Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hơn 84.000 tỷ cho ba tuyến cao tốc mới cân đối thế nào?
Nguyễn Lê - 10/05/2022 19:38
 
Tán thành sự cần thiết đầu tư ba dự án đường bộ cao tốc mới song hình thức đầu tư và cân đối nguồn vốn đều cần được tính toán kỹ hơn, theo ý kiến đại biểu Quốc hội.
.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn.

Đều tán thành sự cần thiết đầu tư ba dự án đường bộ cao tốc mới song cả hình thức đầu tư và cân đối nguồn vốn đều cần được tính toán kỹ hơn, theo ý kiến đại biểu Quốc hội.

Chiều 10/5 Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 7,  thẩm tra chủ trương đầu tư ba dự án quan trọng quốc gia. Gồm các dự án (giai đoạn 1) xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng ; Khánh Hòa -  Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, vào ngày 30/4/2022 - ngảy nghỉ lễ - Chính phủ mới có tờ trình của ba dự án này.

Theo ông Thanh, đầu tư ba dự án là yêu cầu cấp bách để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt vùng Tây Nguyên chưa có tuyến cao tốc nào. Vì thế dù thời gian trình rất gấp gáp song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn giao uỷ ban Kinh tế chủ trì thẩm tra, sau đó sẽ xem xét vào phiên họp thứ 11 (tháng 5/2022), nếu đủ điều kiện sẽ trình ra kỳ họp thứ ba của Quốc hội khai mạc ngày 23/5 tới đây.

Trình bày tờ trình ba dự án này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết cả ba dự án đều được đầu tư bằng hình thức đầu tư công. Với tổng chiều dài khoảng 360 km, sơ bộ tổng mức đầu tư của cả 3 dự án được Chính phủ tính toán là hơn 84.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, sẽ thu phí để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án.

Cả ba dự án đều dự kiến chuẩn bị năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Về cân đối vốn, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, ngoài nguồn vốn đã dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án này, Chính phủ đã huy động từ các nguồn khác nhau gồm: nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương (từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 và rà soát, cơ cấu lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Nhìn cả ba dự án, Phó chủ nhiệm Uỷ ban tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn phân tích, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 67,5 nghìn tỷ và đã bố trí được trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là 33.000 tỷ, chiếm 50% và cắt giảm 7.300 tỷ từ các dự án khác. Vốn từ Chương trình phục hồi là 9.620 tỷ (trong 113 nghìn tỷ của Chương trình).

Về tăng thu tiết kiệm chi, ông Toàn nhấn mạnh kết quả năm 2021 được 53.000 tỷ nhưng chỉ còn khoảng hơn 41.000 tỷ (còn lại là tiền viện trợ và đã chi nội dung khác). Trong số này dự kiến dành 13.000 tỷ cho ba dự án, theo Phó chủ nhiệm Toàn cũng là chính đáng nhưng phải báo cáo rõ hơn với Quốc hội.

Đáng chú ý là ba dự án đều dùng cả ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách địa phương tổng là 8.358 tỷ, chiếm 12%. Tuy nhiên, điều đại biểu Toàn băn khoăn là đến nay mới chỉ có duy nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cam kết về vốn.

Nếu các tỉnh còn lại chỉ có Uỷ ban nhân dân cam kết thì chưa đủ cơ sở pháp lý, ông Toàn nêu rõ và đề nghị các tỉnh có dự án đi qua cân đối thật kỹ nguồn vốn để báo cáo Hội đồng Nhân dân quyết định.

Liên quan đến hình thức đầu tư, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế  và một số vị khác đều cho rằng cần cân nhắc việc chuyển sang đầu tư công dự án Biên Hòa -Vũng Tàu, bởi khả năng thu hồi vốn của tuyến này là cao, là cơ hội để đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Trong bối cảnh này càng cần có sự chung tay của nhân dân nhiều hơn vì vốn ngân sách Trung ương hạn hẹp, ngân sách địa phương thì còn nhiều nhiệm vụ  quan trọng không kém gì dự án đường cao tốc, ông Lộc nêu quan điểm.

Ở tờ trình dự án Biên Hòa -Vũng Tàu, Chính phủ nhận định nếu đầu tư công thì tiến độ hoàn thành dự án sẽ sớm hơn 1 năm. Đại biểu Lộc cho rằng đó chỉ là cách nghĩ của Nhà nước, vì thực tế đã chứng minh nếu chọn được nhà đầu tư tư nhân có uy tín thì tiến độ công trình sẽ nhanh hơn nhà nước thực hiện rất nhiều.

"Đề nghị giữ lại phương thức PPP với dự án Biên Hoà - Vũng Tàu, chứng minh Luật PPP có thể đi vào cuộc sống, và tôi tin sẽ có cách yểm trợ để đầu tư theo hình thức PPP dự án này', ông Lộc phát biểu.

Các đại biểu Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Phạm Văn Thịnh, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế đều đồng tình với quan điểm nên cân nhắc đầu tư PPP dự án Biên Hoà - Vũng Tàu.

Đặt vấn đề nếu không có hình thức PPP thì để đạt mục tiêu đến 2030 có 5000km đường cao tốc thì cần phải tính toán thế nào, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho rằng Chính phủ cần báo cáo Quốc hội rõ vấn đề này. 

Ông Toàn cũng nhấn mạnh là nếu cả 5 dự án cao tốc (bao gồm hai dự án vành đai Hà Nội và TPHCM) đều được trình thì kỳ họp thứ ba của Quốc hội sẽ lập lỷ lục về số lượng các dự án quan trọng quốc gia được xem xét chủ trương đầu tư.

Suất đầu tư có quá cao

Đại biểu Trịnh Xuân An, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đặt vấn đề: suất đầu tư dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trung bình là 93 tỷ/km, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là 165tỷ/km, còn dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 208 tỷ/km, liệu có quá cao. Dư luận cho rằng nếu để tư nhân làm có khi suất đầu tư thấp hơn, đã là đầu tư công thì suất đầu tư phải phù hợp, hơn nữa suất đầu tư của ba dự án chênh nhau quá cũng cần lý giải thuyết phục, đại biểu An phát biểu.

Tại sao suất đầu tư chênh lệch khá lớn thì cần giải trình làm rõ để tăng tính thuyết phục với Quốc hội, là đầu tư như thế đã tiết kiệm hiệu quả chưa vì chúng ta đang nghèo, đang khó, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh lưu ý trong phát biểu cuối phiên thẩm tra. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư