Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khi nào start-up nên nghĩ tới vấn đề truyền thông?
Đức Thọ - 24/09/2023 17:20
 
Start-up thành công là khi sở hữu sản phẩm tốt, đi kèm chiến lược truyền thông hiệu quả. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung xây dựng sản phẩm, các nhà sáng lập cần lên kế hoạch truyền thông phù hợp với tình hình start-up ở từng giai đoạn.

Nhiều nhà sáng lập nghĩ rằng, start-up chỉ cần tập trung làm tốt sản phẩm, theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” là khách hàng sẽ tự động tìm đến. Tuy nhiên, suy nghĩ này chỉ đúng với giai đoạn trước kia, khi chưa có sự phát triển mạnh mẽ của Internet. Trong thời đại Internet bùng nổ như hiện nay, việc xem nhẹ hoạt động truyền thông có thể khiến doanh nghiệp đánh mất cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng vào tay đối thủ, từ đó khó trụ vững trong tương lai.

Theo các chuyên gia, truyền thông được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, như truyền miệng, quảng cáo qua các kênh truyền thống, trên mạng xã hội hoặc qua việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trên Internet. Trong đó, có những hình thức miễn phí và có những hình thức cần đầu tư chi phí. Bài toán đặt ra cho người đứng đầu start-up là tùy vào từng thời điểm để lựa chọn kênh truyền thông và nguồn lực phù hợp.

Ví dụ, ở giai đoạn mới thử nghiệm sản phẩm/dịch vụ, nếu start-up đầu tư vào các kênh truyền thông trả phí thì hiệu quả mang về sẽ không cao. Điều quan trọng lúc này là, start-up phải định vị được sản phẩm, xây dựng nét đặc trưng của sản phẩm, phải có thông điệp truyền tải tới khách hàng cũng như những trải nghiệm riêng biệt của chính người sáng lập trên con đường kiến tạo doanh nghiệp.

Sau khi có được những nội dung điểm nhấn, start-up nên tự triển khai trên các kênh truyền thông miễn phí của chính mình, như kênh Facebook của doanh nghiệp, nhóm Facebook, kênh YouTube, website... Các kênh này hiệu quả ban đầu chưa cao, nhưng ưu điểm là phù hợp với nguồn kinh phí eo hẹp của start-up. Ngoài ra, cùng với thời gian, việc “tích tiểu thành đại” sẽ biến những kênh này trở thành một công cụ quan trọng để start-up kết nối, truyền đạt thông tin tới khách hàng.

Đến giai đoạn tiếp theo, khi đã xây dựng hoàn thiện sản phẩm và có được lượng khách hàng ban đầu, start-up nên tính đến kênh truyền thông lan truyền, thông qua các quỹ khởi nghiệp, chương trình giải thưởng kết nối, các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm… Điểm chung của kênh này là tính lan tỏa cao, dễ thu hút sự quan tâm từ cộng đồng, mà đa phần đều miễn phí hoặc chỉ cần nguồn ngân sách rất thấp.

Cuối cùng, khi doanh nghiệp phát triển hơn, quy mô thị trường kỳ vọng lớn hơn, doanh nghiệp muốn mở rộng độ phủ, thì sẽ phải đẩy mạnh ngân sách truyền thông. Giai đoạn này, start-up đã có doanh thu, dòng tiền, nên hoạt động truyền thông cũng thoải mái hơn vì có ngân sách. Tuy nhiên, mỗi kênh truyền thông lại có một mức chi phí riêng, cũng như nhóm khách hàng riêng, đòi hỏi start-up cần tính toán kỹ để lựa chọn phù hợp.

“Như vậy, không chỉ làm tốt về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, start-up cũng cần có công cụ, phương tiện, không thể không chi tiền quảng cáo để lan tỏa hình ảnh sản phẩm, thương hiệu. Doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang dài hơi”, bà Lê Mai Anh, Giám đốc quốc gia PR Newswire Việt Nam nhận xét.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhấn mạnh, hoạt động truyền thông cần được thực hiện đúng thời điểm và đúng tần suất. Truyền thông quá sớm cho một sản phẩm chưa hoàn thiện có thể là “con dao hai lưỡi”, khiến sản phẩm bị tẩy chay nhanh hơn. Hay tần suất truyền thông quá dày đặc và phô trương dễ khiến người dùng ác cảm với sản phẩm, trong khi khách hàng Á Đông vẫn chuộng phương thức truyền thông tinh tế với tần suất vừa đủ.

Nghịch lý ươm mầm start-up
Giai đoạn ươm mầm dự án trước khi lập start-up có vai trò rất quan trọng, song chính sách của Nhà nước và đầu tư tư nhân đều chưa “chạm”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư