Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khó khăn vẫn rình rập dù xuất khẩu tăng
Hồng Sơn - 25/07/2016 21:15
 
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 82,13 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành hàng chủ lực vẫn có sự tăng trưởng, cụ thể: Nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 13,63 tỷ USD, tăng 4,1%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỷ USD, tăng 8,7%...

Dù xuất khẩu của nước ta tăng song theo đại diện của nhiều hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp thì khó khăn vẫn rình rập nếu không nhìn thẳng vào thực tế, tiên lượng được tình hình và không có sự chủ động các giải pháp cũng như thiếu hỗ trợ kịp thời.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay tăng 4,4% so với cùng kỳ, đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp cần tháo gỡ.

.
VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng các bộ hỗ trợ tối đa, có các chính sách nhằm huy động nguồn lực để ngành cá tra vượt qua các rào cản này trong tương lai

Do đó, VASEP kiến nghị tiếp tục cải cách quy định và thủ tục hành chính. Cụ thể, sửa đổi một số quy định của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; sửa đổi thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu; sửa đổi quy định về dán nhãn sản phẩm, quy định về dán nhãn phụ trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng theo VASEP, thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ vẫn còn cao, chương trình thanh tra cá da trơn là những vấn đề rào cản cho ngành cá tra. Mặc dù các vấn đề này chỉ liên quan đến thị trường Mỹ, nhưng thực tế có tác động rất lớn đến các thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam, đặc biệt là thị trường châu Âu. Do đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng các bộ hỗ trợ tối đa, có các chính sách nhằm huy động nguồn lực để ngành cá tra vượt qua các rào cản này trong tương lai.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen cho rằng, cơ hội để doanh nghiệp Việt đầu tư cho sản xuất công nghiệp làm ra sản phẩm xuất khẩu chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Đơn cử, Tôn Hoa Sen mới đây đề xuất xây nhà máy thép công suất 15 triệu tấn tại Ninh Thuận, dự kiến sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại hiện nay nhưng giá mua chỉ bằng gần 50% so với trước đây. Theo ông Vũ, doanh nghiệp Việt đủ khả năng đầu tư sản xuất công nghiệp nhưng lo ngại nhất vẫn là vấn đề bị kiện chống phá giá.

“Tôn Hoa Sen đã vượt qua vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Austraylia nhưng sau đó lại tiếp tục bị kiện tại Thái Lan, Malaysia… và rất có thể sẽ tiếp tục bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ chỉ trong 2-3 năm tới”, ông Vũ nói và đề xuất, để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá thì các ngành chức năng, cụ thể là Bộ Công thương cần có sự chủ động. Cũng theo ông Vũ, trong đầu tư các dự án sản xuất thép, đề nghị ngành chức năng xem xét kỹ, hạn chế việc cấp phép cho các dự án chỉ sản xuất ở công đoạn cuối. “Thực tế là nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư dự án thép dạng này chỉ là để lấy xuất xứ, phục vụ cho việc xuất khẩu nhằm tránh việc bị kiện chống bán phá giá”, ông Vũ thông tin.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, để vượt qua khó khăn do thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh thì doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường. Cụ thể, đơn hàng nhập khẩu từ thị trường EU mà các doanh nghiệp thuộc Lefaso thực hiện đã giảm đến một nửa, dù một số thị trường khác có sự tăng trưởng nhưng cũng không thể đạt mức tăng trưởng bình quân 10% như các năm trước. Dự báo, trong thời gian tới, tình hình tại EU vẫn phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, nhưng đây vẫn là một trong những thị trường chính cho xuất khẩu giày, dép của Việt Nam. Do đó, để tránh rủi ro, đại diện Lefaso khuyến nghị doanh nghiệp cần mở rộng sang các thị trường nhỏ, đồng thời đầu tư cho công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng lớn đang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.

“Giai đoạn hiện nay hàm chứa rất nhiều khó khăn cả khách quan và vấn đề nội tại của nền kinh tế, nhất là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói như vậy tại hội nghị “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016” được tổ chức tại TP.HCM. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, nhiều thị trường là bạn hàng lớn cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm hoặc chậm tăng trưởng. Đáng lưu ý là nhập khẩu của khu vực Eurozone giảm 3%; Nhật Bản giảm 13,8%; tình trạng tương tự diễn ra đối với nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế mới nổi khác.

Do đó, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây là thời điểm không thể duy ý chí mà phải nhìn nhận đúng những khó khăn, vướng mắc trong công tác xuất nhập khẩu. Đồng thời, ngành chức năng cần cầu thị, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và phải có những giải pháp đủ mạnh và kịp thời.

Xuất khẩu dệt may tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm
Tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong nửa đầu năm 2016 chỉ ở mức 4,7%, đạt 12,6 tỷ USD, hoàn thành 41% so với kế hoạch cả năm và là mức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư