Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài: Chuyện không nhỏ
Bảo Duy - 07/06/2013 07:28
 
Không phải ngẫu nhiên, đề xuất làm rõ và thống nhất cách vận dụng khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài một lần nữa được đặt lên bàn nghị sự chính thức của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây.
TIN LIÊN QUAN
Có sự vận dụng khác nhau của các cơ quan quản lý nhà nước về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài

Câu chuyện tưởng chừng như rất nhỏ và mang nặng tính kỹ thuật pháp lý này đã được nhắc đi, nhắc lại suốt hơn 5 năm, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.

Nhưng hệ quả của nó không hề nhỏ, đó là tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư nước ngoài về tính minh bạch và thống nhất trong quy định và thực thi pháp luật của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, cả trong nước và nước ngoài, đã trực tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực tới quyền kinh doanh của mình.

Thực ra, nếu nghiên cứu hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư của Việt Nam, khái niệm về nhà đầu tư nước ngoài không phải không có.

Rắc rối nằm ở chỗ, dường như các định nghĩa hiện tại đang không đủ để trả lời câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra, đó là mục đích quy định khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để làm gì.

Đây là lý do việc vận dụng rất khác nhau ở các cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành khác nhau, địa phương khác nhau về cùng một khái niệm.

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2005, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.

Luật Đầu tư 2005 cũng đã xác định cách thức ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên thì được áp dụng điều kiện như nhà đầu tư trong nước. Cùng với đó, các văn bản dưới luật có liên quan đã dẫn giải khá chi tiết. Có thể kể tới Nghị định 69/2007/NĐ-CP, Quyết định 121/2008/QĐ-BTC xác định, Quyết định 55/2009/QĐ-TTg… Đặc biệt, Nghị định 102/2010/NĐ-CP khẳng định trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác, doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước…

Tuy vậy, tới thời điểm này, nhiều cơ quan đăng ký kinh doanh của các tỉnh, thành phố vẫn lúng túng khi tiếp nhận hồ sơ thành lập tổ chức mới có sự tham gia góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ. Nhiều trường hợp từ chối thụ lý hồ sơ của các doanh nghiệp đã được cấp đăng ký kinh doanh bán cổ phần, vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài...

Câu chuyện phải xin huỷ niêm yết, khoá room nhà đầu tư nước ngoài của CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar để bảo toàn được quyền kinh doanh dược phẩm của mình chỉ là một giọt nước làm tràn ly về phức tạp trong các quy định hiện hành về các khái niệm này.

Tuy vậy, xác định câu trả lời cụ thể cho vấn đề này dường như vẫn quá khó. Ngay cả tỷ lệ 10% hay 49% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp mà nhiều chuyên gia đề xuất căn cứ theo pháp luật của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, quy định của OECD cũng chưa nhận được sự đồng thuận.

Đang có một số đề xuất theo hướng, việc phân biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ nên áp dụng khi doanh nghiệp đã thành lập bắt đầu triển khai các hoạt động kinh doanh, khi thực hiện thương quyền của mình. Đây chính là giai đoạn quan trọng để đưa ra những cách ứng xử của từng quốc gia, tùy theo mục tiêu thu hút và tận dụng được vốn đầu tư nước ngoài hay hạn chế ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài đối với những lĩnh vực then chốt cần được bảo vệ, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia.

Với quan điểm này, việc quy định định tỷ lệ cơ cấu vốn để xác định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trở nên rõ ràng, đơn giản vì nó tùy thuộc vào từng ngành nghề, từng chính sách cụ thể. Khi đó, thủ tục gia nhập thị trường của nhà đầu nước ngoài và nhà đầu tư trong nước là như nhau.

Tuy nhiên, sự lúng túng trong xác định mục tiêu, quan điểm và phương pháp luận liên quan đến khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã quá lâu, cần phải có sự chỉ đạo rốt ráo để làm rõ, càng sớm, càng tốt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư