Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Khai mở mặt trận kinh tế: Chính phủ cùng ngồi với cộng đồng doanh nghiệp
Khánh An - 11/05/2020 07:52
 
Mặt trận kinh tế đã chính thức khai mở, không chỉ bởi các quyết định dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước. Chính phủ đang cùng với cộng đồng kinh doanh bàn cách để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào từ thời cơ vàng của nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới mục tiêu giữ mức tăng trưởng trên 5% và yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ và đại diện EuroCham tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới mục tiêu giữ mức tăng trưởng trên 5% và yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ và đại diện EuroCham tại Hội nghị.

Doanh nghiệp đang dần trở lại

Kết quả cập nhật khảo sát doanh nghiệp vào đầu tháng 5 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã mang đến những thông tin tích cực. Theo đó, 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III/2020; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh; chỉ còn khoảng 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.

Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố một tháng trước đây, đó là tới 80% doanh nghiệp cho biết khó có thể trụ vững sau 12 tháng tới.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng mang tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5 tin tốt khi cho biết, các doanh nghiệp thủy sản đang đặt mục tiêu không sụt giảm kim ngạch xuất khẩu năm 2020 so với năm ngoái, nghĩa là vẫn giữ mục tiêu 8,6 tỷ USD.

Đặc biệt, thông tin chưa có doanh nghiệp dệt may nào phải đóng cửa mà ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) báo cáo với Hội nghị cũng thực sự là thông tin vui.

Tất nhiên khó khăn vẫn còn rất lớn. Kết quả khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 4/2020 vẫn cho thấy những khó khăn lớn của doanh nghiệp. Theo đó, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, còn khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019. Trên 45% số doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất - kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.

Ngay trong tin tốt của ngành dệt may là số lao động mất việc của ngành này chỉ khoảng 20.000 lao động, thay vì 40.000 như dự báo trước đó, thì khó khăn tiềm ẩn vẫn rất lớn khi các thị trường lớn của ngành này vẫn đang quay cuồng với dịch bệnh...

Câu hỏi của Thủ tướng và sự trăn trở của doanh nhân

Rất nhiều doanh nhân đã nhắc đến câu hỏi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt  ra ngay trong lời đầu tiên của Hội nghị Thủ tướng Chính với doanh nghiệp năm 2020. Họ nói ông đã chạm vào tâm can của nhiều doanh nhân Việt Nam.

Thủ tướng đã nói: “Tầm nhìn Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 vẫn đang được xác định rõ. Dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này. Doanh nghiệp có tầm nhìn thế nào, sẽ ở đâu vào năm 2045?”.

Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nhắc tới câu hỏi này. Trăn trở về việc Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới cũng không phải lần đầu tiên được đặt ra.

Ngay trong Hội nghị này và nhiều cuộc làm việc trước đây, Thủ tướng đã nhắc tới những thương hiệu Việt Nam có nhiều dấu ấn lớn trong nền kinh tế giai đoạn qua, gồm cả doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, như Viettel, Vinamilk, Vingroup, Thaco...  khi đặt mơ ước và những đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam.

Tham dự Hội nghị, ở đầu cầu Quảng Nam, là chủ thương hiệu được Thủ tướng nhắc đến, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco rất chia sẻ tâm tư này. “Doanh nghiệp có lúc khó khăn, có lúc thua lỗ là tất yếu, nhưng phải xác định các giải pháp hỗ trợ là để doanh nghiệp đứng vững trên đôi chân của mình, chứ không phải là để có tâm lý trông chờ. Doanh nghiệp sẽ không thể đánh mất nhuệ khí, nhiệt huyết kinh doanh”, ông Dương nói.

Chỉ cần giở lại các kế hoạch kinh doanh một vài tháng trước, có thể thấy những kế hoạch lớn, với các khoản đầu tư mới, kế hoạch tuyển dụng lao động mới của nhiều doanh nghiệp. Nhưng cơn sóng thần của đại dịch đã xóa gần như các điều kiện đầu vào tối thiểu nhất.

Tuy nhiên, ông Dương cũng như nhiều doanh nhân khác đang muốn nói về các kế hoạch đầu tư mới. “Chúng tôi muốn nói đến việc đón đầu sự dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu tại miền Trung thông qua việc nâng cao năng lực và giảm giá thành logistics quốc tế tại Chu Lai, Quảng Nam”, ông Dương đặt vấn đề cụ thể khi nhắc đến 2 dự án có chủ trương từ năm 2018, nhưng đến nay chưa được triển khai.

Đó là Dự án luồng tàu để đón được tàu cỡ 5 vạn tấn, vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng và Dự án Quốc 14E, đoạn nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến đường Hồ Chí Minh có chiều dài 70 km, vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng. “Do tính cấp thiết của 2 dự án này và trên tinh thần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, nhất là đón đầu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cho miền Trung, Thaco xin chủ trương làm chủ đầu tư (ứng vốn để thực hiện) và các cơ chế để tạo nguồn thu hoàn vốn theo quy định của pháp luật.

Ông Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cũng đề xuất với Chính phủ, các địa phương về việc thiết lập các tam giác thúc đẩy du lịch, như Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh; Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Nha Trang - Đắk Lắk - Phú Yên... “Cả Chính phủ và các địa phương cùng vào cuộc để ngành du lịch trở lại. Chúng tôi cũng đề nghị cần có tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề của ngành du lịch trong thời điểm này”, ông Kỳ đề xuất.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đang chờ đợi vào nguồn vốn mồi để mở màn cho mặt trận phục hồi kinh tế, đó là khoản đầu tư công cho các dự án hạ tầng đã có trong kế hoạch. “Với số ‘tiền tươi, thóc thật’ đang nằm ở ‘trong túi’ của các bộ, ngành và địa phương đã là trên 30 tỷ USD, nếu tháo gỡ được thủ tục, giải ngân nhanh được trong năm nay, thì không có lý do gì, chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, như quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ Chính phủ về việc này”, ông  Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Bài toán phục hồi theo mô hình chữ V

Thành công hiện tại trong chiến dịch phòng chống Covid-19, cơ sở cho quyết định quan trọng và rất khó khăn, là dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước, đã thay đổi lớn tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực.

Sẽ không nói chung chung, không nói để đó. Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cho người dân là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ cùng xắn tay áo tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tinh thần là dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dựa vào sức mạnh của đất nước 100 triệu dân.

- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Có thể thấy ngay trong sự thay đổi về chủ đề của Hội nghị trên. Trong văn bản thông báo về Hội nghị vào tuần trước của Văn phòng Chính phủ, chủ đề được lựa chọn là để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh ứng phó Covid-19. Nhưng chủ đề chính thức được chọn là “Cùng nỗ lực  - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế”.

Đặc biệt, phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc tới mục tiêu giữ mức tăng trưởng trên 5% và yêu cầu doanh nghiệp phải đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế, để đạt được mô hình chữ V, chứ không phải là chữ U và càng không thể là chữ W.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau Hội nghị, ông Lộc đã không giấu được sự hào hứng: “Thông điệp mà Chính phủ gửi tới cộng đồng kinh doanh rất rõ ràng. Để nền kinh tế phục hồi theo hình chữ V, có nghĩa là Chính phủ sẽ rất nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, không để doanh nghiệp phải đối mặt với ‘vi-rút trì trệ’ vào lúc này. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã cam kết điều tương tự. Nghĩa là dòng chảy thị trường được khơi thông, dòng chảy của thủ tục, các dự án, các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được khơi thông ngay lập tức”.

Tuy nhiên, ông Lộc vẫn nhắc lại đề xuất thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác trên mặt trận phục hồi kinh tế do Thủ tướng Chính phủ đích thân đảm nhận vai trò Trưởng ban chỉ đạo; các địa phương lập ngay Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND đứng đầu, để nối dài cánh tay giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi kinh tế thành công.

“Các doanh nghiệp từng chia sẻ với tôi, các giải pháp chính sách nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, doanh nghiệp có thể phục hồi, thậm chí xoay chuyển nhanh, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn. Phục hồi nền kinh tế cũng vậy, cần các quyết sách phù hợp, đúng thời điểm. Chúng ta đang trong cơ hội vàng của người ra khỏi dịch bệnh trước, không thể chậm một giây phút nào”, ông Lộc chia sẻ quan điểm.

Cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị
.
.


Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đã áp dụng đối với công cuộc phòng chống Covid-19 trong thời gian qua.

Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần thích nghi với điều kiện vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư