Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Khởi kiện phá sản - con dao hai lưỡi?
Hữu Tuấn - 01/07/2013 05:50
 
Vừa qua, Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn đã thông tin ở nhiều góc độ về vụ việc Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) vừa nộp đơn ra tòa yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Tài chính cổ phần Handico (Hafic). Đáng chú ý là, trước khi VVF yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Hafic, đã xuất hiện nhiều vụ việc yêu cầu mở thủ tục phá sản với mục đích đòi nợ. Liệu tất cả có thành công?
TIN LIÊN QUAN

“Trào lưu” kiện phá sản để đòi nợ

Trước khi VVF yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Hafic, đã xuất hiện nhiều vụ việc yêu cầu mở thủ tục phá sản với mục đích đòi nợ. Điển hình là việc Công ty cổ phần Đầu tư Trường Phúc kiến nghị Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Sỹ Ngàn, với lý do Sỹ Ngàn mất khả năng thanh toán khoản nợ đáo hạn 5 tỷ đồng vào cuối năm 2012.

VVF cho biết đã gửi cho Hafic tổng cộng 23 văn bản để đôn đốc và yêu cầu Hafic thanh toán nợ cho VVF.

Ở vụ việc trên, ông Nguyễn Tương Như, Tổng giám đốc Công ty Sỹ Ngàn cho biết, ông rất bất ngờ khi nhận được thông tin Công ty cổ phần Đầu tư Trường Phúc yêu cầu mở thủ tục phá sản trên các phương tiện truyền thông. Ông Như cũng cho biết, Sỹ Ngàn dư sức xử lý khoản nợ trên.

Mới đây nhất, một cá nhân ở Quảng Ninh cũng yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với một doanh nghiệp ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) để đòi nợ 2 tỷ đồng. Chưa cần Tòa án yêu cầu cung cấp tài liệu, lãnh đạo doanh nghiệp này đã mang tiền trả nợ ngay cho chủ nợ…

Rõ ràng, doanh nghiệp bị nợ đã có văn bản đòi nợ nhiều lần, con nợ cố chây lỳ, nhưng chỉ cần chủ nợ gửi đơn lên Toà và Toà có “trát”, thì ngay lập tức “con nợ” lại thương lượng để trả nợ.

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, từ khi thực hiện Luật Phá sản (năm 2004) đến nay, cả nước mới có 68 doanh nghiệp phá sản. Còn theo thống kê của Tòa án Kinh tế (Tòa án TP. Hà Nội), trong hơn 20 vụ kiện phá sản mỗi năm, chiếm tỷ lệ lớn là việc yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, nhưng có rất ít vụ việc tuyên phá sản, mà chủ yếu do các bên thỏa thuận với nhau.

Xuất phát từ tâm lý kiêng cữ với chữ “phá sản”, nên khi bị yêu cầu đòi phá sản, nhiều doanh nghiệp chây lỳ đã buộc phải trả nợ. Và có lẽ, yêu cầu mở thủ tục phá sản được xem là biện pháp đòi nợ khá hiệu quả trong thời gian qua, nên không ít doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức này để đòi nợ.

Yêu cầu mở thủ tục phá sản để đòi nợ có trái luật?

Ông Trần Anh Tú, giảng viên khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tồn tại song hành cùng với thủ tục đòi nợ dân sự, thủ tục phá sản cũng có bản chất là một công cụ đòi nợ, nhưng khác ở tính “tập thể”. Do đó, chức năng đầu tiên gắn với sự ra đời của pháp luật phá sản chính là chức năng thu hồi nợ cho các chủ nợ. Thông qua thủ tục phá sản, các chủ nợ đều có mục đích chung là có được sự bảo đảm về quyền chủ nợ của mình một cách tốt nhất.

Trở lại với vụ việc VVF và Hafic, trả lời phóng viên Báo Đầu tư về việc tại sao không lựa chọn hình thức đòi nợ, mà lại khởi kiện theo hình thức yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Hafic, đại diện VVF cho biết, khoản nợ của Hafic tại VVF là khoản nợ không có bảo đảm. Do vậy, VVF chỉ có thể khởi kiện theo hình thức trên mới có hy vọng thu hồi được một phần nợ.

Theo đại diện VVF, việc khởi kiện một số tổ chức tín dụng, trong đó có Hafic là việc làm “cực chẳng đã” sau khi VVF đã tiến hành tất cả các biện pháp thiện chí nhất có thể nhằm thu hồi nợ quá hạn.

Hafic đã phát sinh nợ quá hạn tại VVF từ tháng 7/2012. Tính đến ngày 25/6/2013, dư nợ gốc của Hafic tại VVF là 79 tỷ đồng, nợ lãi là 12,5 tỷ đồng. Ngoài việc nhiều lần gặp trực tiếp lãnh đạo Hafic để thảo luận tìm giải pháp, VVF đã gửi cho Hafic tổng cộng 23 văn bản để đôn đốc và yêu cầu Hafic thanh toán nợ cho VVF.

“Hafic vẫn có tiền thanh toán cho các tổ chức khác, nhưng lại không thanh toán cho VVF. Do vậy, VVF buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng là khởi kiện tại cơ quan tài phán để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như cổ đông”, đại diện VVF cho biết.

Ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội khẳng định, việc khởi kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản với Hafic là tuân thủ các quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn các hình thức đòi nợ phù hợp với các quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Huyền Cường, Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, một vấn đề còn khúc mắc là ngay tại Điều 3, Luật Phá sản quy định: “Doanh nghiệp không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu, thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Đây là điều khoản quan trọng để nhận diện doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản. Song không phải cứ có nợ quá hạn là doanh nghiệp phá sản, bởi thực tế, doanh nghiệp nào cũng vừa là con nợ, vừa là chủ nợ, thậm chí doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản có thể là chủ nợ với số tiền lớn hơn số nợ quá hạn mà họ phải trả.

Trở lại với trường hợp của Hafic, là một tổ chức tín dụng, công ty này vừa là con nợ đến hạn của nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác nhưng cũng đồng thời là chủ nợ của nhiều con nợ khác. Mối quan hệ giao dịch tín dụng đan xen không dễ xác định. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hafic cũng yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đang là con nợ của họ?

Như vậy, có thể nói rằng, việc lựa chọn hình thức tài phán yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản để đòi nợ đối tác là hoạt động bình thường của các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chưa phải là “dấu chấm hết” cho doanh nghiệp bị đòi nợ, bởi theo quy định của Luật Phá sản, sau khi nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ xem xét, xác minh, nếu thực sự doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, Tòa sẽ tuyên bố mở thủ tục phá sản, nếu không, tòa trả lại đơn.

Độc chiêu cuối cùng

Hiện Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đang xem xét thụ lý, giải quyết vụ việc VVF đòi mở thủ tục phá sản với Hafic. Kết quả vụ việc phụ thuộc rất nhiều vào các bên. Nhưng rõ ràng, khi gửi đơn lên Tòa án, VVF biết mình đang làm gì.

Nói vậy là bởi, theo quy định của Luật Phá sản 2004, khoản nợ của Hafic với VVF là nợ không có bảo đảm. Trong trường hợp Hafic phá sản, các tài sản còn lại sau khi định giá của Hafic sẽ ưu tiên thanh toán các khoản nợ có bảo đảm và các khoản nợ thuế, phí của Nhà nước, nợ lương, phúc lợi xã hội của người lao động…, rồi cuối cùng mới là các khoản nợ không có bảo đảm. Thông thường đã đến “nước” phải phá sản, thì việc đòi nợ của khoản nợ không bảo đảm là điều không tưởng.

“Chúng tôi chấp nhận rủi ro này khi gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Hafic. Cũng có thể nếu tòa tuyên Hafic phá sản, chúng tôi sẽ không đòi được nợ, nhưng ít nhất đây cũng là một chuyện tốt để làm trong sạch môi trường tín dụng”, ông Sơn cho biết.

Tất nhiên, việc để phá sản một tổ chức tín dụng như Hafic là rất khó. Nhưng từ vụ việc này, có thể thấy, không phải lúc nào việc đòi nợ bằng cách gửi đơn đòi mở thủ tục phá sản với con nợ “cũng xuôi chèo, mát mái”. Chỉ khi lâm vào thế đường cùng, không còn biện pháp đòi được nợ, các chủ nợ mới chọn hình thức này. Nhưng ngay cả khi chọn cách đòi nợ kiểu “con dao hai lưỡi” được Tòa án chấp nhận bằng việc mở thủ tục phá sản, thì mọi việc cũng mới chỉ bắt đầu, bởi để ra được quyết định tuyên bố phá sản, thông thường phải mất tới 5-7 năm.

Vì vậy, khi chọn cách thức đòi nợ kiểu “độc chiêu” này, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ các yếu tố, như cơ chế pháp lý cho phép thực hiện, khả năng trả nợ của con nợ, chi phí thu hồi nợ, dòng tiền của doanh nghiệp chủ nợ…

Một sự lựa chọn không hợp lý có thể làm ảnh hưởng đến sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, kéo dài thời gian thu hồi nợ và làm phát sinh các chi phí không cần thiết, mà chưa chắc đã giúp doanh nghiệp thu hồi được toàn bộ số nợ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư