Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Khai thác hiệu quả quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng
Mạnh Bôn - 15/03/2018 08:14
 
Theo PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội), cần phải khai thác hiệu quả quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
TIN LIÊN QUAN

Ông có nghĩ rằng, số tiền đầu tư công cho giai đoạn 2016 - 2020 (2 triệu tỷ đồng) là quá nhỏ so với nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TƯ (ngày 16/01/2012)?

Nghị quyết 13-NQ/TƯ yêu cầu phải phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; cung cấp điện; thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; khu công nghiệp, khu kinh tế

.
.

Chỉ riêng với lĩnh vực giao thông, số vốn 2 triệu tỷ đồng đầu tư mới đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu, vì trong giai đoạn này phải tiến hành đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và hàng chục công trình giao thông đường không, đường biển, đường thủy, đường sắt, đường bộ. Vì vậy, cần có nhiều phương thức huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có BOT, BTO và BT.

Nhà nước đang làm đại diện chủ sở hữu khối tài sản khổng lồ là đất đai. Vấn đề là, Nhà nước phải khai thác hiệu quả nguồn lực này mới có thể thu hút vốn đầu tư ngoài xã hội để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nhiều địa phương đã mạnh dạn khai thác quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức BT. Nhưng gần đây, hình thức này bị dư luận cho là làm thất thoát tài sản nhà nước, thưa ông?

Đầu tư theo hình thức BT còn được gọi nôm na là “đổi đất lấy hạ tầng”. Hình thức hàng đổi hàng, phi thị trường, không công khai, thiếu minh bạch trong đầu tư BT đã dẫn tới nhiều hậu quả như làm thất thoát tài sản nhà nước, bị trục lợi, tiêu cực trong lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng, xuất hiện lợi ích nhóm…

Tình trạng thất thoát tài sản nhà nước trong đầu tư BT là có thật, chứ không phải chỉ có dư luận nghi ngờ hay báo chí lên tiếng. Chính Kiểm toán Nhà nước mới đây đã chỉ ra hàng loạt công trình, dự án BT gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, nguồn lực xã hội.

Theo ông, thất thoát tài sản nhà nước trong đầu tư BT xuất phát từ đâu?

Do hình thức thanh toán hàng đổi hàng, nên chính quyền địa phương khó có thể biết được giá trị thật của công trình, nên thường bị nhà đầu tư tăng tổng mức đầu tư. Cũng do hình thức thanh toán hàng đổi hàng, nên chính quyền địa phương không biết được chính xác giá trị mảnh đất đem đổi lấy công trình là bao nhiêu, nên thường tính thấp hơn giá trị thị trường.

Cuối cùng, hình thức thanh toán không công khai, thiếu minh bạch, dẫn đến tiêu cực, bắt tay nhau giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư và nhà đầu tư. Chẳng phải chỉ có hình thức đầu tư BT, BTO, BOT, mà bất cứ những  gì liên quan đến tiền, tài sản nhà nước, tài sản công, tài sản chung mà thiếu công khai, không minh bạch, không có sự giám sát chặt chẽ đều rất dễ xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm.

Nhưng nếu không huy động tư nhân đầu tư theo các hình thức BOT, BTO hay BT, thì làm sao có thể xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thưa ông?

Phải khẳng định, trong nhiều năm qua, nhờ đầu tư qua các hình thức BOT, BTO, BT mà kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hàng ngàn công trình không chỉ thay đổi bộ mặt địa phương, mà góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các vùng kinh tế với nhau nhằm phát huy tối đa thế mạnh của mỗi vùng.

Tôi cho rằng, cần tập trung huy động mọi nguồn lực trong xã hội dưới nhiều hình thức để từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm cho phát triển bền vững.

Hình thức BOT, BTO, BT không mới, các nước trên thế giới đều sử dụng hình thức đầu tư này để huy động tư nhân tham gia, nhưng vấn đề là phải công khai, minh bạch.

Công khai, minh bạch trong đầu tư theo hình thức BT, theo ông, phải thực hiện bằng cách nào?

Nhà nước cần công trình, dự án nào đó thì bỏ tiền ra thiết kế công trình, tính toán tổng mức đầu tư và tổ chức đấu thầu công khai theo Luật Đấu thầu; chủ đầu tư nào đáp ứng được yêu cầu về giá, chất lượng, thời gian xây dựng… thì được thực hiện. Nhà nước không có tiền thì tổ chức đấu giá mảnh đất ở khu vực khác, nhà đầu tư nào trả giá cao thì trúng và Nhà nước lấy tiền đấu giá đất để trả cho nhà thầu xây dựng công trình.

Đầu tư theo hình thức BT là đầu tư công, nên phải tuân thủ các quy định công khai, minh bạch đã được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư công. Cụ thể, phải công khai quá trình lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; chương trình, dự án đầu tư; phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; công khai danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư…

Một vấn đề quan trọng nữa nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước trong đầu tư BT là, Kiểm toán Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát các dự án ngay từ khi đề xuất dự án, thiết kế, xây dựng dự toán, thẩm định và phê duyết dự án, ký kết hợp đồng và triển khai dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư