Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khởi nghiệp từ chim quý, thu tiền tỷ mỗi năm
Dương Phong (Dân trí) - 13/04/2017 15:33
 
Bỏ ra số tiền lớn mà cả đời dành dụm để đầu tư vào loài chim quý, năm năm sau, vợ chồng lão nông có thu nhập lên đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Mỗi năm gia đình ông Cường thu nhập khoảng 600 triệu đồng từ nuôi yến
Mỗi năm gia đình ông Cường thu nhập khoảng 600 triệu đồng từ nuôi yến

Nhiều năm nay, cứ đến khoảng 4 - 5 giờ chiều, người dân thôn Châu Thành, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp lại bắt gặp cảnh tượng hàng ngàn con chim yến bay dáo dác xung quanh mảnh đất của gia đình ông Trần Văn Cường. Trời càng tối, yến bay về càng đông hơn, chao liệng một vài vòng rồi từ từ chui vào căn nhà được ông Cường xây dựng riêng cho chúng. Cạnh đó, sâu bên trong dãy nhà hàng chục mét vuông khác, tiếng chim bồ câu cũng bắt đầu gù gù gọi bạn.

Khởi nghiệp” ở tuổi U50

Ông Cường được người dân trong vùng biết đến là người thành công nhất về mô hình chăn nuôi tập trung với nhiều loại con khác nhau. Mảnh đất rộng hơn 1 ha nằm sâu trong những vườn điều được gia đình ông tận dụng, cải tạo thành một trang trại khép kín, nuôi chim yến, bồ câu, nhím và gà đông tảo, trong đó chiếm số lượng lớn nhất và cho hiệu quả kinh tế cao là chim yến và chim bồ câu.

Vừa tất tả chạy đi kiếm mấy bao sắn mì về làm thức ăn cho đàn nhím hơn 100 con, ông Cường lại lật đật cầm đèn pin ra thăm nhà yến mà chưa chịu nghỉ ngơi. Lão nông này hồ hởi: “Mấy năm nay quen với chúng rồi, cuối ngày yến về tổ mà tôi không đi thăm thú một lần thì không chịu được, chẳng may có chuyện gì mình còn xoay xở kịp”.

Thấy chồng bận rộn chăm sóc đàn chim yến, bà Trần Thị Nga (vợ ông Cường) cũng lặng lẽ đem ít thức ăn cho đàn chim bồ câu rồi mới vào nói chuyện với khách. Kể về cơ duyên đưa hai vợ chồng đến với nghề này, bà Nga cho biết, trong thời gian ông bà đang làm công nhân tại Bình Dương thì biết được thông tin nhiều người ăn nên làm ra nhờ mô hình kết hợp vườn ao chuồng. Công việc nhà máy xí nghiệp vất vả trong khi hai người đã có tuổi nên hai vợ chồng nảy ra ý tưởng về quê chăn nuôi.

  Hàng trăm con chim bồ câu Pháp, Mỹ... được nuôi trong nhà
Hàng trăm con chim bồ câu Pháp, Mỹ... được nuôi trong nhà

“Hồi ấy xem ti vi thấy nhiều người thành công nhờ nuôi chim yến chúng tôi ham lắm. Sau một thời gian bàn bạc, chúng tôi thống nhất nghỉ việc về quê để nuôi yến. Ban đầu chúng tôi dự định làm nhà yến ở Đắk Lắk, nhưng thấy ở đấy nhiều nhà cao tầng, lại gần ngay đường quốc lộ nên quyết định xuống Đắk Nông mua đất khởi nghiệp.

Toàn bộ số tiền hai vợ chồng tích góp phòng khi về già được mang ra để đầu tư. Vì sợ thất bại nên tôi bàn với ông nhà bỏ thời gian “khăn gói” đi khắp nơi học hỏi. Hai vợ chồng mất gần 1 năm đi từ Bình Dương, TP.HCM tới các tỉnh miền trung có mô hình nuôi chim yến thành công, mỗi nơi đều lưu lại một thời gian để ghi chép kinh nghiệm và quan sát thật kỹ cách làm của họ. Sau khi trở về nhà, vợ chồng tôi vẫn chưa đầu tư ngay mà còn đọc thêm sách vở, tài liệu về cách nuôi, chăm sóc, nghiên cứu thị trường rồi mới bắt tay vào thực hiện. Năm đó chồng tôi 49 còn tôi 45 tuổi ”, bà Nga nhớ lại.

Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, kiến thức đã chắc, vợ chồng ông Cường bà Nga bỏ ra gần 700 triệu đồng xây một nhà yến kiên cố rộng chừng 250 m2 để làm nơi yến sinh sống và làm tổ. Bên trong, ông Cường thiết kế mô phỏng tựa hang đá để chim yến trú ngụ, đồng thời dùng hệ thống loa treo trên mái nhà để phát âm thanh dụ yến về. Chỉ chưa đầy ba tháng sau, những con yến đầu tiên đã tìm đến, rồi lần lượt tăng lên đến gần 5000 con như hiện nay.

Một hồi sau, khi những con chim yến cuối cùng đã nằm yên trong tổ, ông Cường mới lọ mọ bước ra. Lão nông cười hiền từ, mãn nguyện khi chứng kiến những “đứa con” của mình đang sinh sôi nảy nở, rồi bảo: “Ban đầu yến chỉ bay về đây trú ngụ, phải đến hơn 1 năm sau, chúng mới bắt đầu làm tổ và sinh sản. Rồi phải chờ thêm một năm nữa, chúng tôi mới thu hoạch được thành quả ban đầu. Lần đầu tiên cầm số tổ yến trên tay, dù lúc đó chỉ được hơn một lạng mà hai vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt”.

Thành tỷ phú nhờ nuôi chim quý

Nhấp chén trà đặc, ông Cường nhớ lại quãng thời gian 5 năm khởi nghiệp. Ông lão tâm sự, sau thời gian dài dụ được yến về làm tổ trong nhà, thấy công việc cũng đơn giản, không mất nhiều thời gian bởi yến tự bay đi kiếm ăn, nên ông bàn với vợ mở rộng kinh doanh nhiều loại con khác. Sau khi nhận được sự tư vấn của kỹ sư nông nghiệp, hai vợ chồng chọn nuôi chim bồ câu Pháp và bồ câu sư tử.

  Một cặp chim bồ câu sư tử cảnh có giá 2-3 triệu đồng
Một cặp chim bồ câu sư tử cảnh có giá 2-3 triệu đồng

“Hai loài chim này mặc dù khác nhau về công dụng, một loại thì dùng để làm thực phẩm, một loại thì dùng làm cảnh nhưng đều chăm sóc, nuôi dưỡng như nhau. Hơn nữa, trong điều kiện nuôi nhốt, loài bồ câu cũng rất dễ chăm sóc, chỉ cần làm một nhà đủ rộng để chúng bay lại trong đó, mỗi ngày cho ăn hai bữa là được”, ông Cường chia sẻ.

Thời gian sau khi chim yến, chim bồ câu cho kinh doanh, vợ chồng ông Cường lại mạnh dạn xây dựng thêm chuồng trại để nuôi gà đông tảo, nhím thịt và bọ ú (một loài thuộc họ nhà thỏ). Hiện trang trại của lão nông này đang nuôi khoảng 500 cặp bồ câu Pháp, Mỹ và hơn 100 cặp bồ câu sư tử, gần 400 con gà đông tảo và hơn 100 con nhím thịt.

Ông Cường nhẩm tính, mỗi năm thu được khoảng 25kg tổ yến, với giá bán từ 25-30 triệu đồng/1kg, thu nhập từ yến của gia đình là hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, lợi nhuận từ việc bán bồ câu, nhím và gà đông tảo cũng đem lại cho gia đình ông khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Nuôi chim quý giúp gia đình ông có thu nhập
Nuôi chim quý giúp gia đình ông có thu nhập "khủng"

“Hiện nay sản phẩm của chúng tôi được bán ở nhiều tỉnh Tây Nguyên và cả TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương. Do sản phẩm có chất lượng, thương lái cũng đến trực tiếp lấy hàng nên không lo đầu ra. Điều tôi băn khoăn bây giờ là làm sao xây dựng được thương hiệu yến sào và chim bồ câu, như vậy sản phẩm mới được người tiêu dùng công nhận và đứng vững trên thị trường”, ông Cường chia sẻ thêm.

Đánh giá về mô hình nuôi chim quý của ông Cường, ông Nguyễn Thành Nên, Chủ tịch UBND xã Đắk Ru cho biết: “Tính tới thời điểm hiện tại, đây là mô hình nuôi chim yến và chim bồ câu, gà đông tảo lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Mô hình này không những giúp phát triển kinh tế cho hộ ông Trần Văn Cường mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp xã nhà. Chúng tôi cũng gợi ý, hướng dẫn cho ông Cường thành lập một hợp tác xã nuôi và kinh doanh sản phẩm từ chim yến, như vậy hoạt động chăn nuôi sẽ ổn định và phát triển hơn”.

Đổ tiền tỷ vào nông nghiệp công nghệ cao: Thị trường là yêu cầu số một
Ngày càng nhiều dự án trăm, ngàn tỷ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng, điều doanh nghiệp phải tính toán đầu tiên khi rót vốn vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư