Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Khi thể chế được “lo xa”
Nguyễn Lê - 04/05/2022 08:15
 
Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý không chỉ đòi hỏi sự "lo xa" của riêng cơ quan lập pháp, mà của cả các chủ thể trình luật.
Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022. Ảnh: Duy Linh

Linh hoạt, nhưng không dễ dãi

Tại Kỳ họp thứ ba (khai mạc ngày 23/5/2022 tới), Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, quyết định một đề án rất đặc biệt, theo cách gọi của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022. Đặc biệt ở chỗ, tại các kỳ họp Quốc hội, các đề án, dự án thường do Chính phủ trình, còn dự kiến chương trình này lại do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.

Theo quy định, có rất nhiều chủ thể được trình luật, như Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể thành viên của Mặt trận và cả cá nhân đại biểu Quốc hội.

Những năm trước, đều có một số trong các chủ thể trên đề xuất dự án luật, có cả sáng kiến lập pháp của cá nhân đại biểu Quốc hội cũng đã được đưa vào chương trình chính thức.

Nhưng năm nay, mặc dù Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đôn đốc, hướng dẫn từ sớm, nhưng không có cơ quan nào trình, ngoài Chính phủ. Mà Chính phủ trình tới 6 lần, với tổng số tài liệu là 8.348 trang, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết trong phiên họp tháng 4 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều lần và 8.348 trang tài liệu, điều đó phần nào cho thấy sự vất vả của việc hoàn thiện thể chế, dù mới chỉ ở khâu chuẩn bị. Đành rằng, bấm nút thông qua các đạo luật là các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội), nhưng con đường từ khi đề xuất được chấp nhận cho đến các bước sơ thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra... rồi được đồng ý đưa vào chương trình chính thức để trình Quốc hội không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nếu không muốn nói là đầy chông gai.

Đơn cử, cuối tháng 3/2022, Chính phủ đề nghị bổ sung 3 dự án luật: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).

Như vậy, có thể thấy, đây đều là những đạo luật rất cần được ban hành sớm, theo quan điểm của Chính phủ. Nhưng đề nghị này lại không dễ dàng nhận được cái gật đầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi khi xin ý kiến tại Quốc hội khoá XIV, đa số đại biểu chưa đồng ý với sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, cũng như không đồng ý việc tách Luật Giao thông đường bộ và không đồng ý việc chuyển giao thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe khi tách luật.

Vì thế, khi ban hành kết luận dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh năm 2022 cuối tháng 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội khóa XIV về 3 dự án luật nói trên, đồng thời, chỉ đạo chuẩn bị báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về các dự án luật này.

Sau khi có ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng 3 luật trên để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2022 (nếu kịp) để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.

Không hề dễ dàng, nhưng cũng cần phải nói rằng, trong kết luận này đã có sự "linh hoạt". Bởi theo quy định của pháp luật, đối với dự án luật, phải gửi đến các đại biểu Quốc hội trước khi kỳ họp khai mạc 20 ngày (trước ngày 3/5/2022), mà dự kiến ngày 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới bắt đầu phiên họp thứ 11 để quyết định có trình Quốc hội 3 dự án luật nói trên hay không.

Chưa kể, hiếm có năm nào, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đến 17 nội dung trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như năm nay. Nhiều nội dung trong đó cũng đã được chấp nhận trình Quốc hội nhờ sự vào cuộc từ sớm, từ xa của lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Bịt lỗ hổng "nhức nhối"

Không thể phủ nhận nỗ lực tạo dựng, hoàn thiện thể chế của cả cơ quan hành pháp và lập pháp trong những năm qua. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một chủ trương lớn của Đảng, tiếp tục được đề cập rõ hơn tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong các chương trình kế hoạch hành động của Chính phủ, vấn đề này cũng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành.

Những lĩnh vực cần được ưu tiên hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, như đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, chứng khoán...

Nhưng, không ít lần, mỗi khi thông tin khởi tố cán bộ có vi phạm trong quản lý, những vụ án có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi được công bố, thì câu hỏi liệu có bao nhiêu phần trăm do lỗ hổng thể chế lại được đặt ra.

Số liệu từ cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 27/4 vừa qua cho thấy, chỉ 4 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ với 2.038 bị can, truy tố 742 vụ với 1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ với 1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó, khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng), trong đó có 8 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, không để bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh những lĩnh vực cần được ưu tiên hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, như đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Đây đều là những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm khi dự kiến chương trình xây dựng luật, chương trình giám sát, báo cáo kết quả thực hảnh tiết kiệm, chống lãng phí được đặt lên bàn nghị sự trong phiên họp gần nhất.

Nhìn vào Chương trình Xây dựng luật năm 2022, thì sự sốt ruột cao độ nhất có lẽ nằm ở tiến độ sửa Luật Đất đai - một đạo luật chứa đựng sự bất cập là nguyên nhân của đa số các khiếu kiện phức tạp và cả tình trạng mất cán bộ ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều giai đoạn.

Dù phải quyết định lùi (lần thứ tư) thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ ba sang Kỳ họp thứ tư, song đạo luật này vẫn được dự kiến thông qua theo quy trình 3 kỳ họp (thông thường là 2 kỳ, quy trình rút gọn là 1 kỳ). Và đây lại là một sự "lo xa" cần thiết.

Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đều đã được bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2022.

Với năm 2023, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm và thông qua tại kỳ họp thứ sáu, ngoài Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), còn có Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Danh mục này cho thấy, xây dựng luật pháp để phát triển, hội nhập, giải phóng nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh vẫn đang là ưu tiên trong công tác lập pháp.

Nhìn tổng thể, Quốc hội khoá XV là nhiệm kỳ đầu tiên có Đề án về định hướng chương trình xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Theo đề án này, sau khi trình Quốc hội dự kiến Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 còn 97/137 nhiệm vụ lập pháp cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu trong thời gian tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Như thế, phần lớn công việc hoàn thiện thể chế của nhiệm kỳ này vẫn còn ở phía trước. Và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác hoàn thiện thể chế, cho ý kiến kỹ lưỡng, thấu đáo những vấn đề quan trọng hoặc những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Quốc hội và Chính phủ đều có nhiệm kỳ, nhưng các đạo luật lại không được chứa "tư duy nhiệm kỳ". Bởi vậy, thể chế cần được "lo xa", không chỉ với riêng cơ quan lập pháp.

Ưu tiên dự án luật khơi thông nguồn lực cho phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, một trong những ưu tiên của Chính phủ là đề xuất vào Chương trình các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng xác định ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách cấp thiết nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19. Chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một số đề xuất đáng chú ý trong các dự án luật mới được bổ sung

Chính phủ sẽ không trực tiếp định giá bất cứ mặt hàng nào

Một trong những định hướng đáng chú ý khi sửa Luật Giá, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, là sẽ điều chỉnh các hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền Chính phủ sang cho Thủ tướng hoặc cấp bộ. Theo đó, Chính phủ sẽ không trực tiếp định giá bất cứ mặt hàng nào và chỉ đóng vai trò ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Luật, thực hiện phân công, phân cấp trong quản lý giá. Thủ tướng Chính phủ chỉ thực hiện định giá đối với rất ít hàng hóa, dịch vụ có tính chất đặc biệt quan trọng (như khung giá đất) và đẩy mạnh phân công, phân cấp việc định giá cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Tăng tính minh bạch trong chỉ định thầu

Với Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 22 về chỉ định thầu theo hướng quy định cụ thể các điều kiện, thẩm quyền quyết định, trách nhiệm của người quyết định chỉ định thầu, người phê duyệt hồ sơ yêu cầu, người ký kết hợp đồng nhằm bảo đảm áp dụng hình thức này có hiệu quả, hạn chế tiêu cực, đồng thời tránh lạm dụng để áp dụng tràn lan dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh, công bằng, hiệu quả trong đấu thầu.

Điều 26, Luật Đấu thầu cũng dự kiến được sửa theo hướng quy định về nguyên tắc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, thẩm quyền quyết định áp dụng và trình tự, thủ tục thực hiện.

Điều 44 về mua sắm tập trung được sửa đổi theo hướng cho phép áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác (ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi) để tận dụng lợi thế về mua sắm với quy mô lớn, số lượng nhiều.

Ngoài ra, các điều 28, 29, 30 và 31 về phương thức lựa chọn nhà thầu được đề xuất sửa đổi theo hướng quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện áp dụng, quy trình chung đối với từng phương thức, đặc biệt là bổ sung quy định không áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ tràn lan như hiện nay.

Không phân biệt PEPs trong nước và nước ngoài

Hoàn thiện các quy định về các biện pháp phòng ngừa áp dụng đối với đối tượng báo cáo và cơ quan có thẩm quyền là một trong nhiều chính sách được đề xuất sửa đổi tại Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Mục tiêu nhằm báo cáo và ngăn chặn kịp thời các giao dịch liên quan đến rửa tiền và các tội phạm tiền thân của tội rửa tiền; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa rửa tiền. Trong các giải pháp thực hiện chính sách này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) trong nước theo hướng các đối tượng là PEPs trong nước và nước ngoài, về bản chất, có định nghĩa giống nhau. Do đó, quy định về PEPs tại Dự thảo Luật sẽ không phân biệt PEPs trong nước và nước ngoài.
Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế: Gói hỗ trợ mạnh nhất là cải cách thể chế
Nguồn lực ngân sách trực tiếp dành cho các gói hỗ trợ doanh nghiệp có thể không nhiều như kỳ vọng, doanh nghiệp đang trông vào các giải pháp hỗ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư