Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu
Đông Phong - 23/02/2023 09:21
 
Hoạt động kinh doanh ở Mỹ, Eurozone và Vương quốc Anh đều tiến triển tích cực trong tháng 2/2023, một động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Cảng nước sâu Dương Sơn ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Cảng nước sâu Dương Sơn ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Đó cũng là dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu khi chiến sự Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ hai.

Tờ Wall Street Journal dẫn kết quả khảo sát các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ được công bố hôm 21/2 cho hay, các vấn đề về nguồn cung đã lắng xuống khi nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí nguyên vật liệu và linh kiện đã tăng với tốc độ chậm nhất kể từ mùa thu năm 2020. Tuy nhiên, áp lực tiền lương vẫn tăng cao.

Các cuộc khảo sát của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global đã bổ sung thêm các tín hiệu rằng sức mạnh kinh tế đã phục hồi ở cả hai bờ Đại Tây Dương và có thể làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Giá năng lượng tăng cao kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, đã khiến nền kinh tế toàn cầu chững lại. Trong đó, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2022, còn Đức - nền kinh tế đầu tàu của châu Âu - suy giảm trong ba tháng cuối năm.

Trong những tháng gần đây, niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp đã cải thiện và khí hậu mùa đông ở châu Âu năm nay ôn hòa, nên đã giúp cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng, góp phần kéo giảm giá năng lượng từ mức đỉnh thiết lập vào mùa hè năm 2022.

Dữ liệu gần đây cho thấy Mỹ đã khởi động năm 2023 với dấu hiệu “bùng nổ” hoạt động kinh doanh. Số biên chế trong bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tăng thêm 517.000 trong tháng 1/2023, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022.

Lạm phát tại Mỹ có chiều hướng "hạ nhiệt" và việc tăng lương liên tục đã giúp tăng thu nhập thực tế và hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng. Thêm vào đó, doanh số bán lẻ trong tháng 1 đã tăng 3% so với tháng trước, chấm dứt hai tháng sụt giảm liên tiếp.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 lên 2,9%, từ mức 2,7% trong dự báo trước đó. IMF cho rằng khả năng xảy ra suy thoái đã thấp đi khi triển vọng kinh tế tươi sáng hơn nhờ nhu cầu phục hồi, lạm phát có dấu hiệu đi xuống và Trung Quốc mở cửa trở lại.

S&P Global cho biết chỉ số sản lượng tổng hợp ("composite output index") đối với nền kinh tế Mỹ, một chỉ số theo dõi chặt chẽ về hoạt động kinh doanh, đã tăng lên 50,2 điểm trong tháng 2/2023, mức cao nhất 8 tháng qua. Tương tự chỉ số PMI, chỉ số sản lượng tổng hợp đạt trên 50 điểm cho thấy ngành/lĩnh vực đạt tăng trưởng trong kỳ khảo sát.

Đối với các doanh nghiệp dịch vụ, chỉ số tháng 2 cũng đạt mức cao nhất 8 tháng qua với mức điểm là 50,5 sau mức 46,8 của tháng 1.

Chỉ số sản xuất chế tạo của Mỹ trong tháng 2 đã tăng lên 48,4 điểm, từ mức 46,9. Điều này cho thấy lĩnh vực chế tạo của Mỹ vẫn suy giảm, nhưng với tốc độ giảm đã chậm hơn. Nhu cầu vẫn yếu khiến các nhà sản xuất tập trung vào việc giải quyết công việc tồn đọng của họ.

Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, nhận định: "Tháng 2 đang chứng kiến sự ổn định đáng hoan nghênh của hoạt động kinh doanh". "Tâm lý kinh doanh đã sáng sủa hơn trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh và rủi ro suy thoái đã nguôi bớt", ông Williamson nói thêm.

Chỉ số sản lượng tổng hợp của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã tăng lên 52,3 điểm trong tháng 2, tăng đáng kể so với mức điểm 50,3 của tháng 1.

Tại Vương quốc Anh, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp đã tăng từ 48,5 lên 53,0 - mức điểm cao nhất 8 tháng qua.

Theo ông Williamson, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của châu Âu đã được thúc đẩy nhờ niềm tin gia tăng khi những lo ngại về suy thoái và lạm phát cùng vơi bớt.

Các công ty ở Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh cho biết họ sẽ tiếp tục tăng giá để giải quyết áp lực tiền lương hiện nay, mặc dù chuỗi cung ứng đã hoạt động trơn tru hơn và căng thẳng về giá các mặt hàng đầu vào đã giảm bớt.

Ông Williamson cho rằng tác nhân đẩy lạm phát tăng cao hiện đã chuyển sang tiền lương. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tình trạng tăng lương và giá các mặt hàng tiêu dùng co kéo lẫn nhau, theo nhà kinh tế trưởng của S&P Global.

Tại Mỹ, lạm phát đã chậm lại kể từ tháng 6/2022, mặc dù áp lực về giá đã phần nào nhích lên trong tháng 1/2023.

Còn ở châu Âu, giá năng lượng giảm đã giúp "hạ nhiệt" lạm phát trong vài tháng gần đây. Nhưng khả năng phục hồi của nền kinh tế châu Âu và hoạt động tuyển dụng mạnh mẽ sẽ gia tăng rủi ro rằng sẽ cần nhiều thời gian hơn để đưa lạm phát trở về mức kỳ vọng của các ngân hàng trung ương.

Các ngân hàng trung ương ở cả hai bờ Đại Tây Dương cho biết họ có ý định tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chi phí đi vay tăng cao hơn có thể đè nặng lên doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái vào cuối năm 2023.

Các công ty Mỹ được khảo sát tiết lộ sản lượng của họ lần đầu tiên đạt tăng trưởng, tính từ tháng 6/2020 và đây là một tín hiệu lạc quan hơn về tương lai. Tương tự, châu Âu chứng kiến các ngành dịch vụ đạt tăng trưởng, từ du lịch đến hoạt động giải trí.

Vương quốc Anh vừa công bố báo cáo thặng dư ngân sách 5,4 tỷ bảng Anh trong tháng 1/2023 (tương đương 6,5 tỷ USD) nhờ thu ngân sách tăng cao. Giống như các khu vực khác ở châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp ở Vương quốc Anh vẫn ở mức thấp và tiền lương đang tăng lên, mặc dù chậm hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng.

"Triển vọng kinh tế được cải thiện đang dần bắt đầu giảm bớt áp lực đối với tài chính công của Vương quốc Anh", ông Jake Finney, nhà phân tích tại Công ty tư vấn kinh doanh PwC Vương quốc Anh, nhận định.

Ở các nơi khác trên thế giới, Nhật Bản cũng ghi nhận một số dấu hiệu phục hồi kinh tế nhờ du lịch quốc tế "hồi sinh" sau khi các hạn chế do đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ, mặc dù các nhà máy tại Nhật tiếp tục công bố số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn giảm.

Trái lại, các dữ liệu khác gần đây cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc lại đang tích cực ra ngoài và mua sắm ở các thành phố lớn sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ các lệnh hạn chế do Covid-19 vào cuối năm 2022.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư