Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Khai sinh” xong là kinh doanh
Quang Hưng - 10/11/2014 11:01
 
() Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (10/11), Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đừng để “nở rộ” ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Tạo đột phá về thủ tục đầu tư, kinh doanh
Luật Đầu tư cần hạn chế hướng dẫn
Ngành nghề cấm kinh doanh: Sốt ruột vì bộ, ngành "câu giờ"
Rất khó bộ, ngành nào tự chặt chân mình
  Vũ Tiến Lộc  
  Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao những cải cách mang tính đột phá của Luật Đầu tư  

Thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng nay (10/11), đa số các đại biểu tham gia góp ý đều đánh giá cao các nội dung sửa đổi của dự thảo luật.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (tỉnh Thái Bình), điểm đột phá quan trọng nhất của Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là Ban soạn thảo đã đưa ra được danh mục cụ thể, chi tiết ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên cơ sở này, người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động chọn lựa mà mình có lợi thế, giảm thiểu các thủ tục hành chính dẫn đến việc “xin - cho” như trước đây.

Là người liên tục đồng hành với các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điểm đột phá lớn nhất trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực không cấm theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang rất cần động lực mới cho sự phát triển.

“Đột phá ấn tượng nhất của dự thảo Luật Đầu tư lần này chính là về thủ tục đầu tư mà thực chất là không còn thủ tục đầu tư với đa số các nhà đầu tư. Cải cách lần này của dự thảo Luật đã chạm được vào tâm điểm của vấn đề đầu tư, kinh doanh về bản chất là 1. Sau khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh - khai sinh doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp có thể tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh mà không cần làm thêm bất cứ thủ tục đầu tư nào khác”, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.

Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, nói như vậy không có nghĩa là hoạt động đầu tư ở Việt Nam bị bỏ ngỏ, không được kiểm soát.

“Trong kỳ họp trước, tôi đã đề nghị, dù thông thoáng đến đâu thì những hoạt động đầu tư nào liên quan đến những lợi ích cốt lõi của nhân dân, của nhà nước thì phải quản lý cho thật chặt chẽ. Lần này, Ban soạn thảo đã thiết kế được một cơ chế “bộ lọc” là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án tiềm tàng, có ảnh hưởng đặc biệt lớn với môi trường, dân cư, an ninh, quy mô vốn lớn, sử dụng đất lớn áp dụng không thực hiện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Lộc phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, “trong số các dự án xếp vào diện phải “lọc” này, chúng ta chưa thấy các dự án sử dụng nhiều tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không tái tạo – trừ trong lĩnh vực dầu khí . Tôi cũng chưa thấy các dự án sử dụng nhiều năng lượng. Tại sao với các dự án sử dụng nhiều đất đai thì chúng ta quản lý chặt chẽ còn với các dự án sử dụng nhiều năng lượng – nguồn lực quan trọng không kém nguồn lực đất đai thì chúng ta lại bỏ qua. Vì vậy, tôi đề nghị phải bổ sung thêm nhóm các ngành nghề này phải chấp thuận chủ trương đầu tư” .

Góp ý với dự thảo Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP. Hà Nội) đề nghị, bổ sung vào nội dung cấm buôn bán, kinh doanh chất phóng xạ vào điều 6 của dự thảo luật.

Về đảm bảo đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị xem xét lại nội dung khoản 3, Điều 13 khi quy định trường hợp văn bản pháp luật mới ban hành quy định mức ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được áp dụng đầu tư theo văn bản mới ban hành.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (các điều 6, 7 và 8), nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể tại Luật Đầu tư các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Có ý kiến đề nghị Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định về ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật.                                    

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành tập hợp, rà soát và xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều. Trên cơ sở đó, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, xây dựng theo hướng: (1) Bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý nhà nước hoặc bị trùng lặp, đồng thời bổ sung một số ngành, nghề cần thiết.

Về ưu đãi đầu tư, một số ý kiến cho rằng, ưu đãi đầu tư được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây khó khăn cho nhà đầu tư, cần quy định về ưu đãi đầu tư cụ thể hơn và đặt trong tương quan so sánh với các nước cùng khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng ,quy định về lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư là quá chung chung, chưa hợp lý, đề nghị quy định cụ thể lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư (Điều 15); bổ sung và chỉnh lý Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư, Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 16), quy định rõ thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư (Điều 17); quy định các chính sách hỗ trợ đầu tư (mục 2 Chương III).

Đối với những dự án quy mô lớn, có tính chất đặc biệt quan trọng hoặc dự án thực hiện tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ưu đãi đầu tư khác với các ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật này trong trường hợp Nhà nước cần khuyến khích (Điều 18).

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này đã trải qua 4 lần tiếp thu ý kiến góp ý và chỉnh sửa. Nếu được thông qua tại kỳ họp này, dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Xem chi tiết báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đầu tư (sửa đổi) tại đây.

Xem chi tiết dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) tại đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư