại, bao gồm băng ghi âm, băng ghi hình thí sinh làm bài thi và trong lúc phỏng vấn. Những tài liệu này sẽ được lưu trữ vài năm.

Về cơ bản, những chứng chỉ IELTS này khi thí sinh dùng để nộp hồ sơ đi du học tại các trường đại học quốc tế vẫn sẽ được chấp nhận, không ảnh hưởng tới quyền lợi của các em. Vấn đề chỉ là thí sinh có thể bị ảnh hưởng khi xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học trong nước.

“Tôi nghĩ rằng nếu nói 56.230 chứng chỉ IELTS bị “cấp sai” trong trường hợp này cũng không chính xác lắm. Thay vào đó, đây là vấn đề hổng về mặt quản lý kỹ thuật, còn về mặt chất lượng của các kỳ thi vẫn đảm bảo theo các quy định”, ông Đức nói.

Theo chuyên gia Hoàng Anh Đức, để đảm bảo được sự công bằng cho tất cả thí sinh, cơ quan quản lý Nhà nước mà ở đây là Bộ GD-ĐT nên xem xét vụ việc ở góc độ một lỗi về quản lý hành chính và vẫn nên công nhận kết quả cho thí sinh.

Bộ  Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ".

Nội dung được Bộ  Giáo dục và Đào tạo phát đi thông tin vào chiều ngày 9/5 về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam, sau vụ việc IDP - đơn vị đồng sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam cấp 56.230 chứng chỉ IELTS khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép gây xôn xao dư luận.

"Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ  Giáo dục và Đào tạo về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ", Bộ  Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Thời gian tới, Cục Quản lý chất lượng, Bộ  Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật.

"Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ  Giáo dục và Đào tạo về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ".

Liên quan đến vụ việc, sáng 9/5, IDP Việt Nam cũng phát đi thông báo về tính hợp lệ của các chứng chỉ IELTS được cấp trong năm 2022.

“Chúng tôi xin khẳng định các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp làm việc chặt chẽ với Bộ  Giáo dục và Đào tạo như từ trước đến nay để đảm bảo tuân thủ theo mọi yêu cầu của cơ quan quản lý các cấp sở tại”, thông báo của IDP nêu rõ.

Nở rộ tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS
Nhiều trường đại học căn cứ vào chứng chỉ IELTS để tuyển sinh. Điều này giúp thí sinh giỏi tiếng Anh có cơ hội trúng tuyển vào các trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư