Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Công thức 3T sau khi start-up nhận vốn đầu tư
Đức Thọ - 07/09/2023 07:40
 
Với start-up, huy động thành công vốn đầu tư để tiếp tục phát triển là một phần vô cùng quan trọng. Nhưng chi tiêu nguồn vốn đó thế nào cho hiệu quả cũng là vấn đề quan trọng không kém.

Doanh nhân Joe Procopio, cố vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp chia sẻ trên Inc. rằng, một trong những lý do căn bản khiến các nhà đầu tư từ chối rót vốn vào start-up chính là việc thiếu kế hoạch triển khai hiệu quả nguồn vốn trong trường hợp đã gọi thành công.

Từ đó, vị doanh nhân đưa ra công thức 3T cho các nhà sáng lập, để họ có thể xây dựng kế hoạch sử dụng vốn một cách hiệu quả, giúp tăng khả năng tìm kiểm nguồn tài trợ trong bối cảnh thị trường đang thắt chặt như hiện nay.

Chữ T thứ nhất là Time (thời gian). Theo Joe Procopio, mỗi nhà sáng lập cần ước lượng xem khoản tiền đầu tư dự kiến được chi dùng trong bao lâu, hay nói cách khác là “bạn có thể để cửa mở trong bao lâu”. Công thức ông đưa ra khá đơn giản: Dùng lượng tiền mặt trong tay cộng với doanh thu dự kiến, sau đó trừ đi chi tiêu. Công thức này được tính theo từng tháng, cho đến khi nguồn vốn đầu tư về 0.

Kinh nghiệm từ bản thân vị cố vấn cho thấy, mỗi start-up cần xây dựng cho mình 3 kịch bản, gồm kịch bản tốt nhất, kịch bản xấu nhất và kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất. Trong đó, kịch bản xấu nhất và kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất sẽ dùng để công bố ra bên ngoài, còn kịch bản tốt nhất, dùng làm mục tiêu phấn đấu chung cho nội bộ công ty.

Chữ T thứ hai là Talent (Tài năng). Trong hầu hết các vòng gọi vốn mà Joe Procopio tự mình trải qua hoặc tham gia hỗ trợ start-up, nhân sự tài năng là đích đến đầu tiên của dòng tiền mới, bởi người tài giúp start-up đạt được những mục tiêu cao hơn một cách nhanh chóng hơn.

Thông thường, dòng tiền mới được phân bổ vào 3 nhóm tài năng cụ thể. Nhóm đầu tiên là nhân tài start-up cần ngay lập tức để lấp đầy những khoảng trống kỹ năng trong công ty và gia tăng sản lượng. Nhóm thứ hai là nhân sự trong mảng bán hàng, tiếp thị, vận hành, hỗ trợ…, với mục tiêu tận dụng sản lượng tăng lên của nhóm thứ nhất. Nhóm cuối cùng là nhóm cần tuyển thêm nếu mọi chuyện đều suôn sẻ, nhằm tăng gấp đôi nguồn lực để nhóm đầu tiên thực hiện công việc của họ một cách trơn tru và vòng tròn tuyển dụng này tiếp tục hoạt động.

Chữ T thứ ba là Technology (công nghệ). Ngày nay, công nghệ là một thành phần quan trọng của bất kỳ start-up nào, cho dù hoạt động kinh doanh của start-up đó có lấy công nghệ làm trung tâm hay không. Nhà sáng lập có thể lựa chọn tự mình xây dựng hoặc đi mua lại công nghệ từ bên khác.

Với hầu hết nhà sáng lập của các start-up công nghệ, Joe Procopio cho biết, họ có xu hướng phân bổ 100% khoản chi trong hạng mục công nghệ để tự mình sáng tạo. Tuy nhiên, vị chuyên gia khuyên rằng, tỷ lệ hợp lý nên ở mức 60/40, trong đó 60% ngân sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo, 40% còn lại để cập nhật, nâng cấp kiến thức, kỹ năng đặc biệt trong các lĩnh vực không phải chuyên môn chủ đạo của đội ngũ nhân sự công nghệ.

“Rất nhiều công ty khởi nghiệp theo đuổi hoạt động gọi vốn như cách những chú chó chạy đuổi theo ô tô - không biết sẽ làm gì sau khi đuổi kịp”, doanh nhân Joe Procopio ví von. “Nếu start-up của bạn chuẩn bị gọi một vòng vốn mới, hoặc thậm chí bạn chỉ đang nghĩ đến chuyện gọi vốn, hãy luôn tư duy rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn về cách sử dụng số tiền đó để thúc đẩy mô hình kinh doan tiến lên”, ông Joe Procopio nói.        

Cơ hội bứt tốc cho các start-up thông qua giải quyết thách thức của Vingroup, Momo, FPT
Các sản phẩm, giải pháp xuất sắc tham gia “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023" sẽ có cơ hội được các tập đoàn lớn hỗ trợ phát triển và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư