Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 07 năm 2025,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần:
BAF xây chung cư nuôi heo; VIMC hoán đổi “tay chèo”; Tổng công ty Xi măng Việt Nam lãi trở lại
Khánh An tổng hợp - 12/07/2025 09:28
 
Vinaconex lần đầu lọt Top Fortune Southeast Asia 500; BAF xây chung cư nuôi heo; Thaco Auto phân phối xe bus tại Philippines; Tổng công ty Xi măng Việt Nam lãi trở lại...

BAF xây chung cư nuôi heo

Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) cho biết Tổ hợp trang trại chăn nuôi heo nhà cao tầng Công nghệ cao Tây Ninh đã được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu triển khai thành công, BAF có thể sở hữu một trong những “chung cư nuôi heo” đầu tiên tại Việt Nam.

Một dự án trại tầng của Tập đoàn Muyuan - đối tác chiến lược của BAF

Tổ hợp này có 4 dự án, gồm 2 dự án trang trại nuôi heo nhà cao tầng công nghệ lọc khí - khử mùi Tây Ninh 1 và 2; dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc; và Nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm từ thịt heo.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó tổng giám đốc BAF, sau khi được chấp nhận, BAF tiếp tục làm việc với Tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Môi trường để hoàn tất các thủ tục liên quan đến Đánh giá tác động môi trường và quy hoạch 1/500 để đủ điều kiện xây dựng.

Ông Minh cho biết, nếu mọi thủ tục được hoàn tất và cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền, Công ty sẵn sàng khởi công dự án vào cuối 2025 hoặc đầu 2026, và đưa vào vận hành trang trại đầu tiên sau 10-12 tháng thi công.

Dự kiến sau khi hoàn thành, các dự án vận hành hết công suất sẽ mang lại doanh thu từ 10.500-12.000 tỷ đồng/năm. Chi phí đầu tư cho cả tổ hợp dự kiến hơn 12.000 tỷ đồng, thời gian khấu hao nhanh nhất từ 5,5-7,5 năm.

Mô hình trại nuôi heo cao tầng thường có chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn trại thường từ 45-50%, nhưng mang lại nhiều ưu điểm. Nổi bật nhất là việc đảm bảo an toàn sinh học trong bối cảnh các ổ dịch tả heo châu Phi (ASF) đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trang trại và đẩy giá heo hơi tăng vọt ở các tỉnh phía Nam.

Một ưu điểm khác là tiết kiệm diện tích đất sử dụng, tăng hiệu quả gấp 5-8 lần so với mô hình chăn nuôi truyền thống, tiết kiệm tài nguyên đất để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các trại tầng được tích hợp công nghệ chăn nuôi thông minh, tự động hóa cao cùng các hệ thống xử lý chất thải, lọc khí… để tối đa năng suất chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, tiết kiệm chi phí nhân công.

Ông Minh cho biết, với mục tiêu phát triển 2030 đạt quy mô xuất chuồng 10 triệu heo, Công ty cần đẩy nhanh các dự án đầu tư trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, quỹ đất phù hợp cho chăn nuôi ngày càng hạn hẹp. Do vậy, phát triển các dự án nhà cao tầng đơn lập với diện tích từ 8-15 ha đang được Công ty nghiên cứu ứng dụng.

VIMC hoán đổi “tay chèo”

Đại hội cổ đông thường niên năm 2025 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã thống nhất bầu ông Nguyễn Cảnh Tĩnh từ vị trí Tổng giám đốc đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT; ông Lê Anh Sơn từ vị trí Chủ tịch HĐQT được bầu làm Tổng giám đốc VIMC.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2025 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)

Sự hoán đổi này được xem là động thái điều chỉnh nội bộ nhằm phát huy tối đa năng lực điều hành và kinh nghiệm của từng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh VIMC đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo lãnh đạo VIMC, năm 2024, kết quả kinh doanh của VIMC vượt xa kế hoạch, công ty mẹ đạt doanh thu 3.155 tỷ đồng (hoàn thành 131% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế 1.353 tỷ đồng (tương đương 145% kế hoạch). Doanh thu hợp nhất đạt 19.235 tỷ đồng (đạt 143% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế 3.153 tỷ đồng (tương đương 115% kế hoạch).

Tân Chủ tịch HĐQT VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, VIMC đã xóa hết lỗ lũy kế vào cuối năm 2023 và có lợi nhuận để thực hiện chia cổ tức cho cổ đông lần đầu sau nhiều năm.

Tân Tổng Giám đốc VIMC ông Lê Anh Sơn cho biết năm 2025, VIMC sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh xoay quanh các lĩnh vực thế mạnh như khai thác cảng container, logistics tích hợp, vận tải hàng rời, hàng nông sản, sắt thép... nhằm tạo thêm nguồn thu và lợi nhuận bổ trợ bên cạnh các mảng kinh doanh truyền thống.

Theo lãnh VIMC, doanh nghiệp cảng biển lớn nhất Việt Nam này sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8% trong thời gian tới.

Vinaconex lần đầu lọt Top Fortune Southeast Asia 500

Bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500 năm 2025 (Fortune SEA 500) có 76 tên doanh nghiệp Việt. Đây là lần đầu tiên Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) góp mặt.

Năm 2025, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng 

Fortune SEA 500 - 500 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á được công bố nhằm mục tiêu tôn vinh các tập đoàn dẫn đầu khu vực, thúc đẩy vị thế Đông Nam Á như trung tâm sản xuất, thương mại và đầu tư toàn cầu.

Đây là năm thứ hai liên tiếp tạp chí Fortune công bố danh sách 500 doanh nghiệp lớn và có tầm ảnh hưởng tại 6 nền kinh tế Đông Nam Á bao gồm: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines. Bảng xếp hạng được bình chọn dựa trên doanh thu năm tài chính 2024, với ngưỡng doanh thu tối thiểu để lọt vào danh sách là 349,4 triệu USD, tương đương khoảng 9 nghìn tỷ đồng. 

Năm 2025, Việt Nam có 76 đại diện góp mặt tại Fortune SEA 500, tăng so với con số 70 doanh nghiệp của năm trước cho thấy nội lực vững vàng và khát vọng vươn tầm khu vực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có chiến lược quản trị linh hoạt và năng lực tăng trưởng ổn định trong môi trường kinh doanh đầy biến động.

Năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Vinaconex tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, hoạt động hiệu quả trên cả ba trụ cột chiến lược: xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính. Doanh thu hợp nhất toàn hệ thống đạt 13.176 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.108 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch năm. Đặc biệt, công ty mẹ ghi nhận doanh thu 9.746 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 861 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Năm 2025, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng...

Thaco Auto phân phối xe bus tại Philippines

Thaco Auto và BJ Mercantile (BJM) của Philippines đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phân phối xe bus thương hiệu THACO, đồng thời bàn giao lô xe bus ghế ngồi Thaco Cruizer 125 cho Bicol Isarog -– doanh nghiệp vận tải lớn và uy tín tại Philippines.

Lô xe bus ghế ngồi Thaco Cruizer 125 xuất sang Philippines

Việc ký kết Biên bản ghi nhớ với BJM là tiền đề xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên, từ đó đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển thị trường, xây dựng hệ thống phân phối và dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu vận tải tại thị trường này.

Ông Đoàn Đạt Ninh, Phó tổng giám đốc Thaco Auto cho biết, nhiều năm qua, bên cạnh thị trường Philippines, các sản phẩm của Thaco Auto được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Kazakhstan…

Năm 2025, Tập đoàn sẽ xuất khẩu 5.000 xe tải, bus và xe du lịch, khẳng định vị thế nhà sản xuất ô tô thực thụ, ghi danh trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới.

Tại thị trường Philippines, Thaco Auto phân phối hai dòng xe bus chủ lực gồm xe ghế ngồi và xe giường nằm.

Toàn bộ sản phẩm được nghiên cứu và phát triển bởi đội ngũ kỹ sư R&D Thaco Auto, sản xuất tại Trung tâm công nghiệp ô tô có quy mô lớn nhất Việt Nam (thuộc KCN THACO Chu Lai - Quảng Nam) với công nghệ hiện đại, quy trình tự động hóa và quản trị số hóa toàn diện.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa xe bus của Thaco Auto đạt trên 70%.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam lãi trở lại

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) ghi nhận lãi công ty mẹ gần 193 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất hơn 34 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, sau 2 năm liền thua lỗ.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) ghi nhận lãi công ty mẹ gần 193 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2025

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm nay và triển khai nhiệm vụ quý III của Tổng công ty Xi măng Việt Nam. 

Đây là tín hiệu tích cực, nhất là khi trước đó Vicem báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong hai năm liên tiếp 2023 và 2024.

Vicem cho biết, thị phần xi măng trong nước đạt 27,4%, tăng nhẹ so với cùng kỳ và cả năm 2024. Sản lượng clinker toàn hệ thống của Vicem đạt gần 8 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 50% kế hoạch năm. Sản lượng xuất khẩu đạt hơn 713.000 tấn.

Theo kế hoạch được Bộ Xây dựng phê duyệt, chỉ tiêu đề ra năm nay, Vicem dự kiến đạt doanh thu và thu nhập khác hơn 540 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá) đều đạt khoảng gần 250 tỷ đồng.

Để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng năm nay, Bộ Xây dựng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện.

Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị Vicem nghiêm túc triển khai theo kế hoạch Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng công ty xây dựng và thực hiện phương án xử lý, tái cơ cấu các khoản đầu tư tài chính tại doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả.

Ngoài ra, tổng công ty thực hiện biểu quyết chia lợi nhuận , cổ tức đầy đủ, tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước và Vicem; Rà soát, thu về các khoản lợi nhuận, cổ tức chia bằng tiền đã ghi trong nghị quyết được thông qua.

Vicem là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm.

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Vicem hồi tháng 3, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh đề nghị tổng công ty điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, đặt mục tiêu có lãi. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh năm ngoái, Vicem lỗ hợp nhất 1.400 tỷ đồng. Năm 2023, tổng công ty cũng lỗ khoảng 1.129 tỷ đồng.

Áp lực lớn với BAF trước tham vọng mở rộng quy mô
Với tham vọng lợi nhuận gấp đôi trong năm 2025, tương đương mức lãi kỷ lục từ trước đến nay, cùng mục tiêu dài hơi vào năm 2030, CTCP Nông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư