Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khiếu nại, tố cáo về đất đai đang dịu đi
Hàn Tín - 20/08/2013 21:33
 
Là thành viên Chính phủ duy nhất chịu trách nhiệm “chia lửa” với người đồng cấp trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều nay, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: “Kể từ đầu tháng 8 trở lại đây, tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai đang dịu đi và có dấu hiệu giảm dần”.
TIN LIÊN QUAN

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), tại miền Bắc, năm 2011, Bộ TNMT nhận được hơn 1.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, năm 2012 nhận được gần 1.200 đơn thư, 6 tháng đầu năm 2013 nhận được gần 600 đơn thư.

   
  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang  

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, năm 2011 có trên 820 đơn thư gửi tới Bộ TNMT khiếu nại, tố cáo về đất đai; năm 2012 là trên 940 đơn thư và 6 tháng đầu năm 2013 là gần 540 đơn thư.

Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm 65-70% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo; hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đều liên quan đến đất đai.

Vì vậy, thông tin ông Tranh đưa ra vào chiều nay nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị.

Thực hiện chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang, Đại biểu Quốc hội Trương Thị Thu Trang và Nguyễn Thị Hồng Thoại nêu ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến khiếu nại, tố cáo về đất đai. Bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến bộ phận người dân đi khiếu nại, tố cáo, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại nhiều địa phương trên cả nước.

“Có thể khẳng định, tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vô cùng phức tạp, gây bức xúc cho một bộ phận người dân ngay cả với những vụ việc đã được Tòa án giải quyết”, bà Thoại phát biểu.

Để phát sinh tình trạng này, theo ông Quang là do chính sách pháp luật về đất đai và nhà ở thường xuyên thay đổi, phần lớn người khiếu nại, tố cáo luôn luôn có suy nghĩ mình bị thiệt thòi nên rất gay gắt. Trong khi đó, có những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm nhưng khi thụ lý đơn thư có địa phương còn lúng túng, sợ trách nhiệm.

Thậm chí, có địa phương khi giải quyết khiếu nại, tố cáo lại dựa vào lý do hết thời hiệu để không xem xét, giải quyết; giải quyết hết thẩm quyền nên không xem xét nữa cho dù công dân cung cấp thêm thông tin, tài liệu, khiến tình trạng khiếu nại, tố cáo vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp.

“Kinh nghiệm cho thấy, nếu các cấp chính quyền “vô cảm” với người khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết chỉ để hết trách nhiệm thì tình trạng này không bao giờ chấm dứt”, ông Quang nhận định.

Theo ông Quang, với cách xử lý “vô cảm” của một số địa phương khiến tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, gay gắt, phức tạp có thời điểm tăng rất cao (từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2012). Trong đó, nhiều vụ đã được các cấp chính quyền giải quyết nhiều lần, với nhiều biện pháp khác nhau nhưng không dứt điểm, có vụ việc đã dứt điểm nhiều năm lại tái khiếu nại, nhất là vụ việc liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

   
  Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh  

Từ thực tế xử lý 528 vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai phức tạp, kéo dài từ tháng 6/2012 đến nay, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là có nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm, có những vụ việc kéo dài trên 30 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều lần, nhiều ngành giải quyết nhưng không xử lý dứt điểm.

Ngoài nguyên nhân chính sách thay đổi, còn có nguyên nhân nữa là nhiều người đứng ra tổ chức hoặc tham gia khiếu nại, tố cáo có hoàn cảnh hết sức khó khăn khi bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng

“Trước thực tế này, tháng 6/2012, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ TNMT thành lập 28 tổ công tác tiến hành rà soát, phân loại vụ việc, phân loại thẩm quyền giải quyết và thực hiện các phương hướng giải quyết. Trong đó, coi trọng việc tổ chức đối thoại với người dân trong từng vụ việc cụ thể và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải quyết”, ông Tranh cho biết.

Kết quả là, đến cuối tháng 6/2013, đã giải quyết được 465 vụ. Trong số 63 vụ còn tồn đọng thì có 33 vụ rất phức tạp thuộc thẩm quyền của địa phương; 30 vụ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Để xử lý được 465/528 vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai, phức tạp, kéo dài, theo ông Tranh, quan trọng nhất là phải trả đúng quyền lợi cho người dân; hỗ trợ cho những người quá khó khăn khi bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng với số tiền 1.388 tỷ đồng, 34 ha đất và 24 nhà tái định cư.

Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang hy vọng, trong 6 tháng cuối năm 2013, tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai có khả năng không phát sinh do... suy thoái kinh tế nên việc thu hồi đất thực hiện dự án không nhiều, thì Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tin rằng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quá trình giải quyết thì tình trạng này sẽ giảm hẳn.

“Đơn thư khiếu nại, tố cáo nói chung sai chiếm tới 60%, do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, cộng với việc bị xúi giục, lôi kéo của một số phần tử cơ hội. Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ, đền bù; các cấp chính quyền địa phương nâng cao ý thức trong việc tổ chức xử lý vụ việc thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến đất đai, khiếu nại, tố cáo”.

Theo ông Tranh, nếu giảm được số vụ khiếu nại, tố cáo sai xuống còn 10-15% thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì số vụ việc, lượng người tham gia khiếu nại, tố cáo sẽ giảm rất mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư