Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra đang thách thức doanh nghiệp
Minh Nhung - 11/08/2022 08:19
 
Nền kinh tế trên đà hồi phục, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng năm 2022 tăng kỷ lục. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đứng trước nhiều khó khăn ở cả đầu vào lẫn đầu ra.

Doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục

Trong 7 tháng của năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay khi vượt qua mốc 89.000 doanh nghiệp, tăng 17,9% (tăng 13.574 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021). Con số này phần nào thể hiện sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau khi cơ bản khống chế được đại dịch và là tín hiệu khả quan cho tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên do hai nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất, dù đã bị “bào mòn” sức lực sau hơn 2 năm đại dịch, nhưng tinh thần, ý chí khởi nghiệp - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp rất cao.

Thứ hai, chiến lược phòng, chống Covid-19 thay đổi, môi trường đầu tư - kinh doanh tiếp tục được cải thiện và chính sách hỗ trợ tài khóa - tiền tệ của Nhà nước cộng hưởng tác động, giúp doanh nghiệp trở lại hoạt động và từng bước tăng tốc.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 7 tháng của năm nay là 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7%, (tăng 14.708 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2021. Những ngành có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất là thương mại (37%); xây dựng (12,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (34,6%).

Tăng trưởng so với cùng kỳ đạt được ở 17/17 ngành, trong đó, những ngành tăng nhiều nhất là thương nghiệp (6.003 doanh nghiệp); công nghiệp chế biến, chế tạo (1.265 doanh nghiệp); dịch vụ ăn uống (913 doanh nghiệp); kinh doanh bất động sản (605 doanh nghiệp)...

Tính chung, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường trong 7 tháng qua đạt số lượng lớn (133.708 doanh nghiệp), tăng trưởng cao (26,8%, tăng 28.282 doanh nghiệp).

Ở chiều ngược lại, 7 tháng đầu năm, có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp giải thể giảm 9% (giảm 1.024 doanh nghiệp), số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 0,6% (tăng 168 doanh nghiệp) so với cùng kỳ 2021.

Như vậy, số doanh nghiệp đang hoạt động tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 39.139 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đang hoạt động tính đến cuối tháng 7/2022 đạt trên 890.800 doanh nghiệp, dự báo cả năm sẽ vượt 920.000 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp - doanh nhân là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế - xã hội. Việc doanh nghiệp gia nhập hay rời khỏi thị trường có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và việc làm. Những kết quả tích cực về doanh nghiệp đã góp phần giúp tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 cap gấp hơn 2 lần tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm 2020, 2021 (6,42% so với 2,04% và 5,74%). Đây là tiền đề để tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt và có thể vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%).

Nhiều khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra

Bên cạnh những điểm sáng, bức tranh về doanh nghiệp cũng còn gam màu trầm. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh còn lớn, chủ yếu tập trung ở ngành thương mại; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú, ăn uống; kinh doanh bất động sản; giáo dục - đào tạo...

Trong khi đó, những doanh nghiệp đang hoạt động cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra.

Dù đã bị “bào mòn” sức lực sau hơn 2 năm đại dịch, nhưng tinh thần, ý chí khởi nghiệp - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp rất cao.

Ở đầu vào, khó khăn lớn là thiếu vốn hoạt động; chi phí sản xuất tăng cao; số lượng lao động trở lại hoạt động ở các địa bàn trung tâm, các khu công nghiệp, các đô thị lớn vẫn chưa được như trước đại dịch. Vốn thiếu có nguyên nhân từ nợ xấu, nợ “dây chuyền” (từ ngân hàng, chứng khoán…) do hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp không cao, tỷ suất lợi nhuận bình quân chung thấp xa so với lãi suất vay ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh. Giá nhập khẩu bình quân tăng rất cao, 6 tháng đầu năm tăng 11,21% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn chỉ số giá xuất khẩu. Giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất cao gấp đôi Chỉ số Giá tiêu dùng (quý II tăng 6,38%, 6 tháng tăng 6,04%).

Giá vận tải, kho bãi quý II tăng 8,17%, 6 tháng tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dịch vụ vận tải đường thủy tăng 12,91%; riêng dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng 14,28%; dịch vụ vận tải đường hàng không tăng tới 18,32%.

Rủi ro tỷ giá tác động đến doanh nghiệp về hai mặt. Một mặt, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu tăng kép (vừa tăng khi tính bằng USD, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng). Mặt khác, đối với những doanh nghiệp vay ngoại tệ, khi tỷ giá VND/USD tăng, thì chi phí trả nợ bằng VND sẽ tăng theo.

Ở đầu ra, tuy xuất khẩu hàng hóa 7 tháng qua tiếp tục tăng khá (16,1%), nhưng đã chậm lại so với 6 tháng đầu năm (17,3%); dự báo cả năm chỉ tăng khoảng 10,3%.

Về tiêu dùng, tuy tốc độ tăng khá cao, nhưng một phần do gốc so sánh cùng kỳ năm trước ở mức rất thấp. Tâm lý “thắt lưng buộc bụng” xuất hiện trong đại dịch, nay tuy đã được nới lỏng hơn, nhưng đại bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, có xu hướng chỉ chi tiêu cho các hoạt động thiết yếu.

Theo đó, để đạt được kỳ vọng tăng trưởng, các doanh nghiệp cần có những giải pháp quyết liệt để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động.

500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam: Tăng trưởng vẫn dựa vào quy mô hơn là năng suất
Danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE 500) vừa được công bố cho thấy bức tranh tổng quan về quy mô, hoạt động của các doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư