Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Khai mạc Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam 2014
Nguyên Đức - 05/12/2014 08:13
 
() Sáng nay, Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham gia và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đẩy mạnh vay ODA, tại sao không?
Việt Nam bao giờ “tốt nghiệp” ODA?
Đột phá trong giải ngân vốn ODA
Phân bổ 2.500 tỷ cho 7 dự án ODA cấp bách
Cam kết ODA cho Việt Nam năm 2014 không giảm

Với chủ đề Phát triển khu vực tư nhân để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và tự chủ.

  Khai mạc Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam 2014  
  Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 khai mạc sáng nay (5/12). Ảnh: Đức Thanh  

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì đây là những vấn đề rất hệ trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

“Cải cách thể chế kinh tế sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế, còn phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Sau khi được Chính phủ khởi xướng, việc cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam đã bước đầu đặt được những nền tảng quan trọng đầu tiên, mà một trong số đó là đặt nền tảng pháp lý vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của người dân qua việc sửa đổi Hiến pháp.

Đồng thời, để phát huy vai trò kiến tạo, Chính phủ tích cực thay đổi về điều kiện gia nhập thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư thông qua sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Việc giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp qua cải cách thủ tục hành chính chuyên sâu theo từng ngành và lĩnh vực cụ thể, như đất đai, thuế, hải quan… cũng đã được thực hiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực cải cách chính sách theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Một hoạt động quan trọng khác, đó là nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, thiết chặt kỷ luật ngân sách và tăng trách nhiệm giải trình đối với quyết định và phân bổ vốn đầu tư. Cùng với đó, là tăng kỷ luật thị trường đối với DNNN, nâng cao năng lực quản trị và cải cách DNNN…

Tuy vậy, việc cải cách thể chế kinh tế mới đi được những bước đi đầu tiên. Trong thời gian tới, đặc biệt là trong hai năm 2015 - 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và sẽ trở thành nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá trong tái cơ cấu kinh tế.

Cải cách thể chế kinh tế được coi là điều kiện tiên quyết để thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nền tảng cho khung khổ pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân.

Mới lần thứ hai được tổ chức, thay thế cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), nhưng VDPF đã được chứng minh là một diễn đàn đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển rất hiệu quả và thiết thực.

Sau VDPF năm 2013, hai bên đã thống nhất 22 hành động chính sách, bao gồm 81 hoạt động thành phần. Trong số này, đã hoàn thành 18 hoạt động, tiếp tục triển khai 57 hoạt động và đang chọn thực hiện tiếp 6 hành động.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những kết quả đạt được của việc triển khai các hành động chính sách VDPF 2013 là tích cực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu và cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện, các hành động còn cần thêm thời gian hoàn thành.

Mặc dù vậy, khẳng định từ Chính phủ Việt Nam, thì đây là cách tiếp cận cần được tiếp tục duy trì trong các kỳ VDPF tới để đảm bảo các kết quả đối thoại cấp cao sẽ đi vào cuộc sống và bằng các biện pháp, hành động chính sách cụ thể.

Để triển khai hiệu quả cách tiếp cận này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tăng cường vai trò làm chủ và tính chủ động của các cơ quan Chính phủ trong quá trình chuẩn bị và triển khai các hành động chính, trong việc phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ và đối tác phát triển.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của Ban Thư ký nhằm đảm bảo việc điều phối và hỗ trợ tốt hơn, kịp thời cung cấp thông tin cho các bên liên quan.

Ngoài ra, các hành động chính sách cần cụ thể, tập trung hơn nữa, cần được trao đổi, chuẩn bị và đi đến thống nhất trong thời gian trước và cả sau Diễn đàn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư