Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
“Khát” nhân lực ngành y tế
D.Ngân - 10/06/2021 10:50
 
Hàng trăm ca mắc Covid-19 mỗi ngày tại Bắc Giang, Bắc Ninh đang khiến cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây kiệt sức.

Tại nhiều địa phương, đội ngũ blouse trắng đang làm việc hết công suất. Thời gian tới, nếu dịch tiếp tục phức tạp, bài toán nhân lực ngành y tế càng trở nên bức thiết.

Cầu vượt cung

Hàng năm, có hàng nghìn sinh viên y, dược ra trường nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn của xã hội, khiến cho ngành này luôn luôn ở trong tình trạng “khát” nhân lực.

Chất lượng đào tạo y khoa được quyết định đồng thời bởi nhiều yếu tố, như là nguồn nhân lực giảng viên, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học

Thống kê của ngành y tế cho thấy biết tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của Việt Nam là 8,6; thấp hơn từ 4 - 8 lần so với nhiều nước có ngành Y phát triển như Úc khi tỷ lệ của nước này đạt 48,3; Cuba 67,2; Argentina 38,6 hay Nga với 43 bác sĩ/vạn dân. Tình trạng thiếu hụt điều dưỡng cũng diễn ra nghiêm trọng khi tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ khá thấp, ở mức 1,8 và đa số có trình độ trung học (66,9%)

Ngoài ra, lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở ngày càng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ bác sĩ. Theo đó, nguồn nhân lực của hệ thống này chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng để có thể triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo các chuyên gia, năm 2021, ngành y tế Việt Nam cần bổ sung khoảng 50.000 bác sĩ; 10.000 dược sĩ; hơn 80.000 điều dưỡng; 60.000 kỹ thuật viên y học. 

Tuy vậy, nhìn vào bức tranh đào tạo ngành sức khoẻ 2 năm gần đây sẽ thấy có một khoảng cách rất xa giữa con số ước đạt và thực tế.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, năm 2020 khối ngành sức khoẻ tuyển 35.634 chỉ tiêu, trong khi đó số lượng nhập học là 31.652 sinh viên.

Tại mùa tuyển sinh năm 2021, thống kê mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có 223.163 thí sinh đăng ký dự thi khối ngành sức khoẻ trong tổng số 36.816 chỉ tiêu. Số lượng thí sinh đăng ký khối ngành sức khoẻ chiếm 5.84% trong tổng số nguyện vọng của tất cả các ngành nghề.

Như vậy, tỉnh tổng cả hai năm 2020 và 2021, chỉ có khoảng hơn 60.000 nhân lực ngành Y được đào tạo bổ sung, trong khi thực tế nhu cầu này cần tới gần 200.000 người.

Tình trạng thiếu nhân lực ngành Y đã diễn ra nhiều năm gần đây. Trả lời phóng viên, một lãnh đạo bệnh viện huyện ở Hà Giang từng lo lắng thốt lên khi cả năm không tuyển được một bác sĩ. Chưa kể, dù có tuyển về cũng không giữ được. 

Năm 2018 làn sóng bác sĩ bệnh viện rời bệnh viện công ra ngoài đã khiến nhiều lãnh đạo bệnh viện, nhà quản lý phải đau đầu. 

Những tháng đầu năm 2021, dư luận dậy sóng khi hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, chuyển việc. Nhiều lý do được đưa ra, trong đó chủ yếu là quá tải và áp lực công việc.

Khi dịch Covid-19 ập đến, thiếu nhân lực ngành Y càng trở nên cấp bách khi nhân viên y tế luôn phải làm việc trong tình trạng quá tải, xuyên đêm, suốt ngày, hiếm có thời gian ngơi nghỉ. 

Đặc biệt tại ổ dịch Bắc Giang, Bắc Ninh hiện nay và trước đó là tại Hải Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, đội ngũ tuyến đầu chống dịch đã có nhiều ngày dài không có nổi một giấc ngủ ngon hay một bữa cơm đúng nghĩa.  

PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, diễn biến của đại dịch Covid -19 cho thấy tất cả các nước đều phải đối diện với nỗi lo thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế, kể cả các nước phát triển có tỷ lệ cán bộ y tế/dân số cao nhất. 

Nguyên nhân là do đại dịch diễn biến quá nhanh, nhiều người bệnh cùng nặng phải nhập viện trong thời gian ngắn nên hệ thống bị quá tải gấp rất nhiều lần. 

Còn theo đại diện Trường Đại học Y tế công cộng, đại dịch Covid-19 đang hoành hành đã cho thấy rõ vai trò, thiết yếu của y tế công cộng. Tuy vậy, tỷ lệ nhập học so với chỉ tiêu ngành y tế công cộng của các trường đào tạo mã ngành này giai đoạn 2016-2020 chỉ chiếm khoảng 60-70%. Năm 2020, có 4 trường không tham gia tuyển sinh ngành này nữa vì những năm trước tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi thấp.

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cơ hội việc làm của lĩnh vực y tế dự phòng rất rộng mở khi cả nước có tới 63 trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hơn 500 huyện đều có trung tâm y tế, khoảng 100 các tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng và rất cần những nhân lực được đào tạo bài bản.

Không những chỉ trong nước đang “khát” nguồn nhân lực y tế mà theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,  trong các năm qua, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc có những đơn đặt hàng, tiếp nhận các thực tập sinh hộ lý, chăm sóc viên Việt Nam sang làm việc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão để chăm sóc bệnh nhân, người già. Nhu cầu tuyển dụng tại các quốc gia này luôn tăng.

Bài toán chất lượng

Trước diễn biến nghiêm trọng của dịch Covid-19 theo đánh giá của Bộ Y tế, một số địa phương không có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cấp cứu, hồi sức tích cực nên khi có ca bệnh nặng đã xử lý lúng túng và chuyển tuyến trên, gây áp lực và quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã phê bình các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19 của một số tỉnh/TP đã thiếu chủ động trong công tác cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị ca bệnh Covid-19. 

Lãnh đạo ngành y tế yêu cầu các tỉnh cần rà soát lại năng lực điều trị người bệnh Covid-19 của các bệnh viện trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận, cách ly và điều trị người bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Trước đó, vấn đề tay nghề, đạo đức của những cán bộ y tế cũng luôn “nóng” khi cứ cách một thời gian lại thấy thông tin về các tai biến y khoa do sự tắc trách, thiếu trình độ của một bộ phận nhân lực y tế. 

Thực tế này đòi hỏi công tác đào tạo khối ngành sức khoẻ không những phải tăng số lượng mà còn phải nâng chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tế.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, sự phát triển công nghệ số thời kỳ công nghiệp 4.0 sẽ có tác động và thay đổi lớn đến thực hành chuyên môn, chắc chắn đòi hỏi các bác sĩ, cán bộ y tế phải bổ sung những năng lực về kĩ thuật và công nghệ, nhà trường chú trọng cập nhật chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy mới dựa trên nghiên cứu nhu cầu xã hội để người học có những năng lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mới.

Chất lượng đào tạo y khoa được quyết định đồng thời bởi nhiều yếu tố, như là nguồn nhân lực giảng viên, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học, lượng giá và đánh giá, cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, người học (chất lượng đầu vào, động cơ học tập, phương pháp học tập)…

Để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên y, theo Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, trường tập trung ưu tiên đổi mới chương trình đào tạo một cách sâu rộng. Ba chương trình đổi mới đầu tiên đã được xây dựng và đang tổ chức đào tạo đó là bác sỹ y khoa, bác sỹ răng hàm mặt và cử nhân điều dưỡng. 

Bên cạnh đó, thời gian qua trường đã tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác khảo thí nhằm đánh giá sinh viên công bằng, minh bạch, chính xác, làm nền tảng thúc đẩy tính chủ động, năng lực tự học, tự định hướng của người học.

Ngoài ra, từ chỗ gần như tất cả hoạt động lượng giá sinh viên bằng hình thức tự luận; ngân hàng đề và câu hỏi, chấm bài quản lý tại bộ môn với nhiều nhược điểm và rủi ro; hiện nay gần 100% lượng giá bằng hình thức trắc nghiệm khách quan với hàng trăm nghìn câu hỏi thường xuyên được cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh trong ngân hàng câu hỏi tập trung tại trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng của trường.

“Việc tổ chức thi trắc nghiệm khách quan cũng được hoàn thiện từ thi trên giấy đến thi trên máy tính và gần đây là trên máy tính bảng với hệ thống quản lý hiện đại, cho phép thực hiện từ xa”, lãnh đạo Đại học Y Hà Nội cho hay.

Con theo Hiệu trưởng trường Đại học Y dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Ngọc Thành, các chương trình đào tạo của trường được thiết kế, xây dựng dựa trên năng lực yêu cầu khi tốt nghiệp và tích hợp; được tham khảo từ các chương trình của các trường đại học có uy tín trên thế giới và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hiệu trưởng Lê Ngọc Thành cũng cho biết thêm nhà trường sẽ phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến, hướng tới các sản phẩm nghiên cứu y dược có thể chuyển giao thương mại hóa sản phẩm. 

Đồng thời vị giáo sư đầu ngành tim mạch này cũng nhắn nhủ tới các sinh viên y dược về việc không ngừng học tập với thông điệp những gì ta biết hôm nay sẽ lỗi thời ngay hôm sau, nếu ngừng học hỏi sẽ không thể phát triển được. 

“Thành công là kết quả của sự nỗ lực, chăm chỉ, hãy vượt qua chính mình. Mỗi sinh viên y, dược hãy cố gắng không ngừng sáng tạo, vươn lên, học hỏi vì bản thân, vì xã hội công bằng và văn minh", Hiệu trưởng Đại học Y dược nêu.

Ban Kinh tế Trung ương bàn về nhân lực ngành công nghiệp vật liệu
Sáng nay (10/4), Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư