Thứ Ba, Ngày 08 tháng 04 năm 2025,
Hỗn mang thế giới “cò” bất động sản - Bài 1: Miếng pho mát có sẵn chỉ có trong bẫy chuột
Ngô Nguyên - 08/04/2025 08:47
 
Hàng trăm phương kế của giới cò bất động sản để đưa khách hàng - những con mồi ngon vào cạm bẫy!

Không chỉ môi giới bất động sản chuyên nghiệp và nghiêm túc, “cò” đất ngày nay khá rành công nghệ, pháp lý, quy hoạch, thậm chí cả kỹ năng marketing, khả năng hiểu tài chính từ lãi suất, dòng tiền, tỷ suất sinh lời, chi phí cơ hội.

Trong thế giới “cò”, càng công nghệ cao, càng kỹ năng mềm, thì lại càng “hỗn mang” với đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố, đủ chiêu trò luồn cò, kênh giá, tạo sóng, giật mối; đủ bẫy giữa “cò” với nhau, với khách, với chủ đất.

Bài 1: Miếng pho mát có sẵn chỉ có trong bẫy chuột

Trong bối cảnh sáp nhập, tinh giản, tính “đường lùi” cho mình, tôi gom góp vay mượn tiền, định đầu tư đất đặng theo “sóng” bất động sản mới chớm. Cả tháng đi “săn”, sau những lần hoặc “vồ hụt”, hoặc bị rơi bẫy, bị “cò quay”, bị “cò che rèm”, “đào lửa”, tôi mới nhận ra, miếng pho mát có sẵn chỉ có trong… bẫy chuột.

Cò “che rèm”

Tôi “rải” nhu cầu “tài chính full 3 tỷ đồng, cần mua nền có sổ” trên tất cả các group Facebook, Zalo mua bán bất động sản khu vực TP. Thủ Đức và các trang web như batdongsan.com.vn, muaban.net.

Mục đích của tôi là để “thế giới cò” khắp nơi giới thiệu hàng, nhằm thoải mái sàng lọc, lựa chọn. Chỉ trong ít phút, hàng chục tin nhắn, điện thoại, inbox giới thiệu nền đất đúng nhu cầu, thậm chí cả những khu vực đắc địa nhưng giá lại “ngon” tới mức sửng sốt. Ví như quảng cáo 80 m2 đất ở đường Đặng Thùy Trâm (quận Bình Thạnh) chỉ có giá… 3-4 tỷ đồng.

Khách và sales  bất động sản đang xem một lô đất nền
Khách và sales bất động sản đang xem một lô đất nền.

Hoặc tại Dự án Diamond Island Long Thuận tại phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức (còn gọi là dự án đảo Kim Cương Long Thuận - PV) được rao chỉ… 1,6 tỷ đồng/lô đất 90 m2.

Sau khi xin kết nối zalo, “cò” T.Long giới thiệu làm ở một công ty bất động sản lớn, gửi định vị “lô đất 80 m2 mặt tiền đường Đặng Thủy Trâm giá 4 tỷ đồng” cho tôi xem, kèm đề nghị đến nhanh công ty tại trụ sở xxx để đặt gấp.

Lời tâm sự của một “cò che rèm” hoàn lương

Mình từng là nhân viên của công ty dạng này, thấy ghê sợ bởi chúng còn nhắm tới các cô chú từ 50 đến 75 tuổi. Bọn chúng hoặc dụ khách mua đất tới điểm hẹn, hoặc giả danh công ty A, B, C gọi các cô chú lớn tuổi tới trụ sở nhận quà, chỉ cần tới nhận trong 5 phút.

Khi khách hàng tới đó, chúng bảo chi nhánh công ty ở chỗ này, chỗ kia nên cần tới đó. Sau đó chúng bày “ma trận” để lùa. Mỗi khách hàng sẽ lên xe lớn hoặc “đẳng cấp” hơn thì lên taxi 7 chỗ. Trên xe chúng đã bố trí thêm 1 cò mồi, 3 nhân viên, rồi chạy thẳng xe xuống Long Thành hoặc Bình Dương, chỗ bán đất.

Tới nơi, chúng dẫn mọi người vào cái hội trường gần đó mà bên ngoài toàn là nhân viên nó cài vào. Vào đến đây, Trưởng nhóm sẽ là người “tung đòn”, các cò giả làm người mua sẽ nháo nhào đặt cọc. Còn nhân viên thì “tíu tít” như chợ vỡ, đua nhau hô vang cả hội trường “Chúc mừng quý khách Trần Văn A đã chốt nền”, còn đám cò thì liên tục thúc giục khách mua nhanh kẻo hết hàng, kèm show bằng chứng đã bán được vài nền trong 1 nốt nhạc.

Đây chính là chiêu hiệu ứng Fomo (tâm lý sợ mất cơ hội), cùng với sức ép từ ma trận này, khách hàng lớn tuổi, thần kinh yếu, lại không tỉnh táo sau chuyến đi dài thường gục ngã, thậm chí quên mất là đi nhận khuyến mãi, mà đặt cọc mua đất từ 50-100 triệu đồng. Khi về “tỉnh lại”, có người ra đòi, nhưng không được phải bỏ. Có người tiếc cọc thì phải chi tận 3 tỷ đồng để mua miếng đất tào lao. Có người thậm chí vẫn không biết mình bị lừa.

Trong khi đó, bạn tôi, một luật sư, năm ngoái mua một nền nhỏ ở đường này đã tới hơn 10 tỷ đồng.

Nghi vấn lừa đảo, tôi yêu cầu được xem sổ đỏ. Bởi yêu cầu này rất ít khi được “cò” chấp nhận vì rất dễ bị “luồn cò, cắt cầu”, tức dễ bị khách tìm tới chủ đất mua bán trực tiếp không qua môi giới. Hoặc nếu gặp “cò” giả danh khách sẽ tìm tới tận chủ để “cướp hàng”.

Nhưng T.Long lại cung cấp hình ảnh không thèm che đi tên tuổi chủ đất như nhiều sale khác.

Tôi bèn hẹn T.Long cùng gặp tại lô đất, cầm theo giấy tờ liên quan để “ngon thì cọc ngay”. Nhưng vị “cò” này kiên quyết mời tới trụ sở công ty để giao dịch rồi có xe đưa tới tận đất vì “Công ty mở bán giai đoạn II trực tiếp tại trụ sở và nếu đến đây anh mới được các ưu đãi, thậm chí bọn em còn  “cắt máu” (giảm hoa hồng môi giới) cho khách lên tới 150 triệu đồng”.

Tôi mò tới trụ sở “công ty lớn” của T.Long thì đó là một… khách sạn, nơi nhiều công ty quảng cáo đất một nẻo, dụ khách lên xe rồi chạy tới tít các tỉnh bán đất ruộng phân lô… trộm.

Tương tự, với “xê ri” nền đất được rao bán giá chỉ bằng 1/2 thực tế ở Dự án Đảo Kim Cương Long Thuận, bạn tôi, dân bất động sản chuyên nghiệp sau khi check nhẹ đã thông tin: “Dự án này là dạng phân lô theo quyết định cũ của UBND TP.HCM và đã bán, cấp sổ đỏ từng lô cho khách lâu lắm rồi. Làm gì có giai đoạn II nào nữa”.

Thực ra, tôi cũng đã “quần nát” khu vực này, nên biết rõ cái giá 1,6 tỷ đồng/lô đất 90 m2 là phi lý. Và cũng tất nhiên, địa chỉ công ty của cò kia cũng là… khách sạn như địa chỉ công ty của cò đất T.Long.

L.H.Minh (một môi giới bất động sản chuyên nghiệp với 10 năm kinh nghiệm) khi thân thiết với tôi, cho hay, đối với kiểu buôn bán đất nêu trên, dân bất động sản gọi là “cò che rèm”, tức quảng cáo đất “ngon, bổ, rẻ” một đằng để dụ khách lên xe, rồi kéo rèm che kín chạy một lèo tới đất khác ở các tỉnh lân cận.

Kịch bản nhóm “cò che rèm” vẫn “muôn năm cũ”, nhưng oái oăm tới giờ vẫn hàng đoàn người “lên xe”.

Cò “quay”

Tôi chuyển sang “săn” cò rao nền đất theo giá chung thị trường, nhưng nhiều lợi thế về vị trí, giao thông và khả năng sinh lợi.

N.Lâm, một “cò” đất khu vực TP. Thủ Đức giữa trưa nắng dẫn tôi tới căn nhà nát cấp 4 có diện tích 50 m2, giá chỉ 4 tỷ đồng, rẻ hơn tầm 300 - 500 triệu đồng so với giá chung khu vực này, mà lại đầy tiềm năng như “sổ đỏ, đường xe ba gác, cách đường 2 ô tô tránh nhau chỉ 100 m”.

Nhễ nhại tới nơi, tôi thất thần nhìn căn nhà tiềm năng nằm bên cạnh… cả chục khu mộ cũ, lại nằm trong khu quy hoạch chờ giải tỏa. Thấy tôi gắt gỏng quay xe, cò Lâm lớn giọng nói với theo “ tiền đó thì đất đó thôi!”.

Tới chiều muộn, theo định vị Gmap, tôi lại cùng một “cò” khác xưng tên là Lan tới đúng điểm hẹn mảnh đất “xe ô tô quay đầu” ở phường Linh Đông, rồi lại thất vọng quay về bởi… cũng nằm trong quy hoạch và “mua bán công chứng vi bằng nên mới có giá đó chứ anh!”.

Ba ngày sau đó, cứ buổi trưa hay chiều tối, tôi lại đội nắng cùng “cò” tới đất, rồi phải lủi thủi quay về trong mệt mỏi.

Tới ngày thứ 5, Zalo của tôi bỗng xuất hiện “cò” P.Tuấn, chuyên khu vực phường Bình Chiểu xin kết bạn. Điện thoại qua zalo, giọng “cò” Tuấn trầm ấm, đầy bức xúc trước cảnh tôi bị các cò kia “hành”. Rồi Tuấn rất chia sẻ, phấn khích giới thiệu tôi một nền đất ở đường Ngô Chí Quốc với giá chỉ 2,8 tỷ đồng.

Ngay sau đó, không chỉ đưa hình ảnh sổ đỏ, định vị, P.Tuấn còn đích thân dẫn tôi tới lô đất để tận mắt thấy đất, thấy rõ con đường nhựa 5 mét. Thậm chí, P.Tuấn còn gọi điện thoại cả ba bên (tôi, cò Tuấn và chủ đất) để kiểm tra và thương lượng.

Quá mệt mỏi sau nhiều ngày quần quật với cò, nên với P.Tuấn, gần như tôi đã tin tưởng đề nghị chủ đất “bớt lộc” 50 triệu đồng, tức còn 2,75 tỷ đồng. Chủ đất sau ít phút than ngắn thở dài, đã đồng ý khi “cò” P.Tuấn xin tự “cắt máu”, tức chỉ lấy 1% hoa hồng, thay vì 1,5% như thỏa thuận.

Và thú thật, nếu hôm đó không phải là ngày chủ nhật thì tôi đã cùng cò P.Tuấn và  chủ đất ra ngay phòng công chứng để đặt cọc.

“Cái ngày chủ nhật rủi ro đó lại cứu ông bàn thua nhá. Ông dính bẫy ‘cò quay’ rồi!”, L.H.Minh, chuyên gia bất động sản thân thiết với tôi cười ha hả khi nghe chuyện.

Để chứng minh, Minh gọi điện cho bạn thân là “trùm” khu vực đường Ngô Chí Quốc rồi bật loa to cho tôi nghe. “Cả 3 miếng đó đều quay mặt ra nghĩa trang Gò Đình và chỉ cách vài trăm mét. Chính cái bất lợi về phong thủy này nên  chủ chỉ rao 2,65 tỷ đồng có “bớt lộc” chừng 10-20 triệu đồng, chứ 2,75 tỷ đồng là cò kênh giá nhé! Nếu thích, tôi dẫn gặp thẳng chủ đặt cọc, tiền môi giới chỉ lấy bạn ông 0,5% thôi nhá!”. Tiếng người bạn Minh khiến tôi thất thần.

Minh bảo, tôi đã dính bẫy “cò quay”. Tức khi “tóm” được khách mua thực sự, một nhóm cò đất sẽ phân nhiệm vụ cho từng thành viên thay phiên nhau dẫn tôi tới những lô nền không đúng quảng cáo, hoặc đúng quảng cáo giá tốt thì… “chủ vừa bán xong, tiếc quá, thiếu duyên quá!”. Mục đích cố tình để khách mệt mỏi, sẽ rơi trạng thái tâm lý muốn chốt nhanh dù giá cao hơn chút. Sau đó cò khác của nhóm sẽ giới thiệu nền đất có vị trí, mặt tiền, đường xá ổn hơn, nhưng giá sẽ được kênh lên để “chốt hạ”.

“Nếu chốt được, “cò quay” sẽ yêu cầu chủ ngoài việc chuyển trả phí môi giới, còn phải trả số tiền kênh lên cho họ”, Minh phân tích.

Cò “đào lửa”

Thất vọng với môi giới, tôi lần tìm những quảng cáo bán đất nền có yếu tố “chính chủ, miễn tiếp ‘cò’, miễn tiếp trung gian” và số điện thoại trên web mua bán bất động sản không kết nối Zalo, mà chỉ có thể gọi trực tiếp, để mong gặp đúng kẻ bán người mua, như tâm lý của ngàn vạn người muốn có tấc đất cắm dùi.

Điều bất ngờ, “cò” dạng này hoặc không thèm trả lời tin nhắn, không nghe điện thoại của tôi, dù đây là điều tối kỵ kể cả của “cò” hay sales bất động sản.

Trường hợp nghe thì hướng dẫn tôi vào đường link web này web kia, cung cấp căn cước, địa chỉ để “trường hợp anh không ưng miếng đất kia, bên em có cả kho hàng chục, hàng trăm miếng khác, để các bạn sales báo anh khi có nền ngon”.

Vài ngày sau đó, điện thoại tôi “cháy máy” khi nhận hàng chục cuộc gọi, tin nhắn của băng nhóm lừa đảo công nghệ cao giả dạng công an, viện kiểm sát, điện lực, ngân hàng

“Hồi mới vào nghề, em toàn bị dính cái bẫy này. Thậm chí, loại cò này khi nghe em nói muốn làm cộng tác viên phân phối nền, bọn chúng còn yêu cầu em gửi cả chứng chỉ môi giới. Sau đó thì lừa đảo online ập vào”, T.Ánh, một sales bất động sản tự do tâm sự.

Giới sales bất động sản đặt cho băng nhóm lừa đảo công nghệ cao nêu trên là “cò đào lửa”, tức lừa đảo. Loại tội phạm này xâm nhập vào giới “cò” đất trong khoảng 2-3 năm trở lại đây.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư