Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Khai mạc Hội nghị Di sản Văn hóa Phi vật thể Châu Á - Thái Bình Dương 2018
Ngọc Tân - 07/11/2018 09:04
 
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Quốc tế về Di sản Văn hóa Phi vật thể (DSVHPVT) ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tổ chức khai mạc Hội nghị Di sản Văn hóa Phi vật thể Châu Á - Thái Bình Dương 2018 (6/11).

Tham dự hội nghị có ông Michael Croft, Trưởng đại diện Unesco tại Việt Nam; Ông Kwon Huh, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội nghị năm nay có chủ đề: “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ DSVHPVT vì sự phát triển cộng đồng bền vững”, với sự tham dự của 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể từ 16 quốc gia khác nhau.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung cho biết, Hội nghị Di sản Văn hóa Phi vật thể Châu Á - Thái Bình Dương 2018 được tổ chức tại Thừa Thiên Huế lần này là một niềm vinh dự cho tỉnh, đồng thời thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc chung tay, đồng hành với Mạng lưới Quốc tế về Di sản Văn hóa Phi vật thể ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia trong khu vực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể vì mục tiêu phát triển bền vững. Hội nghị sẽ giúp Huế có những đánh giá chính xác, khách quan, từ đó đưa ra các chính sách và hướng phát triển bền vững cho các DSVHPVT trong thời gian tới, trong đó có Nhã nhạc.

Trong ngày làm việc đầu tiên (6/11), hội nghị đã diễn ra 3 phiên làm việc với các nội dung: Vai trò của tổ chức phi chính phủ đối với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát triển cộng đồng. Các tham luận tại phiên làm việc gồm: Cùng hợp tác nhằm đạt đến các Mục tiêu của Công ước 2003 và đóng góp vào phát triển bền vững; Các tổ chức xã hội làm tăng giá trị; Vai trò của các tổ chức Phi  Chính phủ tham gia bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể ở Trung Quốc; Thừa nhận vai trò của giáo dục không chính quy trong phát triển hệ thống chữa bệnh truyền thống; Văn hóa vượt khỏi lớp học: Nâng cao nhận thức về Di sản văn hóa phi vật thể thông qua các chương trình giáo dục nghệ thuật phi chính quy dành cho giới trẻ; Hoạt động Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An; Lễ hội của các ngôi chùa: Vai trò của các Ban Quản trị các chùa trong duy trì Văn hóa phi vật thể tại khu vực Bagan; Vai trò của Ciqam trong công tác bảo tồn và phát huy Di sản Phi vật thể tại Gilgit Baltistan và Chitral; Di sản văn hóa phi vật thể của người Dao, người Hà Nhì với việc bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai - một phân tích so sánh. 

Trong ngày hôm nay (7/11) Hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận phiên 4, 5 và một phiên đặc biệt về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể ở Việt Nam. Phiên bế mạc sẽ được diễn ra vào ngày 8/11.

Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam giới thiệu những dự án du lịch ưu tiên thu hút đầu tư
Chiều 2/11, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Miền Trung tổ chức Hội thảo “Giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư ngành du lịch tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư