Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 07 năm 2024,
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành thép
Hải Yến - 14/07/2024 08:22
 
Là ngành công nghiệp cơ bản của mỗi quốc gia, chịu cạnh tranh cao trong thương mại quốc tế, nên mặt hàng thép bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ, khi thép xuất khẩu “dính” hơn 70 vụ việc PVTM.

Tâm điểm của điều tra phòng vệ thương mại

Ngành sản xuất thép của Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây. Nếu năng lực sản xuất những năm 90 của thế kỷ trước chỉ khoảng 200.000 - 300.000 tấn thép/năm, thì nay đã tăng lên 20 triệu tấn thép thô/năm, thép thành phẩm 28 triệu tấn/năm, đứng thứ 12 trên thế giới, dẫn đầu khu vực ASEAN.

Các doanh nghiệp thép trong nước đã sản xuất được hầu hết sản phẩm phục vụ nhu cầu cơ bản của nền kinh tế, thậm chí một số sản phẩm công suất vượt nhu cầu. Ngành thép đã đảm bảo cung ứng cho tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, hoàn thiện chuỗi giá trị từ khâu đầu đến khâu cuối, từ thượng nguồn đến hạ nguồn.

Tuy nhiên, ngành sản xuất này đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản, dẫn đến nhu cầu giảm, chi phí sản xuất cao, tồn kho gia tăng, cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu đổ bộ. Theo số liệu hải quan, năm 2023, nhập khẩu thép đạt 13,3 triệu tấn, trị giá trên 10,4 tỷ USD, tăng 14,1% về lượng so với năm 2022.

Sản xuất thép gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản, dẫn đến nhu cầu giảm. Chưa kể tiêu chuẩn xanh hóa sản xuất đòi hỏi nguồn đầu tư lớn.

Ở kênh xuất khẩu, thép Việt đang “oằn mình” vì các vụ PVTM, gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ mà các thị trường nhập khẩu dựng lên.

Cục Phòng vệ thương mại và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ từ 24 thị trường, trong đó ngành thép có hơn 70 vụ việc.

Lý giải về việc thép là “tâm điểm”, chiếm 30% tổng số các vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Hội nhập mang lại cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu, nhưng cũng phải đối phó với nhiều vụ kiện PVTM, trong đó thép là ngành bị kiện nhiều nhất.

“Thế giới sử dụng công cụ phòng vệ với thép từ rất sớm, chẳng hạn Hoa Kỳ áp dụng từ những năm 30-40 của thế kỷ trước. Chỉ xét trong WTO, giai đoạn 1995 - 2023, có tới 2.123 vụ kiện chống bán phá giá với thép, chưa kể các vụ tự vệ, chống trợ cấp, chiếm 32% tổng số vụ việc PVTM trong toàn bộ thành viên WTO. Thép Việt Nam cũng không ngoại lệ”, bà Trang dẫn chứng.

Xuất khẩu thêm khó vì tiêu chuẩn xanh

Năng lực sản xuất lớn, một số sản phẩm đã vượt quá cầu tiêu dùng trong nước, nên xuất khẩu là kênh tiêu thụ chính của các doanh nghiệp thép. Nhưng cùng với khó khăn về PVTM, với các biện pháp áp thuế chống bán phá giá, ngành thép còn đối mặt với thách thức về tiêu chuẩn xanh từ một số thị trường, đặc biệt là châu Âu.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thép là ngành gây ô nhiễm, phát thải lớn, phải xanh hóa sản xuất để giảm phát thải. Yêu cầu này không chỉ các thị trường quốc tế đặt ra, mà trong nước cũng tương tự.

Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) thực hiện thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, 27 nước thành viên EU yêu cầu báo cáo phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất với 6 mặt hàng, trong đó có sắt thép xuất khẩu sang thị trường này.

Bắt đầu từ năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ bị tính thuế carbon, nếu lượng khí thải trong sản xuất thép vượt quá tiêu chuẩn của EU. Mức thuế carbon được tính dựa trên báo cáo khí thải cụ thể.

EU là thị trường đứng thứ 2 về xuất khẩu thép của Việt Nam (chiếm 18,37% kim ngạch), chỉ sau ASEAN. Năm ngoái, xuất khẩu thép sang EU đạt 2,55 triệu tấn, trị giá 1,89 tỷ USD, tăng 86,2% về lượng và 29% về giá trị. Bởi thế, nếu không chuyển đổi sang sản xuất xanh hơn để cắt giảm phát thải, đáp ứng yêu cầu của EU, các nhà xuất khẩu trong nước sẽ phải chịu thuế carbon cao, gây suy giảm cạnh tranh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp dù đã nhận thức phải sản xuất xanh hơn, nhưng để chuyển đổi công nghệ sản xuất, thay đổi các yếu tố đầu vào lại bị vướng nhiều rào cản.

Phó chủ tịch VSA, ông Phạm Công Thảo cho hay, để chuyển đổi sản xuất xanh, ngành thép cần được hỗ trợ, chỉ riêng ngành sẽ không làm nổi.

Đơn cử, muốn xanh hóa sản xuất, thì từ đầu vào đều phải xanh, chẳng hạn năng lượng xanh (cắt giảm năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch), nguyên liệu đầu vào cũng vậy.

Đặc thù của sản xuất thép là gây phát thải lớn. Theo Hiệp hội Thép thế giới, ngành thép phát thải 79% lượng CO2 ra môi trường.

“Việt Nam đặt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nghe có vẻ dài, nhưng với ngành thép không dài vì áp lực chuyển đổi xanh rất lớn, yêu cầu nguồn vốn lớn, vì vậy cần được Nhà nước hỗ trợ vốn, ưu đãi đầu tư, giảm lãi suất”, ông Thảo nói.

Chuyển đổi xanh tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp thép, song đây cũng là cơ hội trong bối cảnh cả thế giới đề cao yêu cầu về sản xuất xanh hơn. Dù khó, nhưng ngành thép phải chuyển đổi để hướng tới kinh tế tuần hoàn, bền vững, nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cổ phiếu ngành thép chịu áp lực xả hàng
Hai cổ phiếu đầu ngành thép là HSG và HPG lần lượt giảm 3% và 1,2% trong phiên đầu tuần, đồng thời chia nhau vị trí đầu bảng thanh khoản.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư