Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khối lượng phát hành trái phiếu giảm mạnh quý I/2015
Có 4 yếu tố dẫn tới khối lượng phát hành trái phiếu và tỷ lệ trúng thầu giảm mạnh trên thị trường sơ cấp quý I/2015.

Lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong tháng 12/2014, nhưng sau đó đã giảm dần trong quý I/2015. Lợi suất trái phiếu 5 năm giảm mạnh gần 130 điểm cơ bản trong quý này, từ mức lợi suất 6,4%/năm vào ngày 29/12/2014 xuống còn 5,1%/năm ngày 20/3/2015. Trái phiếu 15 năm cũng giảm tới 55 điểm cơ bản, xuống còn khoảng 7,25%/năm ngày 12/3/2015.

Nguyên nhân chính dẫn tới lợi suất giảm là do lạm phát đã giảm liên tục 3 tháng (tính tới hết tháng 3/2015 đã giảm 0,01% so với đầu năm). Trong 2 tháng đầu năm 2015, CPI đã giảm 0,25% so với cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, những dự báo tích cực về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2015 trong đầu năm đã hỗ trợ lợi suất trái phiếu giảm.

 

Nhưng khi lợi suất giảm, khối lượng phát hành cũng giảm theo và tỷ lệ trúng thầu ngày càng thấp đi. Trong quý I/2015, tổng giá trị phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) và chính phủ bảo lãnh chỉ đạt 69.941 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, thị trường cũng chỉ ghi nhận mức tỷ lệ trúng thầu đạt 73,5%, thấp hơn so với mức trúng thầu của quý I/2014 là 75,3%. Trong 3 tháng đầu năm 2015, đã có 46.238 tỷ đồng trái phiếu 5 năm được phát hành, chiếm 66% tổng giá trị phát hành, 13.533 tỷ đồng trái phiếu 15 năm (chiếm 19,3%), 6.130 tỷ đồng trái phiếu 10 năm (chiếm 8,8%) và 4.040 tỷ đồng trái phiếu 3 năm (chiếm 5,8%).

Trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) là trái phiếu phổ biến nhất trên thị trường sơ cấp và đóng góp tỷ trọng phát hành cao nhất mỗi năm. Quý I/2015, KBNN đã huy động thành công 55.992 tỷ đồng, chiếm 80% tổng giá trị phát hành trái phiếu, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đóng góp 9.000 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành 4.949 tỷ đồng. Mặc dù khối lượng phát hành trái phiếu của KBNN và VDB lần lượt giảm 18% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng khối lượng phát hành của Ngân hàng Chính sách xã hội lại tăng đáng kể (tới 71%).

Quyết định 78/2004/QH13 quy định các trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm sẽ không được phát hành trong năm 2015. Chính vì vậy, cơ cấu trái phiếu của KBNN cũng thay đổi đáng kể so với năm ngoái từ ngắn hạn sang dài hạn. Khối lượng phát hành trái phiếu 15 năm trong 3 tháng đầu năm đã tăng đáng kể lên mức 13.049 tỷ đồng, cao gấp 5,52 lần khối lượng cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, so với quý I/2014, khối lượng phát hành trái phiếu 5 và 10 năm đã lần lượt tăng mạnh 110% và 101% trong quý I/2015, đạt mức tương ứng 36.913 tỷ đồng và 13.049 tỷ đồng.

Có 4 yếu tố dẫn tới khối lượng phát hành trái phiếu và tỷ lệ trúng thầu giảm mạnh trên thị trường sơ cấp quý I/2015.

Thứ nhất, Quyết định 78 quy định trong năm 2015, KBNN sẽ không được phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm và chỉ gọi thầu trái phiếu 5, 10 và 15 năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chính của thị trường trái phiếu sơ cấp là các ngân hàng thương mại, những người quan tâm nhiều hơn tới các tài sản ngắn hạn và có tính thanh khoản cao. Quyết định này do vậy đã làm giảm bớt nguồn cung trái phiếu ngắn hạn và sự đa dạng của thị trường trái phiếu, khiến các nhà đầu tư phải đi tìm kiếm các tài sản đầu tư thay thế khác.

Thứ hai, Thông tư 36/2014/TT-NHNN bổ sung quy định về giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư TPCP, ở mức 15% đối với các ngân hàng quốc doanh, 35% đối với các ngân hàng thương mại và 15% đối các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 36 đã chính thức có hiệu lực ngày 1/2/2015, khiến một số ngân hàng phải bán tháo và một số khác thận trọng trong việc đầu tư TPCP để tránh vi phạm quy định của Thông tư.

Thứ ba, tỷ lệ trúng thầu đã giảm mạnh trong tháng 3/2015, từ mức 83,3% tháng 1 và 87,8% trong tháng 2 xuống còn 51,8% trong tháng 3. Lợi suất trúng thầu giảm, cũng như nhu cầu trái phiếu có thể được giải thích bằng sự tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong quý I/2015, so với mức tăng trưởng âm cùng kỳ các năm trước. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2015 được ghi nhận ở mức 1,91% tính đến ngày 30/3/2015.

Thứ tư, tháng 3/2015, USD tăng giá đột biến so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới, dẫn tới tỷ giá thị trường tự do giữa USD và VND tăng mạnh từ đầu tháng 3. Ngày 16/3/2015, tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức cao nhất trong 2 năm, 21.800 đồng để mua một USD. Bất chấp những hứa hẹn ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cùng với lời hứa không giảm giá VND quá 2% trong năm 2015, tỷ giá vẫn tiếp tục leo thang. VND liên tục mất giá so với USD, đã làm giảm nhu cầu mua TPCP khi những ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư chính của thị trường trái phiếu, đầu cơ vào tỷ giá thay vì đầu tư TPCP.

Cho VAMC phát hành trái phiếu mua nợ xấu
 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư