Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 01 năm 2025,
Khối ngoại ròng rã bán, cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh phiên 14/12
Tùng Linh - 14/12/2023 17:57
 
Thị trường chứng khoán tiếp tục giao dịch buồn tẻ trong phiên 14/12, trong đó, bên bán có phần chiếm ưu thế và khiến các chỉ số kết phiên trong sắc đỏ. Khối ngoại giao dịch vẫn không có gì tích cực khi bán ròng phiên thứ 12 liên tiếp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trước khi bước vào phiên giao dịch 14/12 đón nhận những thông tin tích cực về cuộc họp của Fed cũng như diễn biến bứt phá của thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể, cuộc họp Fed đã phát đi tín hiệu bồ câu khi Fed giữ nguyên lãi suất 3 tháng liên tiếp và ra tín hiệu sẽ có 3 đợt giảm lãi suất vào năm 2024. Dow Jones tăng lên mức kỷ lục mới trong ngày 13/12 đạt 37,090.24 điểm.

Bước vào phiên giao dịch mới với những diễn biến khá tích cực khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu tăng điểm giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, đà hưng phấn của thị trường không duy trì được lâu khi lực cầu tỏ ra vẫn rất yếu trong khi nhà đầu tư chán nản khiến lực cung dần tăng. Giao dịch trên thị trường trong phần lớn thời gian của phiên diễn ra buồn tẻ và không có quá nhiều điểm nhấn. VN-Index giao dịch đa phần chỉ loanh quanh mốc tham chiếu với biên độ hẹp.

Về cuối phiên, áp lực bán có phần gia tăng trong khi lực cầu vẫn yếu khiến sự rung lắc diễn ra mạnh hơn. Trong đó, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản giao dịch tiêu cực. NVL giảm đến 4,1%, DIG giảm 2,7%, HDC giảm 2,3%, CII giảm 2%, KDH cũng ghi nhận mức giảm 1,8%.

Tại nhóm vốn hóa lớn, sắc đỏ cũng áp đảo. Điểm sáng là FPT tăng 1,1% và là cái tên quan trọng giúp nâng đỡ VN-Index với đóng góp 0,31 điểm. Trong khi đó, VCB có lực đỡ lớn nhất với số điểm đóng góp là 0,97. Chốt phiên, VCB tăng 0,8% lên 84,4 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã trụ cột như SAB, STB, MSN, VHM, HPG, VPB… đều chìm trong sắc đỏ. SAB giảm 1,6%, STB giảm 1,3%, MSN giảm 1,2%, VHM giảm 1,1%...

Thị trường phiên hôm nay không thể hiện được tâm lý hào hứng, trái lại dòng tiền hoạt động thận trọng và chỉ chờ các phiên giảm sâu mới vào hàng. Một phần của động thái này có lẽ nhà đầu tư chờ đợi thêm những gì diễn ra vào phiên cơ cấu ETF ngoại ngày mai cùng với đó là hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 sẽ đáo hạn vào tuần sau có thể gây ra những biến động bất ngờ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,07 điểm (-0,37%) xuống 1.110,13 điểm, Toàn sàn có 138 mã tăng, 384 mã giảm và 85 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,19 điểm (-0,52%) xuống 227,23 điểm. Toàn sàn có 70 mã tăng, 91 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index duy trì được sắc xanh khi tăng 0,13 điểm (0,15%) lên 85,22 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt hơn 681 triệu đơn vị, trị giá 14.681,1 tỷ đồng, 20% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 77,1 triệu đơn vị, giá trị 2.531 tỷ đồng. Tổng khối lượng khớp lệnh sàn HNX đạt hơn 80,9 triệu đơn vị, giá trị 1.592 tỷ đồng.

HPG là cổ phiếu khớp lệnh nhiều nhất thị trường với 31,8 triệu cổ phiếu. Tiếp sau đó, SHB và SHS khớp lệnh lần lượt 20,2 triệu cổ phiếu và 18,4 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại tiếp tục giao dịch tiêu cực khi bán ròng phiên thứ 12 liên tiếp trên sàn HoSE với giá trị 360 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã CTG với 48 tỷ đồng. STB bị bán ròng 46 tỷ đồng. Các mã HPG, VPB và VCI đều bị bán ròng trên 30 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã VCB với 24 tỷ đồng. MWG cũng được mua ròng 23 tỷ đồng.

Xu hướng giao dịch của khối ngoại khá tiêu cực thời gian qua. Tính đến hết tháng 11, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14.700 tỷ đồng từ đầu năm. Ngay ở tuần đầu tiên của tháng 12, giá trị bán ròng của khối ngoại vượt hơn 4.060 tỷ đồng. 

Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định khối ngoại bán ròng mạnh  tại thị trường Việt Nam do sự đảo chiều rút ròng từ các quỹ ETF và xu hướng rút ròng chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi. Trong khi đó, nhóm quỹ chủ động ở Việt Nam gần như chỉ rút ròng nhẹ trong 4 tháng qua.

Chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, bên cạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam phân kỳ với chính sách tiền tệ của Mỹ và một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh ở 3 tháng 11/2022, 12/2022 và tháng 1/2023 với tổng giá trị lên đến 32,5 nghìn tỷ đồng là các nguyên nhân được bà Phương chỉ ra. 

Tuy nhiên, thực tế, giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam ở mức thấp so với các thị trường khác nếu tính cho 11 tháng năm 2023. Cụ thể trong khu vực Đông Nam Á, thì xu hướng rút ròng nổi bật ở thị trường Thái lan lên tới 5,4 tỷ USD so với mức rút ròng tại Việt Nam (-554 triệu USD), Indonesia (-877 triệu USD), Philippin (-855 triệu USD). 

Từ đầu quý II/2023 đến nay, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại duy trì ổn định quanh ngưỡng 8% và có thể thấy sự tác động không lớn đến thị trường về mặt điểm số mà chỉ có tác động tâm lý đến các nhà đầu tư cá nhân trong nước khiến thị trường diễn biến thận trọng kéo dài.

Vượt cản bất thành, VN-Index giảm hơn 13 điểm
Thị trường vượt ngưỡng 1.130 điểm của VN-Index bất thành và giảm điểm trở lại. Dự báo sẽ có phiên hồi phục kỹ thuật để kiểm tra lại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư