Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 15 tháng 02 năm 2025,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
KBC lên kế hoạch lãi gấp 7 lần; Biwase dốc lực M&A Nước Tân Hiệp; Vua tôm Minh Phú báo lỗ kỷ lục
Khánh An tổng hợp - 15/02/2025 07:57
 
Gemadept tung 6,2 triệu cổ phiếu ESOP; Gỗ An Cường đóng cửa 1 chi nhánh sau quý IV giảm lãi mạnhl Handico và VGC được giao đất ở Đông Anh làm nhà ở xã hội...

KBC lên kế hoạch lãi gấp 7 lần năm trước

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) dự kiến cho thuê đất khu công nghiệp năm 2025 có thể đạt hơn 200 ha, đến từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, cụm công nghiệp Hưng Yên, KCN Tràng Duệ 3. Do đó, doanh nghiệp này lên kế hoạch lợi nhuận năm 2025 cao gấp 7 lần năm trước.

KBC dự kiến tổng diện tích cho thuê năm 2025 có thể đạt hơn 200 ha

Thông tin có trong tài liệu gửi cổ đông trước thêm Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 lần 1, dự kiến tổ chức vào sáng ngày 6/3.

Nói về mục tiêu tham vọng trong năm nay, KBC cho hay các khu công nghiệp của Công ty đều đón nhận tín hiệu tích cực về pháp lý của các dự án và thu hút đầu tư ngay từ đầu năm 2025, trong đó KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, cụm công nghiệp Hưng Yên đã ký kết được các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận đặt cọc với diện tích cho thuê lớn.

Do đó, KBC dự kiến tổng diện tích cho thuê năm 2025 có thể đạt hơn 200 ha, đến từ KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, cụm công nghiệp Hưng Yên, KCN Tràng Duệ 3. Đồng thời, ghi nhận doanh thu từ nhà ở xã hội (NOXH) thị trấn Nếnh, NOXH khu đô thị Tràng Duệ và tiếp tục xây dựng các tòa NOXH tại 2 dự án.

Ngoài ra, khu đô thị Tràng Cát đã đền bù, nộp tiền sử dụng đất đang tiến hành đầu tư hạ tầng và đã đạt được giấy tờ pháp lý quan trọng, dự án dự kiến đưa vào kinh doanh từ năm 2025; KCN Lộc Giang - Long An có quy mô 466 ha đã đền bù được 110 ha, đang tiếp tục đầu tư hạ tầng, có thể sớm được đưa vào kinh doanh.

Đặc biệt, trong tháng đầu năm, KCN Tràng Duệ 3 (diện tích hơn 652,7 ha), dự án khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát (gần 585 ha) tại Hải Phòng và dự án KCN Kim Thành 2 giai đoạn 1 (gần 235 ha) tại Hải Dương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

“Các dự án này sẽ được đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng ngay từ đầu năm 2025 và dự kiến đem lại kết quả kinh doanh đột biến cho KBC ngay từ năm 2025 và những năm tiếp theo”, theo tờ trình của KBC.

Biwase dốc lực M&A Nước Tân Hiệp

Ban lãnh đạo CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã công bố những thông tin quan trọng về hoạt động kinh doanh và kế hoạch phát triển của Công ty với các nhà đầu tư.

Biwase mua lại 43% cổ phần CTCP Đầu tư Nước Tân Hiệp

Theo đó, Biwase khẳng định sự lạc quan về triển vọng kinh doanh, đặt mục tiêu năm 2025 với sản lượng nước thương phẩm đạt 220 triệu m3, tăng 10% so với năm trước.

Doanh thu dự kiến đạt 5.200 tỷ đồng, bao gồm doanh thu nội bộ, và lãi sau thuế hợp nhất tối thiểu 680 tỷ đồng, tăng 6%.

Năm 2024, Biwase ghi nhận doanh thu gần 3.959 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023. Tuy nhiên, lãi sau thuế giảm nhẹ 3%, xuống còn 664 tỷ đồng. Lãi ròng đạt khoảng 642 tỷ đồng, giảm 5%.

Ban lãnh đạo Biwase kỳ vọng biểu giá xử lý chất thải sinh hoạt sẽ được phê duyệt vào quý II/2025, và giá nước sẽ được điều chỉnh tăng vào nửa cuối năm 2025 sau khi các vấn đề pháp lý được giải quyết.

Về tình hình tài chính, Biwase đã phòng hộ rủi ro tỷ giá cho 40 triệu USD trong tổng số 113 triệu USD nợ bằng USD thông qua hợp đồng hoán đổi ngoại tệ, cố định lãi suất VND ở mức 7%. Công ty dự kiến tiếp tục phòng hộ thêm 40 triệu USD vào năm 2025.

Một thông tin quan trọng khác là việc Biwase mua lại 43% cổ phần CTCP Đầu tư Nước Tân Hiệp. Mặc dù không nắm cổ phần chi phối trên 50%, Biwase vẫn là cổ đông lớn nhất và giữ vị trí Chủ tịch, đảm bảo vai trò quan trọng trong hoạt động của Nước Tân Hiệp.

Nước Tân Hiệp, được thành lập năm 2013, hiện vận hành nhà máy nước công suất 300.000 m3/ngày đêm, có tiềm năng mở rộng công suất lớn nhờ nguồn nước thô dồi dào từ sông Sài Gòn. Vị trí chiến lược của Công ty cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sang các khu vực trọng điểm.

Ban lãnh đạo Biwase tin tưởng Nước Tân Hiệp sẽ mang lại dòng tiền ổn định thông qua cổ tức tiền mặt 7.000 đồng/cổ phần, tương đương lợi suất cổ tức 8-9%.

Gemadept tung 6,2 triệu cổ phiếu ESOP

Kết quả kinh doanh khởi sắc là tiền đề giúp CTCP Gemadept "mạnh tay" chi ESOP cho nhân viên.

Gemadept là doanh nghiệp có truyền thống phát hành cổ phiếu ESOP

Gemadept vừa công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên có thành tích xuất sắc năm 2023. Theo đó, Công ty sẽ phát hành hơn 6,2 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 1,5% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm.

Mục đích của việc phát hành ESOP là nhằm giữ chân và thu hút nhân tài, đồng thời tăng cường sự gắn kết và tạo động lực cho người lao động.

Gemadept là doanh nghiệp có truyền thống phát hành cổ phiếu ESOP, với điều kiện phát hành gắn liền với kết quả kinh doanh. Công ty chỉ thực hiện phát hành khi hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế do ĐHĐCĐ giao hàng năm. Nếu lợi nhuận trước thuế đạt từ 100-110% kế hoạch, tỷ lệ phát hành ESOP là 1,2%; nếu vượt 110% kế hoạch, tỷ lệ phát hành tăng lên 1,5%.

Trước đó, vào giữa tháng 12/2024, Gemadept đã hoàn tất đợt chào bán 103,5 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3:1, thu về 3.014 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Công ty tăng từ gần 3.105 tỷ đồng lên 4.140 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh năm 2024, doanh thu của Gemadept đạt 4.832 tỷ đồng, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, nhờ hoạt động khai thác cảng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, do doanh thu tài chính giảm mạnh (cùng kỳ có khoản lợi nhuận chuyển nhượng vốn cảng Nam Hải Đình Vũ), dẫn đến lãi ròng đạt 1.459 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2023, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với các năm trước đó.

Vua tôm Minh Phú báo lỗ kỷ lục

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa ghi nhận khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử, trái ngược hoàn toàn với mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục đặt ra đầu năm.

ập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa ghi nhận khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2024, doanh thu của "vua tôm" tăng 21% lên gần 3.900 tỷ đồng, nhưng giá vốn đội lên với tỷ lệ cao hơn khiến doanh nghiệp lỗ ròng 187 tỷ đồng - mức kỷ lục. 

Thủy sản Minh Phú giải trình rằng, hiệu quả kinh doanh các công ty nuôi tôm thương phẩm và sản xuất giống thấp do trái vụ thu hoạch. Dù tiết giảm mạnh chi phí bán hàng, chi phí tài chính và tăng doanh thu tài chính, Công ty vẫn không tránh được kết quả lỗ.

Tính chung cả năm 2024, Thủy sản Minh Phú lỗ hơn 240 tỷ đồng – cao nhất từ trước đến nay, bất chấp doanh thu tăng 38% lên hơn 14.700 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp năm qua chỉ đạt 7,6%, thấp hơn mức đáy của năm 2016, trong khi các chi phí khác không tăng quá đáng kể.

Sau năm 2023 thua lỗ, Thủy sản Minh Phú từng đặt kỳ vọng lớn với mục tiêu doanh thu 18.568 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.265 tỷ đồng - đều là những con số kỷ lục. Dù kết quả nửa đầu năm không khả quan, lãnh đạo vẫn giữ nguyên kế hoạch và kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, diễn biến thực tế lại đi ngược hoàn toàn với dự đoán.

Gỗ An Cường đóng cửa 1 chi nhánh sau quý IV giảm lãi mạnh

Từ ngày 10/2/2025, chi nhánh bị chấm dứt hoạt động là Chi nhánh 5 - CTCP Gỗ An Cường tại Bình Hưng Hòa, Bình Tân, TP.HCM với lý do sắp xếp lại bộ máy hoạt động.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Gỗ An Cường đạt hơn 5,6 ngàn tỷ đồng

HĐQT ủy quyền cho Tổng giám đốc chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ (bao gồm nghĩa vụ thuế), giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ lao động và hoàn thành các thủ tục cần thiết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc đóng cửa 1 chi nhánh diễn ra trong bối cảnh Gỗ An Cường vừa trải qua quý IV/2024 với kết quả giảm tương đối mạnh. Cụ thể, doanh thu quý IV đạt hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, lãi gộp đạt 376 tỷ đồng, tăng 11%.

Tuy vậy, doanh thu tài chính giảm mạnh 32%, còn 34 tỷ đồng; trong khi chi phí bán hàng neo cao, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên 164 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ). Điều này bào mòn kết quả sau cùng, khiến doanh nghiệp chỉ lãi ròng 90 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 44%.

Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân giảm lãi chủ yếu do tăng các chi phí dự phòng và chi phí nhân viên.

Dù quý IV giảm mạnh, kết quả lũy kế của Gỗ An Cường vẫn tăng trưởng. Sau 12 tháng, doanh nghiệp ngành gỗ đạt gần 4 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với năm trước; lãi ròng tăng nhẹ 2% lên 420 tỷ đồng. So với kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua, Gỗ An Cường vượt chỉ tiêu doanh thu (5%) và gần hoàn thành kế hoạch lãi sau thuế (96%).

Tại cuối năm 2024, tổng tài sản của Gỗ An Cường đạt hơn 5,6 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, với hơn 4,1 ngàn tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, giảm nhẹ. Lượng tiền mặt và tiền gửi tăng 16% lên 2,2 ngàn tỷ đồng. Tồn kho ghi nhận 968 tỷ đồng, giảm 15%.

Bên nguồn vốn, nợ ngắn hạn chiếm hầu hết nợ phải trả, tăng nhẹ lên khoảng 1,45 ngàn tỷ đồng, thấp hơn lượng tiền nắm giữ. Điều này cho thấy doanh nghiệp không có rủi ro trong việc hoàn tất nghĩa vụ trả nợ tới hạn

Handico và VGC được giao đất ở Đông Anh làm nhà ở xã hội

UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định giao đất cho liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) và Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC) để thực hiện dự án xây dựng khu nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh.

Handico và VGC được giao đất ở Đông Anh làm nhà ở xã hội 

Ngày 13/02, UBND TP. Hà Nội quyết định giao hơn 2,4 ha đất (đợt 2) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng tại ô đất ký hiệu CT3 thuộc khu đô thị mới Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh cho liên danh Handico và VGC để thực hiện dự án xây dựng khu NƠXH.

Trong đó có gần 0,3 ha sử dụng vào mục đích đất công trình giao thông; hơn 2,1 ha sử dụng vào mục đích đất ở tại đô thị.

Về hình thức giao đất: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất: đối với chủ đầu tư được sử dụng đất kể từ ngày ký quyết định giao đất đến hết ngày 10/11/2061; đối với chủ sở hữu căn hộ chung cư được sử dụng ổn định lâu dài.

Giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Liên danh Handico và VGC có trách nhiệm sử dụng diện tích đất được giao trong phạm vi mốc giới và đúng quy định; định vị công trình xây dựng đúng theo quy hoạch được chấp thuận và giấy phép xây dựng; thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường...; thực hiện bàn giao gần 2.702 m2 đất đường giao thông nội bộ cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng chung thành phố theo quy định.

Theo quy hoạch được phê duyệt, ô đất CT3 sẽ xây dựng 3 đơn nguyên nhà ở chung cư cao tầng có ký hiệu CT3A, CT3B, CT3C; mỗi toà cao 12 tầng + 1 tum, có thang máy. Tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 109.410 m2, đáp ứng quy mô dân số 3.902 người với tổng số căn hộ là 1.104 căn.

Chi phí quản lý doanh nghiệp “bào mòn” lợi nhuận của Gỗ An Cường
Năm 2024, Công ty Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu tăng trưởng, tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư