Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 11-15/12: Nên chậm lại vị thế ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu tăng mạnh
Hải Trần - 11/12/2023 07:25
 
Nhà đầu tư nên chậm lại các vị thế ngắn hạn với các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian qua, hạ tỷ trọng nếu vi phạm xu hướng.

Các động thái vĩ mô đáng chú ý

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 104/2023 về Kế hoạch Ngân sách nhà nước năm 2024, qua đó, bội chi ngân sách dự kiến sẽ gần là 400.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Dù vậy, hầu hết các đề mục quan trọng đều phù hợp với các số liệu Bộ Tài chính đã công bố trước đó. Thu ngân sách đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn là 5% so với cùng kỳ, tương đương 1,7 triệu tỷ đồng, trong khi chi tiêu là 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Để bù đắp cho một giai đoạn giảm thu ngân sách do cắt giảm một số loại thuế, phí ủng hộ cho sự hồi phục sản xuất và tiêu dùng thì Quốc hội đăt mục tiêu tăng 44% thuế và phí liên quan đến đất đai, chủ yếu đến từ quyền sử dụng đất, kế hoạch 227.000 tỷ đồng tương đương 68% tăng trưởng so với năm trước. Điểu này cũng hàm ý về kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ có sự hồi phục trong năm 2024.

Đi cùng với đó là những sửa đổi pháp lý liên quan đến bất động sản là tâm điểm khi tuần vừa qua Quốc hội đã thông báo kế hoạch tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc tiếp tục nghiên cứu và xem xét kỹ thảo luận các luật như Luật Đất đai, Luật TCTD để đưa ra xem xét tại kỳ họp lần này.

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 30/11, tăng trưởng tín dụng là 9,75%, đang dần dần quay trở lại mức 2 con số và đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2023. Mặc dù hiện tại mức này không khác nhiều so với thời điểm năm ngoái khi tháng 11/2022 ghi nhận tăng trưởng tín dụng là 12,01%.

Tuy dữ liệu tăng trưởng tín dụng cho thấy sự cải thiện rõ nét, nhưng có lẽ cần chờ đợi thêm số liệu của các kỳ tiếp theo để xem xét yếu tố mùa vụ có phải nguyên nhân chính cho những diễn biến vừa qua hay không.

Mặt khác, sự trở lại của tăng trưởng tín dụng cũng đặt ra sự lo ngại cho giới đầu tư liệu rằng có thể tác động đến mặt bằng lãi suất hiện tại không. Nhưng với tốc độ phục hồi hiện tại, chuyên gia SSI không cho rằng, lãi suất thị trường sẽ tăng. Hơn nưa, Ngân hàng Nhà nước vẫn có dư địa để thực hiện 1 đợt cắt giảm lãi suất vào năm tới, tốt nhất là thời điểm phản ánh động thái cắt giảm lãi suất của Fed (nếu có) trong năm 2024.

Tín hiệu sớm của ngành sản xuất

Một sự hồi phục khác cũng được chú ý là số liệu được công bố từ sản lượng của HPG trong tháng 11 qua. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của HPG hay ngành thép mà còn là góc nhỏ đại diện cho tiến trình hồi phục chung của ngành sản xuất hiện tại.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép Hoà Phát trong tháng 11 đạt 709.000 tấn – mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 4/2022, với mức tăng trưởng đạt 11,7% so với tháng trước và 60% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ cao hơn nhiều so với sản lượng sản xuất là 623.000 tấn do một lò cao ở khu liên hiệp Hải Dương vẫn đang trong thời gian bảo dưỡng định kỳ. Với sản lượng tiêu thụ tháng 11 tương đương tỷ lệ công suất hoạt động gần 100% tính đến công suất thép thô của Hòa Phát là 8,5 triệu tấn/năm.

Nếu nửa đầu năm nay, động lực cho sự phục hồi sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát đến nhiều từ HRC cho các thị trường xuất khẩu thì kết quả lần này được thúc đẩy bởi sản lượng tiêu thụ thép xây dựng phục hồi mạnh với mức tăng 63% so với cùng kỳ và 21% so với cùng kỳ, đạt 410.000 tấn. Nguyên nhân đến từ yếu tố mùa vụ và giai đoạn đẩy mạnh đầu tư công trong nước bên cạnh việc xuất khẩu thì đẩy mạnh trong tháng. Đồng thời, giá thép cũng tăng 1-3% trong tháng trước khuyến khích các nhà phân phối tăng tích trữ hàng tồn kho.

Tính chung tháng 10 và 11, sản lượng thép xây dựng HRC và phôi thép của Hòa Phát đạt 1,34 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ. Mức tiêu thụ theo tháng cũng tăng 18% so với trung bình quý 3 trước đó. Sản lượng phục hồi tích cực có thể bù đắt cho biên lợi nhuận gộp trong kỳ khi chi phí đầu vào đang gia tăng, cộng thêm khoản hoàn nhập dự phòng tỷ giá có thể diễn ra trong quý này. Chuyên gia SSI cho rằng, kết quả kinh doanh quý IV/2023 của Hòa Phát có thể nối dài đà hồi phục theo quý về lợi nhuận.

Dự báo 2 kịch bản vận động của thị trường chứng khoán

Về thị trường chứng khoán, sau nhiều tuần biến động trong biên độ hẹp quanh vùng giá 1.100 điểm thì VN-index đã có tuần giao dịch tích cực trong những phiên đầu tuần khi tăng giá tốt lên vùng giá 1.130 điểm. Chỉ số sau đó chịu áp lực rung lắc mạnh và phục hồi tốt dưới ảnh hưởng tích cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30. Kết tuần VN-index tăng 2,02% so với tuần trước lên mức 1.124,44 điểm với thanh khoản gia tăng mạnh.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 104.393,28 tỷ đồng, tăng mạnh 59,9% so với tuần trước. Thanh khoản đột biến ở phiên 7/12 quanh vùng giá trung bình MA200, khối lượng giao dịch gần 1,3 tỷ cổ phiếu, cao nhất từ tháng 9/2023, đột biến khá mạnh trong VN30.

Có sự phân hóa dòng tiền khi đầu tuần ưu tiên nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, nửa cuối tuần nhường chỗ cho VN30 nâng đỡ điểm số, giữ trạng thái cân bằng cho thị trường.

Chuyên gia SSI cho rằng, sự phân hoá rõ ràng đang khiến cho thị trường đứng trước 2 kịch bản vận động cho tuần sau.

Kịch bản tích cực là dòng tiền tiếp tục trở lại nhóm VN30 và nâng đỡ cho điểm số, chờ đợi sự cân bằng then chốt của nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động ản trước khi phát đi những tín hiệu mới về xu hướng. Dù không đóng góp quá nhiều về điểm số, nhưng đây là những nhóm cổ phiếu quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường thời gian qua.

Kịch bản điều chỉnh khi nhóm chỉ báo tâm lý thị trường như chứng khoán, bất động sản không giữ vững được xu hướng tăng giá, rủi ro điều chỉnh của thị trường cũng sẽ lớn dần, do đó nhà đầu tư nên thay đổi chiến lược đầu tư.

Trong tuần này, về kỹ thuật, kỳ vọng VN-Index sẽ sớm vượt qua ngưỡng cản gần quanh 1.130 điểm để hướng tới vùng 1.150 điểm. Xu hướng trung hạn của chỉ số là tìm điểm cân bằng tích lũy trở lại, trong kịch bản tích cực là vùng 1.150 điểm – 1.250 điểm, trường hợp kém hơn là vùng 1.100 điểm – 1.150 điểm.

Sự kiện cần theo dõi là số liệu CPI tháng 11 của Mỹ, nên tiếp tục quan sát khả năng kiểm soát lạm phát để có thêm nhận định về chính sách lãi suất của Fed trong thời gian tới. Hiện nay, đa số nhà đầu tư đã quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện khi nào FED bắt đầu đảo chiều chính sách.

Đồng thời, là cuộc họp chính sách của Fed diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/12 đang được giới đầu tư kỳ vọng tuyệt đối về việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất hiện tại trong kỳ họp lần này.

Chiến lược nhà đầu tư nên chú ý, đó là một số nhóm cổ phiếu thị trường đang đứng ở ranh giới vi phạm xu hướng tăng giá ngắn hạn - cũng là tín hiệu sớm cho sự suy yếu của tâm lý thị trường cần theo dõi trong đầu tuần tới để có những hành động thiên về quản trị rủi ro. Nhóm cổ phiếu VN30 đang có sự tích cực, nhưng chưa chắc chắn được trạng thái này sẽ kéo dài.

Nhà đầu tư nên chậm lại các vị thế ngắn hạn với các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian qua, hạ tỷ trọng nếu vi phạm xu hướng.

Chuyên gia SSI duy trì quan điểm đi cùng giai đoạn điều chỉnh nếu có, chờ đợi tích luỹ vùng giá thấp đối với các cổ phiếu có triển vọng trong quý IV/2023 và tầm nhìn 2024.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư