Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Huyết mạch giao thông trong chuỗi liên kết các khu kinh tế miền Trung
Ngọc Tân - 29/08/2020 09:55
 
Khu vực miền Trung trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố, địa hình bị chia cắt thành nhiều vùng khác nhau, do vậy, hệ thống hạ tầng giao thông được xem là huyết mạch kết nối cả vùng.
Đường dẫn phía Bắc vào hầm Hải Vân đã hoàn thành, sẵn sàng khánh thành, đưa vào vận hành hầm Hải Vân 2.
Đường dẫn phía Bắc vào hầm Hải Vân đã hoàn thành, sẵn sàng khánh thành, đưa vào vận hành hầm Hải Vân 2.

Rút ngắn khoảng cách, tạo động lực phát triển

Nhiều năm trước, khi hàng không chưa phải là phương tiện phổ thông như bây giờ, từ hai đầu đất nước, nếu muốn đến với miền Trung, người ta phải vượt qua những sông lớn, đèo cao cheo leo, hiểm trở trên hành trình dọc Quốc lộ 1A độc đạo và một phần đường Hồ Chí Minh. Sau những năm 2000, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng bắt đầu được đầu tư xây dựng. Từ đây, khoảng cách giữa các tỉnh, thành phố miền Trung được rút ngắn, các địa phương cũng dần xích lại gần nhau hơn.

Trước hết, Quốc lộ 1A được đầu tư nâng cấp, mở rộng thông suốt từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Việc mở rộng tuyến quốc lộ huyết mạch quốc gia đã không chỉ đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành giao thông - vận tải trong tình hình mới, mà còn giúp việc di chuyển, đi lại giữa các địa phương khu vực miền Trung trở nên nhanh hơn, thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất để kết nối miền Trung thành một dải xuyên suốt chính là sự hình thành các tuyến hầm đường bộ. Sau khi hầm đường bộ Hải Vân được hoàn thành vào năm 2006, một loạt tuyến hầm đường bộ quan trọng khác tại miền Trung đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, bao gồm hầm đường bộ Đèo Cả đưa vào hoạt động tháng 9/2017, hầm Cù Mông vào tháng 1/2019. Dự kiến, hầm đường bộ Hải Vân 2 mở rộng cũng sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác vào tháng 9/2020.

Bên cạnh đó, một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác cũng đã được đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp trong thời gian qua như sân bay Đà Nẵng, sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế), sân bay Chu Lai (Quảng Nam), sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa); cảng Tiên Sa - Đà Nẵng, cảng Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi)…

Các dự án này không chỉ từng bước tạo ra sự liên kết xuyên suốt giữa các địa phương miền Trung với nhau, góp phần tăng cường sự kết nối giữa miền Trung với hai đầu đất nước; mà quan trọng hơn là đã trở thành “chìa khóa” hình thành nên Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như bây giờ - vùng kinh tế được xem là “đầu tàu” kinh tế của cả khu vực miền Trung với các khu kinh tế tổng hợp lấy cảng biển làm điểm tựa là Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và Nhơn Hội (Bình Định).

Mở rộng hơn về liên kết trục dọc

Với vị trí trung độ của cả nước, hạ tầng giao thông ngày càng thuận lợi, trong nhiều năm qua, các khu kinh tế đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần hình thành và phát triển nền kinh tế tổng hợp đa ngành, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngân sách các địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn chưa phát huy hết được các tiềm năng vốn có. So với quy mô các vùng kinh tế trọng điểm 2 đầu đất nước, thì số lượng dự án thu hút đầu tư còn chưa lớn, chất lượng dự án đầu tư chưa cao. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là các khu kinh tế mới chỉ tận dụng được một phần lợi thế của riêng mình, mà chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, việc tận dụng khả năng liên kết vùng còn chưa cao.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Trần Du lịch, để phát huy các lợi thế, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần mở rộng hơn nữa sự liên kết về “trục dọc”, trong đó trọng tâm vẫn là tuyến cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường ven biển.

Trên thực tế, các địa phương đã từng bước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường ven biển trong phạm vi của mình, nhằm thu hút đầu tư, khai thác quỹ đất, phát triển du lịch. Trong đó, tại Thừa Thiên Huế, Quốc lộ 49B đã nối thông suốt dọc ven biển từ huyện Phong Điền vào đến khu vực bãi biển Cảnh Dương - huyện Phú Lộc. Hay tại Đà Nẵng - Quảng Nam là tuyến đường Võ Nguyên Giáp bắt đầu từ khu vực quận Sơn Trà - Đà Nẵng kéo dài đến hết đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng); nối tiếp đường Lạc Long Quân (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vào đến TP. Hội An.

Đi qua khu vực cầu Cửa Đại tiếp tục là đường Thanh Niên chạy dọc ven biển huyện Duy Xuyên, Thăng Bình vào đến khu vực TP. Tam Kỳ (Đường 129 giai đoạn I). Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục đầu tư thực hiện Dự án Đường 129 giai đoạn II để nối từ Tam Kỳ vào đến sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành) nhằm hoàn thiện tuyến đường ven biển của tỉnh…

Với đường cao tốc, khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện đã có tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, 2 tuyến khác là La Sơn - Túy Loan và La Sơn - Cam Lộ cũng đã được đầu tư xây dựng. Trong đó, tuyến La Sơn - Túy Loan kết nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có kế hoạch thông xe vào cuối năm nay; tuyến La Sơn - Cam Lộ kết nối giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá: “Bên cạnh việc đảm bảo giao thông thông suốt, việc hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến cao tốc sẽ đánh thức tiềm năng, thúc đẩy liên kết giao thương, rộng cửa phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên; góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của Tam giác kinh tế Lào - Campuchia - Việt Nam qua Hành lang kinh tế Đông Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam”.

Mới đây, đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn Quảng Ngãi - Bình Định trong giai đoạn năm 2020 - 2025. Theo đề xuất, đoạn cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định có chiều dài khoảng 170 km, trong đó phần đi qua địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 110 km và Quảng Ngãi là 60 km. Tuyến cao tốc sẽ có điểm đấu nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, điểm cuối dự kiến nối vào hầm Cù Mông. Dự án được dự kiến thực hiện theo hình thức đối tác công tư có sự tham gia của phần vốn nhà nước.

Như vậy, nếu dự án này được cấp chủ trương đầu tư, bên cạnh là các tuyến Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã và sắp sửa hiện hữu, trục kết nối dọc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ được hoàn chỉnh đồng bộ. Đồng thời, khoảng cách giữa các khu kinh tế trọng điểm là Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chân Mây- Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và Nhơn Hội (Bình Định) cùng với đầu tàu kinh tế khu vực là “Đà Nẵng” sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều, góp phần tăng sự liên kết giữa các khu kinh tế cảng biển tổng hợp này.

Kết hợp với các tuyến giao thông trên trục Đông- Tây (Quốc lộ 9, Quốc lộ 14, Quốc lộ 19) đã hiện hữu, hệ thống kết nối liên khu vực giữa miền Trung và Đông Nam Á sẽ được nâng lên tầm cao mới. Từ đây, bài toán về phát huy tính liên kết nhằm khai thác tận dụng các tiềm năng của địa phương và của cả khu vực sẽ được giải quyết, tạo nền tảng cho kinh tế miền Trung có thể bứt phá và “vươn ra biển lớn” trong tương lai.

Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm liên kết miền Trung

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn: có tổng chiều dài trên 98 km đi qua địa phận hai tỉnh Quảng Trị (hơn 37 km) và Thừa Thiên Huế (trên 61 km). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng. Dự án bắt đầu khởi công vào tháng 9/2019, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan: có tổng chiều dài 77,6 km, gồm đoạn La Sơn - Hòa Liên (Km0-Km66) và đoạn Hòa Liên - Túy Loan (Km66-Km78). Tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Điểm đầu của cao tốc đặt tại ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) và điểm cuối đặt tại nút giao thông Túy Loan (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Dự án được dự kiến thông xe vào cuối năm 2020.

Dự án mở rộng hầm Hải Vân 2: do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, có điểm đầu thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và điểm cuối thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Dự án có tổng chiều dài hơn 12,6 km, trong đó đường dẫn phía Bắc dài 2,1 km; đường dẫn phía Nam dài 4,3 km; đường hầm dài hơn 6,2 km. Tổng mức đầu tư trên 7.296 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào đầu năm 2016, dự kiến hoàn thành và khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2020.

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả: do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 13,011 tỷ đồng, chiều dài 13,19 km, trong đó tuyến hầm Đèo Cả dài 4,125 km, tuyến hầm Cổ Mã dài 0,5 km và 8,565 km đường dẫn. Mỗi tuyến đều có hai đường hầm được thiết kế cách nhau 30 m, mỗi đường hầm rộng 9,75 m gồm hai làn xe. Hầm Đèo Cả được khởi công xây dựng vào năm 2012, đã hoàn tất, đưa vào khai thác đầu tháng 9/2017.

Hầm đường bộ Cù Mông: do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 7 km, nối 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Dự án có tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng, chính thức thông xe vào ngày 21/1/2019, vượt 2,5 tháng so với tiến độ đề ra.

Dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: có tổng chiều dài toàn tuyến 139,52 km; trong đó tuyến cao tốc có chiều dài 131,5 km và đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A có chiều dài 8,02 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 1.640,82 triệu USD (tương đương 34.516 tỷ đồng).

Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài: do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, quy mô đón 5 triệu khách/năm (4 triệu khách nội địa và 1 triệu khách quốc tế). Dự án gồm 2 hợp phần chính: mở rộng sân đỗ máy bay đáp ứng 8 vị trí đỗ máy bay; xây dựng nhà ga khách T2 có quy mô diện tích sàn nhà ga hơn 16.000 m2... Dự án đang được triển khai và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý IV/2020.
Tháng 9/2020 đưa dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 vào khai thác
Với tiến độ công việc như hiện nay, khoảng tháng 9 này, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 (thi công ống hầm 2 và đường dẫn) sẽ được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư