Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 02 tháng 02 năm 2025,
Khát vọng cháy bỏng ở “khúc ruột" miền Trung
Nhiệt Băng - 02/02/2025 09:25
 
Năm 2025 là năm “lịch sử sẽ sang trang” đối với khu vực miền Trung, nhất là các địa phương đang nỗ lực tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để tạo nên bức tranh kinh tế hoàn toàn mới như Đà Nẵng, Huế.
Gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu sẽ là “tọa độ” phát triển của Thành phố trong năm 2025 và những năm tiếp theo
Gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu sẽ là “tọa độ” phát triển của Thành phố trong năm 2025 và những năm tiếp theo

Niềm tin mãnh liệt ở “tọa độ” cơ chế, chính sách đặc thù

Không phải ngẫu nhiên mà Trung ương chọn Đà Nẵng thực hiện cùng lúc nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, gồm lập khu thương mại tự do, trung tâm tài chính khu vực…, mà đó là câu chuyện của niềm tin.

Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng rất phấn khởi khi được Trung ương cho triển khai các cơ chế đặc biệt để phát triển địa phương, nhất là việc cho phép lập khu thương mại tự do.

“Vì sao không phải là những địa phương từng nghiên cứu về khu thương mại tự do từ khá lâu như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, hay Hải Phòng, mà là Đà Nẵng. Vì Đà Nẵng có khả năng thực hiện được, có thể xây dựng hình mẫu khu thương mại tự do trong tương lai”, ông Cường tự tin.

Các cơ chế, chính sách mà Trung ương trao cho Đà Nẵng đều là những lĩnh vực rất mới, rất khó. Thành phố đang nỗ lực từng bước trên hành trình đầy khó khăn, thử thách để không phụ sự tin tưởng của Trung ương. Hiện Thành phố phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng kế hoạch và đề án cụ thể về triển khai Trung tâm tài chính khu vực theo Nghị quyết số 259/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Ông Cường cho hay, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các mô hình mà thế giới đã triển khai, Đà Nẵng sẽ xây dựng Trung tâm tài chính khu vực vừa đảm bảo thu hút nhà đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa phải cạnh tranh được với các trung tâm tài chính khác trên thế giới như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore…

Thành phố cũng vừa hoàn thiện Dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, ra quyết định thành lập khu thương mại tự do và phê duyệt Đề án. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng sẽ triển khai các bước tiếp theo như các hạng mục, phân khu để kêu gọi đầu tư.

Cũng theo ông Cường, Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng của Quốc hội là khung chính. Thành phố sẽ tham mưu Chính phủ để ban hành nghị định quy định chi tiết, rõ ràng hơn về việc áp dụng các cơ chế, chính sách mang tính chất nổi trội cho Khu thương mại tự do.

“Hiện đã có nhiều nhà đầu tư tiếp cận khu thương mại tự do để đầu tư cảng biển, đầu tư công nghệ cao, sản xuất chip, vi mạch, bán dẫn… Họ tiếp cận theo hướng là Đà Nẵng có mô hình đó, còn cụ thể như thế nào, chúng tôi sẽ làm việc với nhà đầu tư, sau khi có Đề án của Chính phủ”, ông Cường thông tin.

Dù đang trong giai đoạn “thai nghén”, nhưng Khu thương mại tự do Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Phu, Phó giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào khu thương mại tự do này. Hiện nay, tất cả nguyên vật liệu của chúng tôi nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Trung Quốc... Hy vọng rằng, đây là cơ hội để các nước đầu tư vào đây. Khi đó, việc cung cấp nguyên vật liệu của chúng tôi sẽ dễ dàng hơn”.

Đà Nẵng xác định, dù được trao cơ chế, nhưng sẽ tổ chức thực hiện từng bước hết sức thận trọng, bài bản, khoa học, đảm bảo tính khả thi cao khi đưa vào hoạt động trong thực tiễn. Bởi thế, Thành phố chưa vội công bố vị trí cụ thể của khu lấn biển, mà đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện để định hướng và có lộ trình đầu tư phù hợp.

“Được hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cùng lúc là dấu ấn của Thành phố trong năm 2024. Chúng tôi nhận thức rằng, những cơ chế, chính sách trao cho Đà Nẵng tạo tiền đề rất quan trọng để Thành phố vươn lên trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện với quyết tâm rất lớn”, ông Cường khẳng định.

Sự kiện thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương là dấu mốc đặc biệt với vùng đất cố đô
Sự kiện thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương là dấu mốc đặc biệt với vùng đất cố đô

Khi “đô thị di sản” lên thành phố trực thuộc Trung ương...

So với Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế có tiềm năng khác biệt, “cơ hội nổi trội” khác. Là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của mạng lưới di sản quốc tế, Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế của Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Giám đốc Quỹ Bảo tồn di sản Huế, trước đây, nhiều tỉnh muốn hỗ trợ Huế bằng ngân sách để triển khai công tác trùng tu, bảo tồn di sản, nhưng theo quy định, thì không thể dùng ngân sách tỉnh này để hỗ trợ cho tỉnh khác.

Từ khi thành lập theo cơ chế đặc thù, Quỹ Bảo tồn di sản Huế đã phát huy hiệu quả, nhận được nguồn kinh phí ủng hộ đáng kể từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.

Đến nay, nhờ cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 38/2021/QH15, tỉnh Thừa Thiên Huế được bố trí 451,575 tỷ đồng từ nguồn thu phí tham quan di tích để trùng tu, tôn tạo gần 70 di tích, di sản.

Sự kiện đặc biệt đối với tỉnh là cuối năm 2024, được nâng cấp lên thành phố trực thuộc Trung ương, lấy tên là TP. Huế.

Việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên hiện trạng tỉnh Thừa Thiên Huế là một bước quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của tỉnh trên cơ sở ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của nhân dân địa phương, tạo không gian và động lực phát triển mới, không chỉ đối với TP. Huế, mà còn với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Đồng thời, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong buổi Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Huế rất đặc biệt so với những thành phố trực thuộc Trung ương khác. Bởi lẽ, Huế sở hữu nhiều yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù của thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam.

Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ, Huế sẽ tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo tiền đề, động lực phát triển và diện mạo mới cho địa phương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Theo đó, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 - Di tích Kinh thành Huế, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 với khoảng 5.470 hộ dân sẽ được di dời, bố trí tái định cư.

“Đây là cuộc di dân lịch sử nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị di sản, văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho những thế hệ sau”, ông Phương nói.

Đối với ngành dịch vụ, TP. Huế sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như du lịch văn hóa, di sản, sinh thái, nghỉ dưỡng, biển và đầm phá, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề gắn với thương hiệu di sản Cố đô Huế.

“Huế sẽ phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa; xây dựng nền tảng kinh tế của Thành phố dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn; phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái. Thực hiện quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân, tạo động lực phát triển”, ông Phương cho hay.

Nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện nhà ở xã hội ở miền Trung
Nhận định những rào cản trong việc xây dựng nhà ở xã hội, các tỉnh ở miền Trung đang hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ quỹ đất... cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư