Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng khó gặp khó vì... cổ tức
 
Đến hết tháng 10/2017, ngân sách nhà nước sẽ được bổ sung thêm gần 6.100 tỷ đồng từ cổ tức 2016 của ba ngân hàng mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối là VietinBank, Vietcombank và BIDV. Sau khi trả cổ tức, đâu là nguồn để các ngân hàng này thực hiện tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, khi mà hoạt động này đã rất khó khăn thời gian qua?.
Thời gian qua, VietinBank, Vietcombank và BIDV đã nỗ lực tăng vốn, nhưng không thành
Thời gian qua, VietinBank, Vietcombank và BIDV đã nỗ lực tăng vốn, nhưng không thành

VietinBank đã dự kiến ngày 17/10 tới sẽ thực hiện chi trả cổ tức 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tức mỗi cổ phiếu nhận được 700 đồng (ngày đăng ký cuối cùng là ngày 28/9). Với vốn điều lệ 37.234 tỷ đồng, tức hơn 3,72 tỷ cổ phần, Ngân hàng sẽ chi trả khoảng 2.606 tỷ đồng cổ tức.

Trong đó, đại diện vốn Nhà nước là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến thu về 1.680 tỷ đồng nhờ nắm giữ 64,46% cổ phần VietinBank. Cổ đông chiến lược nước ngoài The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ cũng sẽ nhận được 514 tỷ đồng nhờ sở hữu 19,73% cổ phần.

Tương tự, HĐQT Vietcombank cũng đã phê duyệt việc thanh toán cổ tức năm 2016 cho cổ đông, ngày đăng ký cuối cùng là 29/9/2017 và ngày thanh toán cổ tức vào 16/10/2017. Theo đó, tỷ lệ cổ tức năm 2016 là 8% bằng tiền mặt, tức 1 cổ phiếu nhận được 800 đồng. Với hơn 3.597,8 triệu cổ phiếu lưu hành, Vietcombank sẽ phải chi khoảng 2.878 tỷ đồng để trả cổ tức.

Trong đó, cổ đông Nhà nước đang sở hữu 77,1% cổ phần nên dự kiến thu về 2.219,5 tỷ đồng. Cổ đông chiến lược nước ngoài là Mizuho Bank Ltd., (Nhật Bản) sở hữu 539,7 triệu cổ phiếu cũng sẽ thu về 431,7 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 25/8, BIDV đã trả 7% cổ tức 2016 bằng tiền mặt cho các cổ đông, tương ứng con số chi trả là 2.393 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Nhà nước nhận về 2.200 tỷ đồng nhờ nắm tới 95,28% vốn tại ngân hàng này.

Như vậy, số tiền cổ tức tại 3 ngân hàng trên ước tính sẽ mang về cho ngân sách thêm gần 6.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề của các ngân hàng này đó là, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo báo cáo đã gần chạm ngưỡng 9% và nếu áp dụng Basel II thì sẽ giảm xuống dưới 8%.

Theo báo cáo, sau 6 tháng đầu năm, cả 3 ngân hàng trên đều có tổng tài sản vượt trên 1 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng tài sản nhanh đồng nghĩa với việc phải tăng vốn tự có nhanh để đảm bảo CAR không giảm dưới ngưỡng an toàn.

“Do vậy, nếu trong thời gian tới, nhóm ngân hàng này không tăng được vốn sẽ tác động mạnh tới kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhóm, cũng như tăng trưởng tín dụng toàn ngành”, một lãnh đạo cao cấp NHNN nói.

Thực tế, thời gian qua, 3 ngân hàng trên đã nỗ lực tăng vốn, nhưng không thành. Đơn cử, Vietcombank chưa thể bán hơn 7% vốn cho đối tác nước ngoài do giá trên thị trường cao mà ngân hàng lại không được phép bán giá thấp hơn, trong khi nhà đầu tư mua lô lớn luôn muốn giá rẻ. BIDV cũng chưa tìm được đối tác để bán tối đa 30% cổ phần như mục tiêu đề ra từ năm 2014 và VietinBank thì chưa nhận sáp nhập xong PG Bank do còn vướng mắc một số vấn đề, trong đó có tỷ lệ hoán đổi…

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2017, một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong năm của BIDV là tăng vốn điều lệ thêm 13%, từ mức 34.187 tỷ đồng lên 38.632 tỷ đồng. Phương án tăng vốn dự kiến gồm 3 đợt, trong đó, ngân hàng này sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả 7%. Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) là 1.026 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ đồng với thời gian hạn chế chuyển nhượng cùng là 1 năm.

Cũng tại ĐHCĐ năm 2017, Vietcombank đã trình cổ đông về việc tăng vốn điều lệ năm 2017 thêm gần 3.600 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc chào bán cổ phần ra công chúng, tương đương 10% vốn điều lệ hiện hành (35.977 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin gì thêm về việc tăng vốn của các ngân hàng này, ngoài việc công bố trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt.

Việc tìm kiếm nguồn vốn bổ sung của ngân hàng đang gặp khó, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài không quá mặn mà góp vốn kinh doanh chung với các ngân hàng Việt, khi mà họ có thể tự kinh doanh dưới hình thức chi nhánh hoặc ngân hàng con 100% vốn.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đang hối thúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đẩy nhanh tiến độ thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng… Vậy nên, việc các ngân hàng phải lo trích lợi nhuận để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông sẽ khiến con đường tăng vốn điều lệ vốn đã chông gai, nay lại càng thêm vất vả.

Ngân hàng gặp khó tứ bề khi tăng vốn điều lệ
Thị trường tiền tệ đang chứng kiến cuộc đua tăng vốn mới mà nguyên nhân chủ yếu do các ngân hàng phải tăng năng lực tài chính để đáp ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư