Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Hy vọng về bước ngoặt đàm phán Mỹ - Trung vẫn mong manh
Lê Quân (Reuters) - 21/09/2019 11:42
 
Hy vọng về bước ngoặt trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung càng trở nên mong manh sau khi các quan chức Trung Quốc bất ngờ hủy chuyến thăm các trang trại tại bang Montana và Nebraska, Mỹ.
Mỹ ngày 20/9 đưa 437 mặt hàng Trung Quốc ra khỏi diện chịu thuế. Ảnh: AFP
Mỹ ngày 20/9 đưa 437 mặt hàng Trung Quốc ra khỏi diện chịu thuế. Ảnh: AFP

Hơn 400 mặt hàng Trung Quốc “thoát” thuế Mỹ

Trước đó, các quan chức Trung Quốc lên lịch thăm trang trại ở Mỹ như một cử chỉ thiện chí. Tuy nhiên, họ đã hủy bỏ chuyến thăm và bỏ về sớm hơn dự kiến, các tổ chức nông nghiệp tại Montana và Nebraska cho hay.

Giới phân tích nhận định động thái của phía Trung Quốc sẽ khiến chứng khoán phố Wall lao dốc và sự lạc quan của nhà đầu tư cũng giảm sút.

Với lý lẽ thuế quan “báo hại” nền kinh tế, Đại diện Thương mại Mỹ ngày 20/9 phát đi 3 thông báo Đăng ký Liên bang (FR) về việc loại một loạt sản phẩm (Trung Quốc) ra khỏi danh sách chịu thuế theo đề xuất của doanh nghiệp Mỹ.

437 mặt hàng Trung Quốc thoát thuế Mỹ, bao gồm từ bo mạch in cho bộ xử lý đồ họa máy tính, vòng cổ cho chó, sàn gỗ và đèn trang trí Giáng sinh.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ không đưa ra bình luận về vấn đề này.

Ngoài ra, Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc tăng cường nhập khẩu đậu nành và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ, nguồn thạo tin của Reuters cho hay.

Chưa “tiệm cận” thỏa thuận

Trước cuộc gặp cấp thứ trưởng giữa hai bên, nhiều ý kiến nhận định Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến một thỏa thuận tạm thời, trong đó đề cập các nội dung như việc Trung Quốc mua nông sản Mỹ, sự thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc và việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với hãng công nghệ Huawei.

Theo thông cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cuộc gặp hai ngày với phía Trung Quốc đạt “hiệu quả” và đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung sẽ vẫn diễn ra vào tháng 10 tại Washington, D.C. như kế hoạch.

Các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp và quan chức chính phủ hai nước cho rằng ngay cả khi đàm phán thương mại trong tháng 9 và tháng 10 đạt được thỏa thuận tạm thời, thương chiến Mỹ - Trung không thể "xong" sớm mà sẽ mất nhiều năm để giải quyết, bởi “sức nóng” đã lan sang mặt trận chính trị tư tưởng.

Tại cuộc gặp vừa qua, phía Trung Quốc không đưa ra bất kỳ đề xuất nào mới đối với các vấn đề tranh chấp cốt lõi như bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và các rào cản thương mại khác, nguồn thạo tin của CNBC hé lộ.

Phái đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Tài chính Liêu Mân dẫn đầu nêu đề xuất rằng trong bất kỳ thỏa thuận nào (giữa hai bên), thì Mỹ phải hủy bỏ thuế quan (lên hàng Trung Quốc) và đảm bảo công bằng. Không có chuyện chỉ Bắc Kinh nhượng bộ mà Washington lại không.

“Kết luận từ phía Mỹ cho thấy chúng tôi chưa 'tiệm cận' với thỏa thuận”, nguồn thạo tin cho biết thêm.

Tháng 10 tới, đoàn cấp cao Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu sẽ đàm phán với phía Mỹ do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu.

Có hai kịch bản được dự báo cho đàm phán thương mại cấp cao sắp tới. Hoặc Mỹ và Trung Quốc sẽ đề ra giải pháp chấm dứt thương chiến kéo dài trong 14 tháng qua, hoặc “lên đạn” các đòn thuế quan mới và cao hơn đối với hàng hóa của nhau.

Hôm qua 20/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rất rõ, việc mua hàng của Trung Quốc là “không đủ” để ông chấm dứt trừng phạt thuế quan.

Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận hoàn chỉnh, chứ không phải thỏa thuận mang tính cục bộ, Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới, đồng thời khẳng định ông không cần đạt thỏa thuận trước thềm bầu cử tổng thống năm 2020.

Trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Nhà Trắng, ông Trump hân hoan khi nói về hàng tỷ USD hóa đơn thuế được áp lên hàng Trung Quốc và con số này sẽ sớm đạt 100 tỷ USD.

“Tôi phải nói điều này, chúng tôi sẽ đạt nhiều tiến triển (trong đàm phán) với Trung Quốc”, ông Trump khẳng định.

Hai bên có bất đồng lớn trong quan điểm giải quyết vấn đề thương mại. Washington cáo buộc một số doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc là mối đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ, trong khi đó Bắc Kinh từ chối cải cách mô hình kinh tế bằng việc cắt bỏ trợ cấp doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu của Washington.

Thương chiến Mỹ-Trung sẽ “bức tử” doanh nghiệp nhỏ
Các doanh nghiệp nhỏ đang thấm thía tác hại của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và không ít trong số đó đã phải đóng cửa vì những “đòn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư