Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khánh thành 'rồng thép lớn nhất thế giới'
- 29/03/2013 15:26
 
Sáng nay, công trình cầu Rồng bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) đã được khánh thành và thông xe đúng dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Đà Nẵng.
TIN LIÊN QUAN

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã cắt băng khánh thành công trình.

Cầu Rồng phun lửa trong lễ khánh thành. Ảnh: Nguyễn Đông
Cầu Rồng phun lửa trong lễ khánh thành. Ảnh: Nguyễn Đông

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng, đặc biệt là sự vươn mình mãnh liệt của thành phố về giao thông sau 38 năm giải phóng mà bất cứ ai khi đặt chân đến đây cũng có thể nhận ra.

"Có được điều này, ngoài sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố còn có sự đồng lòng của người dân Đà Nẵng. Chính phủ luôn ủng hộ Đà Nẵng vươn lên trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội ở Miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Khởi công tháng 7/2009, cầu Rồng có tổng chiều dài 666 mét, rộng 37,5 mét, mỗi chiều có 3 làn xe và vỉa hè dành cho người đi bộ, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Cầu mô phỏng hình dáng con rồng thời Lý bay ra biển Đông với nhịp thép có tổng chiều dài 568 mét, nặng gần 9.000 tấn. Đây là cây cầu có kiến trúc độc đáo được Tập đoàn Louis Berger (Mỹ) thiết kế dạng vòm thép đơn duy nhất tại khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.

Cầu Trần Thị Lý với thiết kế mô phỏng cánh buồm trên sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông
Cầu Trần Thị Lý với thiết kế mô phỏng cánh buồm trên sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông

Sáng cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng cũng cắt băng khánh thành cầu Trần Thị Lý với hình dáng mô phỏng cánh buồm căng gió trên sông Hàn. Cầu được khởi công tháng 4/2010, dài 731 mét, rộng 34,5 mét, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.

Cầu có một trụ tháp bằng bê tông cốt thép nghiêng 12 độ, có 3 mặt dây văng và không có thiết kế dạng ngàm cứng như các cầu dây văng thông thường mà được liên kết cứng với đầm mặt cầu, tựa trên trụ S5 thông qua gối cầu hình chỏm để giảm kích thước bệ móng, tiết kiệm vật liệu.

Hai cây cầu này nằm trên hai trục giao thông quan trọng của thành phố Đà Nẵng, kết nối khu vực trung tâm thành phố với hai quận ven biển là Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, góp phần hoàn chỉnh quy hoạch, giảm ùn tắc giao thông. Đây cũng là hai cây cầu được xem là biểu tượng của thành phố biển.

Nguyễn Đông

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư