Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khẩn trương nghiên cứu, thử nghiệm nguồn cát biển cung ứng cho các dự án đường cao tốc
Trúc Giang - 19/03/2023 07:55
 
Trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu; trong khi thời gian tới các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu cát là rất lớn.
TIN LIÊN QUAN

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 79/TB-VPCP Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc về bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Theo Thông báo nêu trên, ngày 14/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra thực địa hoạt động khai thác cát đắp nền đường và làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan tại trụ sở Tỉnh ủy Hậu Giang về bảo đảm nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải tại khu vực ĐBSCL. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và ý kiến của các đại biểu dự họp về nhu cầu và khả năng cung ứng nguồn vật liệu san lấp (đất, cát) cho các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo như sau:

Việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL là hết sức cấp thiết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh vùng ĐBSCL và cả nước.

Khai thác cát trên sông Cổ Chiên, thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, trong đó có các giải pháp tháo gỡ mọi khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, đắp nền đường. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã chủ động, cùng nhau phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường bước đầu có phương án tháo gỡ một phần khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án; đã cấp phép 66 giấy phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm (trong đó cát san lấp là 14 triệu m3).

Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu; trong khi thời gian tới các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn (khoảng 47,8 triệu m3; trong đó năm 2023 khoảng 17,8 triệu m3, năm 2024 khoảng 28,4 triệu m3).

Để bảo đảm cung cấp đủ vật liệu san lấp nền đường cho các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm toàn diện nhu cầu các loại vật liệu thi công (trong đó có cát đắp nền), lên biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án từ nay đến năm 2024 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương trước ngày 24/3/2023; chỉ đạo các nhà thầu chủ động làm việc với các địa phương hoặc các doanh nghiệp đang và sẽ khai thác mỏ cung cấp vật liệu san lấp, đắp nền để bảo đảm nguồn cung; thực hiện theo đơn giá vật liệu do các địa phương ban hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính ổn định và không làm tăng vốn đầu tư.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh có nguồn vật liệu đất san lấp để đánh giá trữ lượng, khả năng cung ứng và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật san lấp, đắp nền đường cho các dự án trong Vùng.

Nghiên cứu đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn kỹ thuật để có phương án sử dụng các mỏ đất tại tỉnh Long An đã cấp phép với khối lượng 30 triệu m3 để cung cấp cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về giải pháp thiết kế các dự án giao thông đường bộ nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xem xét phương án thiết kế cao độ tuyến phù hợp (hoặc thay thế bằng cầu cạn) để giảm khối lượng vật liệu san lấp và tác động đến dòng chảy tiêu thoát lũ hoặc tạo thành vùng úng, ngập khi có mưa, triều cường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời triển khai phương án thi công phù hợp để bảo đảm tính bền vững, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở kết quả đánh giá toàn bộ trữ lượng các mỏ cát đắp nền và công suất khai thác từng năm (các mỏ đang khai thác, nâng công suất, mỏ mới hoạt động) và biểu đồ nhu cầu vật liệu cho các tuyến giao thông theo từng tháng, thực hiện phân bổ, điều tiết đối với từng mỏ, từng địa bàn, phù hợp với tiến độ thi công các dự án.

Khẩn trương chủ trì nghiên cứu, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thử nghiệm nguồn cát biển; xem xét, nghiên cứu việc sử dụng vật liệu thay thế (cát nghiền từ đá, tro xỉ...) để cung ứng cho các dự án đường cao tốc và các công trình dân dụng.
Trước ngày 22/4/2023, có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng phải dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trong Vùng.

Đơn giản hoá các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa; đưa vào hoạt động các mỏ mới phục vụ riêng cho các dự án cao tốc trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ về môi trường, nguy cơ sạt lở theo đúng quy định của pháp luật. Lưu ý, những mỏ được cấp phép lại hoặc cấp phép mới chỉ cung cấp cát đắp nền cho các dự án cao tốc và phải dừng khai thác sau khi hoàn thành việc cung cấp cho dự án…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư