Thứ Hai, Ngày 19 tháng 05 năm 2025,
Khoa học công nghệ: Nền tảng đưa Petrovietnam bước vào kỷ nguyên mới
Hoàng Nam - 19/05/2025 15:30
 
Petrovietnam đã có tới 6 công trình nghiên cứu đạt giải thưởng Hồ Chí Minh; 4 công trình đạt giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ; 46 giải thưởng Vifotec cùng nhiều sáng kiến, sáng chế, giải pháp cải tiến công nghệ.

Bứt phá nhờ khoa học và công nghệ

Trải qua 50 năm hình thành và phát triển (kể từ ngày thành lập 3/9/1975), người lao động Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) từ vị trí học việc đến nay đã làm chủ các công nghệ từ thăm dò, khai thác đến chế biến, chế tạo các sản phẩm trong cả một chuỗi giá trị của Hệ sinh thái Petrovietnam. Điều này thể hiện sự nỗ lực tự nghiên cứu, sáng tạo, tự tin và tinh thần không ngừng học hỏi vươn lên của các cán bộ, kỹ sư Petrovietnam.

Hướng đến mục tiêu phát triển lên tầm cao mới, việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tại Petrovietnam đã trở thành nhu cầu tự thân. Trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn vươn mình, mỗi thành viên của Petrovietnam không ai được phép đứng ngoài cuộc. Trong đó, nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn là yêu cầu tất yếu.

Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam đã làm chủ các công nghệ từ thăm dò, khai thác đến chế biến, chế tạo các sản phẩm trong cả một chuỗi giá trị của Hệ sinh thái Petrovietnam. 

Cho đến nay, chưa một tập đoàn, doanh nghiệp hay ngành nghề nào trong nước đạt nhiều giải thưởng lớn về khoa học công nghệ như Petrovietnam, với 6 công trình nghiên cứu đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và 4 công trình đạt giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, 46 giải thưởng Vifotec và rất nhiều sáng kiến, sáng chế, giải pháp cải tiến công nghệ trải dài trong hệ sinh thái Petrovietnam từ thăm dò, khai thác dầu khí - dịch vụ dầu khí - chế biến dầu khí - công nghiệp điện hay năng lượng xanh như hiện tại.

Ấn tượng nhất có thể kể tới Công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” vào năm 2012.

Đây là công trình xuất phát từ thực tế tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu thô tại Việt Nam (khi đó chỉ có duy nhất Liên doanh Vietsovpetro là thành công thăm dò khai thác dầu thô), được đánh giá là bước ngoặt vô tiền khoáng hậu của ngành dầu khí thế giới bởi đã tìm ra dầu trong tầng đá móng nứt nẻ. Phát hiện này cũng đánh đổ hoàn toàn khái niệm dầu không có trong tầng móng của ngành khoa học dầu khí thế giới trước đó.

Kể từ khi phát hiện và bắt đầu khai thác dầu từ móng mỏ Bạch Hổ - bể Cửu Long từ ngày 6/9/1988, gần 40 năm qua, nhiều mỏ dầu trong tầng chứa móng nứt nẻ sau đó lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác hiệu quả ở Việt Nam.

Các cán bộ, kỹ sư điều hành hoạt động của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố. 

Trong giai đoạn từ năm 1988 đến năm 2012, khai thác từ tầng chứa móng nứt nẻ đã mang về trên 200 triệu tấn dầu, thu gom trên 26 tỉ m3 khí với gần 6 triệu tấn LPG và condensate. Ước tính, tổng doanh thu dầu khai thác từ tầng đá móng là trên 50 tỉ USD. Đó là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của Petrovietnam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và sự phát triển ổn định chung của nền kinh tế Việt Nam.

Trong gần 50 năm qua, Petrovietnam không chỉ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, giữ vai trò trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn tạo ra nhiều sản phẩm chế biến, hóa dầu..., đóng góp quan trọng trong sản xuất công, nông nghiệp.

Đơn cử như tại hai nhà máy đạm là Phú Mỹ và Cà Mau - nơi đang đáp ứng trên 70% nhu cầu phân bón của cả nước, việc cho ra đời nhiều sản phẩm mới như phân bón tan chậm (sử dụng công nghệ nano) hay các mặt hàng phân bón phù hợp với từng khu vực thổ nhưỡng tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng như những vùng cao nguyên, phân bón cải tạo đất trong thời gian ngắn… đã không chỉ góp phần bảo đảm bình ổn thị trường, mà còn thúc đẩy việc tăng giá trị nông sản cũng như vị thế nông nghiệp nước nhà.

Các nhà máy sản xuất phân bón của Petrovietnam đã nghiên cứu, phát triển hệ phân bón chất lượng cao phù hợp với từng loại thổ nhưỡng, cây trồng của Việt Nam. 

Ví dụ khác là ứng dụng công nghệ số vào quản lý và sản sản xuất, liên tục nghiên cứu cải tiến công nghệ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoạt động vượt công suất thiết kế từ 8-15% trong nhiều năm qua. Riêng trong năm 2024, BSR đã ghi nhận 649 ý tưởng, 584 cải tiếp được áp dụng.

Một trong những giải pháp nổi bật đã được áp dụng đó là tối ưu hóa hệ thống làm mát bằng nước biển giúp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm hơn 1,9 triệu USD/năm và góp phần làm giảm phát thải khí CO2. Đến nay, Dung Quất là nhà máy không chỉ cung ứng hơn 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước mà còn đảm bảo toàn bộ nguồn nhiên liệu cho Quốc phòng (xăng dầu phục vụ cho các thiết bị, vận tải quân sự).

Những giải pháp công nghệ số đã góp phần giúp Tập đoàn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 16,7% và nộp ngân sách 21,3% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2024, với doanh thu vượt 1 triệu tỉ đồng năm 2024 và lợi nhuận trước thuế trên 238 nghìn tỉ đồng giai đoạn 2021-2024. Bởi vậy, Tập đoàn đặt mục tiêu nâng mức chuyển đổi số của công ty mẹ lên mức 5 (mức dẫn dắt) và toàn Tập đoàn lên mức 4 vào năm 2030, đồng thời phấn đấu lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Cơ chế đột phá, chiêu mộ nhà khoa học bên ngoài

Thấu hiểu rằng, không chỉ cần sự tích lũy nội lực, hợp tác bền chặt với bạn bè trên thế giới, để trỗi dậy mạnh mẽ, chìa khóa tiên quyết cần phải có chính là khoa học công nghệ, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế trên toàn thế giới, Petrovietnam luôn đặt công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số là nền tảng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tập đoàn đang đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, kết nối với mạng lưới quốc gia và quốc tế và triển khai 10 công nghệ chiến lược, như: công nghệ năng lượng ngoài khơi; sản xuất các dạng nhiên liệu sạch, hóa chất “xanh”; sản xuất và ứng dụng các vật liệu nhẹ, CNTs, graphene; lưu trữ năng lượng; khử carbon...

Lĩnh vực Dịch vụ được xác định có tiềm năng tăng trưởng lớn, hỗ trợ sự phát triển bền vững của Tập đoàn trong giai đoạn mới. 

Gần đây, Petrovietnam cũng ban hành Chương trình hành động về “đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ 2 con số”.

Để đồng bộ với nhu cầu phát triển của Tập đoàn và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng của đất nước, Petrovietnam và các đơn vị thành viên sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu suất làm việc nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển đề ra. Đồng thời, tiến hành rà soát đánh giá đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, để sắp xếp phù hợp với nhiệm vụ, chức năng và sứ mệnh của các đơn vị.

Trong số các nhiệm vụ quan trọng thời gian tới của Tập đoàn và các đơn vị, việc tập trung đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn, tiếp thu tri thức của nhân loại và của đất nước, biến tri thức ấy thành nguồn lực, doanh thu, lợi nhuận và sản phẩm cụ thể chiếm vị trí quan trọng.

Để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, Petrovietnam cũng nhận thấy cần thực hiện 3 cơ chế đột phá gồm: Thu nhập xứng đáng; Xử lý rủi ro khi công trình nghiên cứu khoa học không đạt kết quả như mong đợi và Phân phối lợi ích từ công trình nghiên cứu khoa học.

Mặt khác, lãnh đạo Petrovietnam cũng đã thống nhất các định hướng nghiên cứu nhằm phát triển Tập đoàn theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với các nhà khoa học, trong đó tính toán đến cả chiêu mộ nhà khoa học ngoài Tập đoàn phù hợp với chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Petrovietnam.

Có thể thấy rằng, với một hệ thống quản trị tiên tiến, sự đổi mới từ cốt lõi trên nền tảng nguồn nhân lực dày kinh nghiệm và giàu truyền thống, chắc chắn rằng khoa học công nghệ sẽ là nguồn “nội lực” quan trọng và mạnh mẽ nhất để đưa Petrovietnam vững bước vào kỷ nguyên mới với vị thế dẫn dắt ngành công nghiệp - năng lượng Việt Nam.

Petrovietnam đạt doanh thu khủng ngay tháng 1/2025
Bất chấp những biến động của giá dầu và thách thức từ thị trường, Petrovietnam vẫn duy trì hoạt động an toàn, ổn định, hoàn thành vượt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư