Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Khó có phương án tối ưu để giảm rút bảo hiểm xã hội một lần
Nguyễn Lê - 17/08/2023 14:47
 
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án tốt hơn giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
.
Phiên họp sáng 17/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong hai phương án được đề xuất nhằm giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội  (BHXH) một lần Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận “thực sự chưa thấy có phương án tối ưu”.

Sáng 17/8, giải trình làm rõ ý kiến đóng góp tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật BHXH sửa đổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm.

“Trong Bộ luật Lao động, nhạy cảm nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, còn ở luật này, rút BHXH một lần là nội dung nhạy cảm nhất. Nếu làm không tốt về tư tưởng, vận động, thuyết phục và có phương án phù hợp, rất dễ xảy ra những điều có thể không hình dung hết”, Bộ trưởng Dung nhìn nhận.

Trưởng ban soạn thảo dự án luật cho biết, ban đầu tính 3 phương án khác nhau cho việc này, nhưng khi ra thảo luận ở Chính phủ gom lại 2 phương án.

“Tinh thần là làm sao hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước với việc giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động, không tạo ra sốc cho người lao động, nhất là đối với người lao động  khó khăn”, Bộ trưởng Dung nêu.

Theo Bộ trưởng thì 72% người rút BHXH một lần ở khu vực phía Nam và miền Trung, tuyệt đại bộ phận rút là công nhân. Theo đó, cần nhìn vào thực tế này để thấy nguyên nhân của rút BHXH một lần là do khó khăn, từ đó phải tính toán để tìm giải pháp.

Trong 2 phương án tại dự thảo, Bộ trưởng Dung thừa nhận “thực sự chưa thấy có phương án tối ưu”, nhưng ít ra cũng có một phương án tạm thời chấp nhận đươc. “Nếu đúng tinh thần nghị quyết 28, ta phải chọn phương án 2. Phương án này cũng hài hòa với người đã, đang tham gia với người tương lai sẽ tham gia đóng BHXH”, ông Dung nói. Song Bộ trường cũng chú thích thêm phương án 2 lại có một điều sau khi luật này có hiệu lực vẫn tiếp tục được rút thì cũng không trọn vẹn lắm.

Vì vậy, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.

“Ban soạn thảo vừa qua ngồi với rất nhiều cơ quan, tính toán có thể thay hình thức rút BHXH một lần này bằng cơ chế khác để người lao động không phải rút. Ví dụ giải pháp về tín dụng, chúng tôi đã làm việc với ngân hàng rồi cũng chưa đến tận cùng vấn đề”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng cho rằng phương án 2 thì hài hòa hơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý nghiên cứu tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án.

Theo đó, đối với những người tham gia sau khi luật này có hiệu lực thì không được rút bảo hiểm một lần, khi đang trong độ tuổi lao động. Đối với người tham gia trước khi luật có hiệu lực thì vẫn được rút, nhưng rút phần mình đã đóng, phần tích lũy vẫn lưu lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội. Như vậy người lao động vừa giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống để quay trở lại đóng thì vẫn tham gia được mạng lưới an sinh.

Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu, bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là một thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ mà ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế của xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt, để họ đảm bảo duy trì cuộc sống. Như, có thể tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về việc làm, dạy nghề cũng như chuyển đổi nghề nghiệp....

Hai phương án quy định hưởng BHXH một lần

Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:

Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".

 

Rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động mất nhiều quyền lợi
Khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư