Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII cần tránh dàn trải
Thanh Hương - 17/08/2023 12:01
 
Kế hoạch phải đưa ra được tiến độ theo từng năm cho từng loại hình dự án nguồn và lưới điện trong danh mục thực hiện giai đoạn 2023 - 2030, thay vì chỉ đưa ra theo giai đoạn hoặc theo năm mục tiêu như dự thảo hiện nay.

Đây là nhận xét trong tham luận được Tập đoàn T&T gửi tới Hội thảo “Triển khai Quy hoạch Điện VIII - những thách thức và gợi ý chính sách” diễn ra sáng nay, ngày 17/8 tại TP.HCM.

Theo Tập đoàn T&T Group, ở các dự án điện gió hiện chưa thấy có tiêu chí hoặc thuật ngữ định nghĩa thế nào là một dự án điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi. Do vậy, cần phân định cụ thể trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII ranh giới điện gió trên bờ và ngoài khơi.

Hội thảo Triển khai Quy hoạch Điện VIII - những thách thức và gợi ý chính sách do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì và chỉ đạo.

Hiện nay, trong dự thảo kế hoạch thực hiện đang gộp điện gió trên bờ và gần bờ thành một loại hình dự án trong khi đặc tính, đặc điểm của điện gió trên bờ và gần bờ là không giống nhau về môi trường đầu tư, chi phí lắp đặt, giá thành điện quy dẫn (LCOE) và điều kiện vận hành

Vẫn theo nhận xét này, trong Quy hoạch Điện VIII, mục tiêu phát triển điện gió, bao gồm cả điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ đạt 27.880 MW vào năm 2030 (trong đó điện gió ngoài khơi là 6.000 MW, còn điện gió trên bờ là 21.880 MW) là khá lớn về quy mô trong khi xuất phát điểm (tính từ năm 2023) như hiện nay sẽ là thách thức rất lớn về tiến độ, đặc biệt là đối với điện gió ngoài khơi, nếu không có được lộ trình thuyết phục thì rất khó đạt được quy mô lắp đặt 6.000 MW vào năm 2030, bởi thời gian còn lại chỉ là 7 năm.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc T&T Group cho hay, điện gió ngoài khơi chiếm tỷ trọng lớn trong Quy hoạch Điện VIII tới năm 2030 cũng như năm 2050, nhưng tới nay cơ quan trực tiếp tham mưu, ban hành cơ chế chính sách vẫn chưa đưa ra các cơ chế chính sách và thực tế là đang thiếu. Điều này khiến điện gió ngoài khơi triển khai rất chậm so với mục tiêu mong muốn.

“Rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm cấp phép cho khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi ngoài 6 hải lý”, bà Bình nói và cho hay, thời gian còn lại (tới năm 2030) là rất ít, trong khi khảo sát chiếm thời gian rất dài, nếu chúng ta không ngay lập tức triển khai việc cấp phép và khảo sát thì thực sự khó khăn trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi để đảm bảo tiến độ.

Đồng thời, đại diện T&T Group cũng đề nghị, có cơ chế chuyển tiếp hoặc thí điểm trước khi thực hiện đấu thầu đấu giá tại Việt Nam, áp dụng cho 6.000 MW đầu tiên giai đoạn đến 2030. Bởi đây là giai đoạn đầu khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại ở Việt Nam.

Tương tự như vậy, tham luận của T&T Group cũng lo ngại về tiến độ thực hiện các dự án điện khí LNG. Để xây dựng mới 22.400 MW điện khí LNG vào năm 2030 là một thách thức rất lớn về tiến độ, đặc biệt là công việc đàm phán hợp đồng mua bán điện.

Mô hình Dự án điện khí LNG Hải Lăng. 

“Hiện các nhà máy đều mong muốn có một tỷ lệ cam kết về sản lượng điện hợp đồng ở mức mong muốn (hợp lý) đề phù hợp với khả năng huy động vốn cho thực hiện dự án và thu hồi được chi phí đầu tư”, tham luận cho hay.

Ở một khía cạnh khác, T&T Group cũng nhận xét, ngày 7/1/2023, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong đó có biểu giá điện (giá trần, giá cao nhất).

Theo biểu giá này sẽ “bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD và bãi bỏ điều khoản Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp nối lưới…”.

“Hiện nay, nhiều nhà đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định 21/QĐ-BCT đều có chung sự lo lắng, bất an và quan ngại về việc không thể đảm bảo hiệu quả đầu tư do không đảm bảo các chỉ số kinh tế - tài chính khi áp dụng khung giá điện mới ban hành với mức giảm từ khoảng 21-29% (tính theo giá trị USD tương tương) so giá FIT tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (cho điện mặt mặt trời) và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (cho điện gió) và có thể đối diện với nguy cơ phá sản…”, tham luận nhận xét.

Bởi vậy, T&T Group cũng đề nghị, sớm xây dựng cơ chế phát triển (chính sách, cơ chế giá) đối với các dự án năng lượng tái tạo mới

Cụ thể, các dự án này có áp dụng theo Thông tư 15 hay không? Nếu không thì cần sớm xây dựng và ban hành chính sách giá. Lưu ý rằng Bộ Công thương đã từng đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện đối với các dự án NLTT mới tương tự như áp dụng tại Thông tư số 15 vừa ban hành ngày 3/10/2022 (Tờ trình số 4778/TTr-BCT ngày 11/8/2022).

Trong trường hợp đề xuất và đề nghị này được thông qua sẽ có một số khó khăn, trở ngại cho thị trường phát triển điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam giai đoạn tới. Đó là cách xây dựng và tính toán khung giá bán điện cho nguồn điện gió, điện mặt trời sẽ giống hoặc gần như tương đồng cách xây dựng, tính toán đối với các Nhà máy điện truyền thống như điện than, điện khí và thủy điện lớn.

Điều này lại chưa đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đã nêu là “xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo...”.

Quy hoạch điện VIII: Nhu cầu vốn lớn nhưng cơ chế huy động chưa rõ ràng
Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư, gồm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư