Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ
Hà Nguyễn - 02/07/2018 12:11
 
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tuy ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ, nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ các tín hiệu để sớm có giải pháp ứng phó kịp thời.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, để bàn về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, có một số ý kiến cảnh báo về khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm.

Tuy nhiên, qua đánh giá lại các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước đây, thấy nguyên nhân chủ yếu xuất phát là từ khu vực tài chính, tiền tệ, bất động sản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ ở Việt Nam.

Lý do là vì, hiện nay, tình hình tài chính, tiền tệ của nước ta vẫn trong tầm kiểm soát và được điều hành linh hoạt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định; thị trường chứng khoán đã có bước điều chỉnh sau một thời gian tăng trưởng nóng…

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã có sự hạ nhiệt sau khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt đối với các giao dịch nhà đất không đúng quy định, nhất là tại các khu vực dự kiến thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt, tín dụng cho bất động sản được kiểm soát hiệu quả...

“Tuy vậy, vẫn cần theo dõi chặt chẽ các tín hiệu để sớm có giải pháp ứng phó kịp thời”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, liên quan đến các thách thức nói chung của nền kinh tế trong năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tuy tăng trưởng GDP 6 tháng vẫn ở mức khá (7,08%), nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào Quý III và 6,36% vào Quý IV.

Một khía cạnh khác, đó là dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%.

“Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho rằng, hiện nay, giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn 2 đợt tăng giá mạnh vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.

Do vậy, cần theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, tiếp tục triển khai mạnh mẽ kịch bản điều hành giá theo hướng thận trọng; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, điều hành chủ động giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, không tăng giá điện, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép và vào thời điểm phù hợp.

Cảnh báo khủng hoảng tài chính thế giới: Việt Nam cần chủ động ứng phó thế nào
Với độ mở của nền kinh tế trong nước hiện nay, mỗi biến động về kinh tế thế giới đều tác động lớn, rộng và nhanh đối với Việt Nam. Do...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư